Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Câu chuyện Tự quản

Trang chủ Tin tức

Câu chuyện Tự quản

Gần đây, có nhiều mô hình mang tính tự quản: cộng đồng dân cư tự quản, tổ nhân dân tự quản, đoạn đường thanh niên tự quản, khu nhà trọ tự quản... Nhiều báo, đài đưa tin các mô hình đó như một cách làm mới mẻ. Nhiều lãnh đạo đến thăm, cổ vũ, động viên. Nhiều đoàn nghiên cứu đến khảo sát, tìm hiểu những giá trị cốt lỏi. Nhưng rốt cuộc lại, "Tự quản" là thế nào? Tại sao cần có các thiết chế tự quản? là những câu hỏi cần được giải toả để các mô hình đó vận hành ngày càng hiệu quả hơn. Làm gì, nhất là những việc mới mẽ, cần hiểu sâu giá trị của nó nếu không sẽ nhạt nhoà dần.

Một tổ chức gồm nhiều người, một cộng đồng dân cư càng đông người,  còn xã hội thì mênh mông với những nhóm người giai tầng khác nhau, năng lực khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, tuổi tác khác nhau. Vậy là, mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng dân cư, và nói rộng ra, là cả xã hội cần được quản lý để thiết lập trật tự, kỷ cương và dẫn dắt mọi người đi đúng con đường được vạch ra. Để quản lý hiệu quả thì cần đến các công cụ: bộ máy, con người và những quy chế, quy định, hệ thống pháp luật, thưởng - phạt. Đã quản lý thì ít nhiều phải dùng mệnh lệnh để mọi người tuân theo. Đã là quản lý thì đôi lúc không tránh khỏi gò ép mang tính cá nhân người quản lý, bộ máy quản lý. Đã là quản lý thì phải có người quản lý và đối tượng chịu sự quản lý, ít nhiều tạo ra tầng nấc, sự cách biệt, "chiếu trên, chiếu dưới".

Thường thì, trong mi người tạo ra ít nhiều sự phản kháng khi bị ai đó quản lý, áp đặt. Có thể là do hình thức quản lý, nội dung quản lý và có thể do cả phong cách của người quản lý. Trong khi đó, trong cuộc sống, mỗi người luôn cần một không gian đủ rộng để tự do thể hiện mình, khẳng định giá trị của mình, tự mình làm những việc thấy cần và nên làm. Mỗi cộng đồng cũng cần một không gian đủ rộng để mọi người có thể làm chủ cuộc sống của mình và lo liệu những việc chung của cộng đồng. Trong mỗi cộng đồng, bao giờ cũng có những người tiêu biểu, tâm huyết, có sức thuyết phục người khác. Nếu tạo ra được một không gian như vậy, mọi người sẽ tự nguyện tập hợp lại với nhau, khẳng định vai trò làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống, cùng nhau làm chủ xóm làng. Hệ thống pháp luật luôn có tính nguyên tắc, khô cứng, khi thâm nhập vào cộng đồng, cần trở nên linh hoạt mềm mại, dễ nhớ, dễ làm, dễ tạo được sự đồng thuận. Ngược lại, người dân sẽ chấp hành mệnh lệnh quản lý một cách khiên cưởng, đôi khi là mang tính đối phó nếu bị gò ép bằng mệnh lệnh khô cứng.

Được làm chủ, được tự quản, những sáng kiến từ trong mỗi cộng đồng sẽ sát hợp với nhu cầu cuộc sống hàng ngày, hàng giờ trong cộng đồng. Trong đại dịch Covid-19 vừa rồi cho thấy, những sáng kiến và sức mạnh của cộng đồng được phát huy mạnh mẽ như thế nào! Trong không gian tự quản, từng thành viên sẽ nối kết với nhau một cách tự nguyện, hình thành những mạng lưới quan hệ với nhau, chia sẻ nhau, nhắc nhở nhau. Đâu ai hiểu chuyện "ngõ ngách, xóm làng" bằng chính người trong cuc. Đâu ai hiểu tâm ý, gia cảnh, tập quán của từng người trong cộng đồng bằng chính cộng đồng. Đâu ai gần gũi, kịp thời đến với nhau khi "tối lửa tắt đèn". "Dân cần, quan trễ" là câu nói đáng suy ngẫm khi thuộc tính của bộ máy quản lý luôn "chậm chân", thiếu người để thực thi đầy đủ, kịp thời chức trách của mình.

Những giá trị của mô hình tự quản hoàn toàn không phủ định vai trò bộ máy quản lý, mà là "mảnh ghép" giữa quản lý và tự quản. Cộng đồng có những giới hạn nhất định: tính cục bộ, dòng tộc, năng lực, nguồn lực, xung đột lợi ích giữa các thành viên, xung đột giữa ý chí cộng đồng và hệ thống pháp luật, giữa "phép nước" và "lệ làng", giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Để khắc phục những mặt hạn chế trên, thay vì dùng mệnh lệnh, khuôn ép, bộ máy quản lý cần hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng. Bộ máy, người quản lý đến rồi lại đi, nhưng thành viên trong cộng đồng thì ngày đêm sống bên nhau, làm lụng cùng nhau. Cuộc sống luôn cuộn chảy, việc này giải quyết xong thì vấn đề mới lại xuất hiện, chỉ có cộng đồng mới kịp thời phát hiện và tự xử lý tình huống. Cuộc sống không tránh khỏi những va chạm, cộng động tự quản có thể hoà giải tại chỗ, hạn chế phần nào phải sử dụng công cụ pháp luật. "Vô phúc đáo tụng đình", kiện cáo thắng thua đều làm mất đi "tình làng, nghĩa xóm". Cuộc sống cần đến cái "lý" nhưng cần hơn cái "tình" để đối đãi với nhau.

Gần đây, người ta đưa ra khái niệm, lãnh đạo quản lý bằng cách "trao quyền". Mô hình tự quản cộng đồng là hình thức trao quyền cho người dân. Khi đã trao quyền thì phải có niềm tin vào người dân, vào cộng đồng. Không chỉ là trao quyền, mà còn khuyến khích, khơi gợi tinh thần tự quản, tự chăm lo cuộc sống cộng đồng. Tự quản cộng đồng dân cư làm nền đưa Quy chế dân chủ ở cơ sở vào thực chất và theo hướng đi mới mẻ. Tự quản hoàn toàn không làm mất đi quyền lực, vai trò của bộ máy quản lý, mà chính là kết hợp sức mạnh của quyền lực quản lý và sức mạnh của tự quản xã hội. Hoạt động của mô hình tự quản cộng đồng vẫn trong khuôn khổ quản lý nhưng tạo điều kiện để những quy định quản lý kịp thời, nhẹ nhàng, linh hoạt đến xã hội theo đặc điểm riêng của từng cộng đồng.

Bác Hồ đã đúc kết: “Ở đâu có dân là ở đó có núi, có sông, có biển. Dân có sức mạnh hơn cả sông núi. Nếu ta biết dựa vào dân thì sẽ thành công“. Chúng ta có niềm tin mạnh mẽ như vậy không? Mà tại sao lại không nhỉ!

                                                                                                                                      Xích Lô