Xuất bản thông tin

null Sự thật phải được hiện diện

Chi tiết bài viết Nghiên cứu

Sự thật phải được hiện diện

“Chân”, “Thiện” và “Mỹ” là ba trong nhiều giá trị, nhưng được tôn trọng vào hàng bậc nhất và có tính phổ quát của loài người. Trong đó, “Chân” có sức mạnh chi phối suy nghĩ, hành động đối với mọi người. Hầu như ai cũng lên án cái giả. Thế nhưng trong nhiều giai đoạn và ở từng trường hợp cụ thể, “chân” không đứng vững trên “đôi chân” của mình. Thật và giả lẫn lộn. Khi ấy, xã hội bị rối loạn, cuộc sống con người mất phương hướng. Thê nên, những người có suy tư về trách nhiệm cần phải làm gì đó để sự thật được hiện diện, phải được đứng đầu bảng trong thang giá trị của con người.

Chân được nói đến như một quá trình nhận thức - tiếp cận chân lý. Chân còn được hiểu một cách phổ biến là thật - sự thật. Ở đây, bài viết này chủ yếu đề cập đến nội hàm sự thật và đối lập với nó là cái giả - sự giả dối. Ở bất cứ nơi đâu, trong cuộc sống, sự thật luôn được tôn vinh. Trong gia đình, những năm tháng tuổi thơ, trẻ luôn được cha mẹ căn dặn phải trả lời đầy đủ, đúng đắn về những vấn đề mà cha mẹ và người lớn hỏi. Suốt những năm tháng ở trường, các từ ngữ chân, thiện, mỹ hay “thật thà, dũng cảm” luôn được những người đáng kính nhắc nhở. Nhờ đó, cùng với các giá trị khác, sự thật đã giúp cho mỗi người sống trong cộng đồng hài hòa, tươi đẹp và định hướng cho loài người sống chân thật, nghĩa tình.

Tuy thế, bản thân cuộc sống của con người là những mặt đối lập. Trong góc khuất hoặc bối cảnh nào đó, con người lại không chấp nhận sự thật. Họ tự lừa dối mình và người người khác, ngay cả người thân hay đồng nghiệp của mình. Ngay trong cách hành xử riêng lẻ với nhau hay sinh hoạt trong tổ chức, kể cả những tổ chức chính thức, con người tự tạo ra hình thức, cách thức giả. Đáng tiếc, đôi khi, cái giả được ghi nhận từ văn bản của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức chính trị - xã hội hiện hành. Những người sinh hoạt trong một cơ quan của hệ thống chính trị đều biết, để giải quyết một vấn đề thật, việc thật cần sử dụng giấy tờ thật nhưng dối để hợp thức hóa. Nói một cách dễ hình dung, một người sử dụng kinh phí dù không bỏ túi riêng và không chút xấu hổ trong lương tâm, nhưng để thanh toán được nó họ phải kê nhiều ngày, nhiều người, mua hóa đơn với một số nội dung khác. Trên thực tế, khá nhiều việc phải làm trái với sự thật thì công việc mới trôi chảy. Điều phi lý đã trở thành hợp lý. Đáng lý, cái giả - từ “góc khuất”, cái cần che giấu lại được hiển nhiên thừa nhận. Phải chăng từ đây, xã hội  chạy theo cái giả, cái hư danh. Hầu như lĩnh vực nào cũng “vướng”. Trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, có hàng gian, hàng giả, hàng dỏm; chỗ học hành, có cảnh mua điểm số, mua bằng cấp; nơi nhận chính sách xã hội bị ép không nhận tiền bằng các đơn tình nguyện trả lại cho nhà nước; chốn “quan trường”, khi kê khai tài sản thì ghi lương “ba cọc, ba đồng” nhưng gặp “sự cố” lòi tiền “khủng” hay việc lấy phiếu tín nhiệm trước đại hội thì một trăm phần trăm đến khi vào đại hội chính thức bị rớt; nhiều vấn đề khác ở trạng thái “lập lờ đánh lận con đen” khó mà ghi đầy đủ. Trạng thái tâm lý “nói thật mất lòng”, là những vấn đề “nhạy cảm” xuất hiện và ngự trị trong đời sống xã hội. Và, một khi cái giả “lên đời”, cuộc sống là những lời than oán:

“Rượu nhạt uống lắm cũng say

Người ngay nói thẳng thì hay mất lòng

Vì đời quá lắm bất công

Những người lừa dối lại hay được lòng”  

Tâm trạng ấy hình  như có chiều hướng phổ biến, thịnh hành. Một người làm nghề “cao quý” ở một tỉnh nọ thốt lên rằng: ai cũng gù mình thẳng lưng là dị tật. Mặc dù nhận định này hoàn toàn không đúng trong các tình huống, nhưng tiếng nói ấy như hồi chuông báo động cho xã hội về nhiều mặt, nhất là việc tôn trọng sự thật.

Xã hội mà trước hết là các tổ chức trong hệ thống chính trị phải làm cho sự thật trở nên hiện hữu và thống trị trong đời sống. Có nhiều việc có thể cân nhắc lựa chọn, nhưng vài việc sau cần được tôn trọng và hành xử:

Thứ nhất, phải nhận thức đúng về giá trị của sự thật. Sự thật có sức mạnh phi thường. Ngược lại, giả dối làm băng hoại xã hội. Nhiều nhà triết lý và giáo dục đã từng cảnh báo sự giả dối sẽ dẫn đến mất niềm tin và sẽ cho ra kết quả là mất tất cả.

Thứ hai, các tổ chức có thẩm quyền cần sửa các cơ chế, quy định và thủ tục để loại trừ sự giả dối. Tính công khai, minh bạch và sự tuân thủ phải được đề cao trong mọi hoạt động công vụ.

Thứ ba, mỗi cá thể trong xã hội, mỗi thành viên trong tổ chức chính trị - xã hội cần thực hành, rèn luyện hành vi để trở thành thói quen ứng xử tôn trọng sự thật. Áy náy, day dứt, xấu hổ mỗi khi có những hành vi gian dối phải ngự trị trong tâm khảm mỗi người.

Bài học kinh nghiệm và cũng là tư duy chỉ đạo xuyên suốt của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Hy vọng, tư duy này được định hình trong mọi thành viên của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người để xã hội ta lành mạnh, văn minh và hạnh phúc.

                                                        Dân Biện