Xuất bản thông tin

null Chị Trần Kim Diệu khởi nghiệp thành công với sản phẩm trà lá sen

Chi tiết bài viết Nghiên cứu

Chị Trần Kim Diệu khởi nghiệp thành công với sản phẩm trà lá sen

Tình cờ đến thăm nhà chị bạn ở huyện Thanh Bình, đang giữa trưa trời nóng oi bức, chị mời tôi ly trà lá sen còn âm ấm, hương vị thơm nhè nhẹ, hậu ngọt xen lẫn vị đăng đắng của lá sen tạo cảm giác sảng khoái khi thưởng thức. Hỏi ra thì mới biết đó là trà lá sen Hoàng Diệu của chị Trần Kim Diệu ở ấp Tân An, xã Tân Huề huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Là giáo viên trường nghề của huyện, lương không đủ trang trải trong gia đình, chị suy nghĩ phải tìm công việc nào đó ngoài giờ làm thêm để tăng thu nhập còn lo cho cha mẹ già và các con. Trên đường đi làm về chị băng qua những cánh đồng sen bạt ngàn thơm ngát, thấy bà con xứ mình trồng sen cũng khá nhiều, thu hoạch gương xong lá vứt bỏ đi rất lãng phí còn gây ô nhiễm môi trường. Nhớ lại trước đây gia đình có dùng lá sen để chữa bệnh cho người thân cũng rất hiệu quả, chị tâm sự: “Tôi biết công dụng của lá sen cách đây hơn 25 năm. Bà nội tôi mới phát hiện bị bệnh tiểu đường, gia đình nghèo và y học cũng chưa hiện đại như bây giờ. Nghe bà con nói hái lá sen nấu nước uống biết đâu phước chủ, may thầy. Mỗi ngày đi học về tôi ra đồng cắt lá sen về nấu nước cho nội uống liên tục trong hai tháng. Thời gian sau, kiểm tra lại thì nội tôi đã khỏi hẳn tiểu đường, sức khỏe bà ngày càng tiến triển tốt hơn”.

Chị mạnh dạn chuyển đổi 2,5 héc ta đất ruộng sang trồng sen bán gương và lấy lá chế biến trà. Bước đầu tập tành thử nghiệm làm trà chị xắt bằng tay, trà lá sen của chị được người dân trong xã sử dụng và cho hay là ngủ ngon, sức khoẻ được cải thiện tốt hơn. Thông qua người tiêu dùng giới thiệu, sản phẩm làm ra bao nhiêu cũng không đủ bán. Chị bàn với gia đình thuê 20 công đất trồng sen, mỗi tháng chị thu hoạch trên một tấn gương sen, giá bán dao động từ 15 đến 30 ngàn đồng một kí lô gram, so với trồng lúa thì cây sen có hiệu quả kinh tế cao gấp 5 đến 7 lần.

Có những lúc ruộng sen gia đình không đáp ứng đủ cho đối tác, chị phải đặt hàng các hộ trồng sen lân cận mới đủ số lượng để giao hàng. Biết được nhu cầu của chị, các hộ cung cấp lá sen cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo nguyên liệu sạch trong chế biến trà. Chị còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu từ cách trang bị máy móc đến khâu chế biến, chị chia sẻ: “Lá sen để trở thành trà phải trải qua nhiều công đoạn. Sau khi cắt xong mang đi rửa thật sạch, dùng kéo cắt bỏ cuống chỉ lấy phần lá, đem dựng vào kệ lưới cho ráo nước, cuốn thành cuộn tròn nối liền nhau thành ống dài khoảng 5 mét, đưa vào máy cắt thành sợi rồi để vào từng khây cho vào máy sấy khô, sau đó ướp ít hương liệu bí quyết của gia đình, cuối cùng đem đi đóng gói”.

Cũng chính vào sự cần mẫn đam mê muốn đem tất cả những tinh túy của lá sen đến người tiêu dùng, chị Kim Diệu đã bén duyên với nghề và nhận lại chút thành quả sau những giờ lao động mệt nhọc. Mỗi tháng cơ sở của chị cung ứng cho Công ty trà Thiên Thanh chi nhánh tại Đà Lạt trên hai tấn nguyên liệu thành phẩm với giá mỗi kí lô gram 100 ngàn đồng, trừ xong tất cả các chi phí gia đình chị thu lãi 20 triệu đồng.

Bà Võ Thị Thuỳ Linh phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp nhận định: “Chị Trần Kim Diệu là phụ nữ nhạy bén, dám nghĩ, dám làm. Chị biết tận dụng những sản phẩm tự có tại địa phương, không phải đầu tư nhiều nhưng tạo ra sản phẩm có giá trị, mang lại lợi ích kinh tế cao. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cũng đã hỗ trợ chị về kiến thức cũng như các thủ tục đăng ký Giấy phép kinh doanh,tham gia các cuộc thi dự án khởi nghiệp, trưng bày sản phẩm tại các phiên chợ do huyện và Tỉnh tổ chức”.

Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cần cù chịu khó, chị Trần Kim Diệu sẽ tiếp tục thành công với sản phẩm trà lá sen của mình, góp phần tô điểm cho quê hương Thanh Bình ngày càng thêm khởi sắc.

Phạm Thị Kim Chi - Báo Văn nghệ Đồng Tháp