Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null “Công cụ” giám sát quyền lực, tự nâng cao hiệu quả hoạt động

Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

“Công cụ” giám sát quyền lực, tự nâng cao hiệu quả hoạt động

Nhìn lại năm 2022 khi cả nước nỗ lực kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, những dấu ấn, điểm nhấn trong hoạt động của cơ quan dân cử địa phương không chỉ đến từ nỗ lực phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm, quan trọng hơn, từ sự quan tâm giám sát, hướng dẫn sát sao, kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát là lời giải đáp cho những kiến nghị và mong chờ của HĐND; “công cụ” để HĐND giám sát quyền lực và tự nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Cơ hội nhìn nhận, đánh giá tổng thể hoạt động

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và tác động bất lợi của dịch bệnh, sự quan tâm, hướng dẫn kịp thời, sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nguồn cổ vũ, động viên to lớn và điều kiện để HĐND các địa phương nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức trao đổi kinh nghiệm với Thường trực Hội đồng Nhân dân các huyện, thành phố về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát

Được sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội, trực tiếp là chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, 2022 là năm đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức triển khai Hội nghị tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngay từ năm đầu nhiệm kỳ. Đây là đổi mới thể hiện tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” để đánh giá những thuận lợi, ưu điểm, kết quả nổi bật, những kinh nghiệm quý trong các lĩnh vực hoạt động của HĐND. Đây cũng là cơ hội rất tốt để HĐND các tỉnh, thành nhìn nhận, đánh giá tổng thể hoạt động của nhiệm kỳ cũ, những vấn đề đặt ra cho nhiệm kỳ mới. Đặc biệt, đề xuất kiến nghị những nội dung đang vướng, khó, bất cập quá trình hoạt động HĐND các tỉnh gặp phải để kịp thời tháo gỡ.

Là một diễn đàn thiết thực chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, năm 2022, hoạt động Hội nghị thường trực HĐND 6 khu vực cũng được khởi động trở lại sau gần 2 năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Các hội nghị đều vinh dự được lãnh đạo Quốc hội trực tiếp tham dự và chỉ đạo. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND. Các kiến nghị tại Hội nghị đã được tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Với những kết quả rất tích cực, nhận được sự đồng tình, phấn khởi của các địa phương, Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND dự kiến sẽ tiếp tục được tổ chức vào đầu năm 2023. Các Hội nghị Thường trực HĐND khu vực cũng sẽ được đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng theo chủ đề, chú trọng tăng cường thực hiện các nghị quyết phát triển kinh tế 6 vùng được Bộ Chính trị ban hành.

Lời giải đáp cho những kiến nghị, mong chờ

Dấu ấn nổi bật, cũng là kinh nghiệm HĐND các địa phương học tập ở Quốc hội đó chính là tiếp tục phát huy việc chuẩn bị từ sớm, kỹ lưỡng, chu đáo cho các nội dung của kỳ họp; quyết liệt để bảo đảm chất lượng các quyết sách cũng như việc thực hiện các cam kết, lời hứa; tinh thần thẳng thắn, cộng đồng trách nhiệm trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhất là việc ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp, xác định rõ nhiều nhiệm vụ, giải pháp và thời hạn hoàn thành cụ thể, yêu cầu thực hiện quyết liệt, hiệu quả những vấn đề đã cam kết, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, nhiều ý kiến đề nghị và mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản hướng dẫn về hoạt động giám sát của HĐND nhằm khắc phục tình trạng “thiếu đồng bộ - không nhất quán”, đặc biệt là tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát quyền lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Đây chính là lời giải đáp cho những kiến nghị và mong chờ của HĐND các cấp từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ra đời. Nghị quyết 594 ra đời thể hiện sự quan tâm chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực sự là một “công cụ” để HĐND giám sát quyền lực và tự nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Đặc biệt, xuất phát từ thực tế có không ít ý kiến, kiến nghị rất xác đáng của đoàn giám sát không được các cơ quan tiếp thu nghiêm túc, do vậy không triển khai thực hiện đầy đủ, làm giảm hiệu lực giám sát của HĐND, giảm hiệu quả của hoạt động giám sát, sâu xa hơn còn gây mất lòng tin của cử tri, của Nhân dân vào cơ quan dân cử. Vì vây, bảo đảm chế tài để thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị sau giám sát là vấn đề các địa phương trăn trở, kiến nghị lâu nay.

Đáp ứng yêu cầu bức thiết này, Điều 28 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về việc công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát đón nhận được sự quan tâm đặc biệt của các địa phương. Theo đó, quy định sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thực hiện những vấn đề đã được HĐND kết luận, kiến nghị, Thường trực HĐND có trách nhiệm đăng tải công khai kết quả giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, hoặc công khai bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước. Quy định này thể hiện tính công khai, minh bạch, ý thức tôn trọng Nhân dân, tinh thần phát huy dân chủ, mở rộng và tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước, làm nền tảng cho các quyết sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo đánh giá của các địa phương: Quy định này buộc các đoàn giám sát phải nâng cao chất lượng của mình, xóa bỏ tư tưởng “giám sát đến da, thanh tra đến thịt”. Bởi lẽ, nếu chọn nội dung giám sát không phù hợp; giám sát nhưng không phát hiện ra vấn đề, không kiến nghị được những nội dung cụ thể, hợp lý thì chủ thể giám sát khó mà báo cáo kết quả với HĐND, càng khó để công khai kết luận của mình. Thực hiện việc công khai này sẽ giúp không chỉ các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND mà cả cử tri và Nhân dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện kiến nghị, tạo áp lực xã hội lên các cơ quan bị giám sát để thực hiện nghiêm túc các kiến nghị giám sát. Qua đó, tăng cường sự giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền địa phương và qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung, hoạt động giám sát nói riêng.

Một nội dung cũng nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các địa phương là Điều 29 Nghị quyết quy định “Thường trực HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để phục vụ hoạt động giám sát của HĐND; bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND các cấp và các cơ quan có liên quan”. Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa phục vụ hoạt động của các cơ quan HĐND tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, là giải pháp hữu hiệu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh. Theo đánh giá chung, quy định này rất cần thiết, đúng và trúng; là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND các cấp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa phục vụ hoạt động nói chung và hoạt động giám sát nói riêng.

Với việc có thêm một “công cụ” để HĐND giám sát quyền lực và tự nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 là nhân tố quan trọng không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Qua đó, góp phần xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm khiết, phục vụ Nhân dân, đáp ứng yêu cầu "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân)