Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Thúc đẩy giám sát của tổ đại biểu

Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Thúc đẩy giám sát của tổ đại biểu

Chủ thể hoạt động giám sát Tổ đại biểu HĐND rất thiết thực, thực tế ở cơ sở, giúp kiểm nghiệm thêm ý chí, nguyện vọng cụ thể, chính đáng của cử tri đối với các cơ quan nhà nước. Từ đó, có những kiến nghị, đề xuất sâu sắc, xác đáng với HĐND. Bởi vậy, nên có thêm những điều kiện cụ thể, thiết yếu để hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND được tăng cường, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực sự.

Chuyển biến bước đầu

Thời gian qua, hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh đã có những khởi sắc và chuyển biến rõ rệt, đi sát thực tế, gần cơ sở; nội dung giám sát thiết thực với yêu cầu cụ thể, hợp lòng dân. Các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát là những nhân tố thường xuyên trực tiếp với dân, giải quyết những công việc cụ thể, cấp thiết hàng ngày ở cơ sở nên báo cáo chi tiết, rõ ràng, rành mạch theo yêu cầu của đoàn giám sát. Các thành viên đoàn giám sát với người thực, việc thực gắn bó với cơ sở, tham gia ý kiến, đặt câu hỏi có lý, có tình. Trưởng đoàn giám sát nắm chắc vấn đề có kết luận khách quan, cụ thể; đơn vị chịu sự giám sát thừa nhận những thiếu sót, tồn tại và hứa sẽ tiếp thu, sửa chữa ngay trong thời gian ngắn nhất.

Tổ đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang đơn vị huyện Bắc Mê giám sát chương trình trồng rừng kinh tế năm 2021 - 2022 tại huyện.
Ảnh: Đức Toàn

Tuy nhiên, hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh nhìn chung vẫn còn ít được tổ chức, nhất là những tổ đại biểu có số lượng thành viên ít. Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm. Hơn nữa, để tổ chức một cuộc giám sát, tổ đại biểu HĐND phải họp thống nhất các thành viên tham gia đoàn giám sát, ban hành kế hoạch, chương trình, chọn đơn vị chịu sự giám sát; báo cáo Thường trực HĐND... tất cả mọi công việc đều tập trung vào tổ trưởng thì thực tình quá tải.

Bảo đảm đủ, rõ ràng điều kiện hoạt động

Ngoài Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, các cơ quan liên quan, nhất là HĐND các cấp cần nghiên cứu kỹ các Điều: 18, 19, 20, 21 Nghị quyết 594 ngày 12.9.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND trước hết cần có sự chỉ đạo, phân công, chủ yếu là của Thường trực HĐND. Khi phân công nhiệm vụ, Thường trực HĐND cần tạo điều kiện để tổ đại biểu HĐND giám sát; nhiệm vụ càng nhiều, điều kiện phải đủ và cụ thể, rõ ràng.

Trước hết, Thường trực HĐND nên cân nhắc đến lực lượng nòng cốt, các đại biểu HĐND chuyên trách. Thông thường, các đại biểu chuyên trách cơ cấu rõ ra các tổ đại biểu, nên cần giao cho các Phó Trưởng ban chuyên trách HĐND ở tổ đại biểu đó theo dõi. Đồng thời, chỉ đạo văn phòng tham mưu, giúp việc phân công mỗi tổ đại biểu có một cán bộ chuyên viên kiêm nhiệm giúp việc, thường xuyên cùng dự các cuộc họp tổ, cùng đi TXCT, tiếp dân với tổ đại biểu HĐND. Thường trực, các Ban HĐND khi về giám sát tại địa bàn, nên mời một số đại biểu HĐND của tổ tham gia để làm quen công việc và học hỏi kỹ năng hoạt động giám sát.

Ngoài phân công cán bộ, chuyên viên giúp hoạt động giám sát của tổ đại biểu, Thường trực HĐND nên quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động của tổ. Theo Điều 90 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân: kinh phí hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND do ngân sách nhà nước bảo đảm. Như vậy, hàng năm khi bố trí ngân sách hoạt động HĐND, nên có mục dành cho hoạt động của tổ đại biểu, trong đó có hoạt động giám sát, chú ý bảo đảm phụ cấp cho đại biểu HĐND không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia hoạt động giám sát. Đây là vấn đề hơi “tế nhị” nhưng không nên để chi phí cho hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh lại dựa vào Thường trực HĐND hoặc Ủy ban MTTQVN cấp dưới.

Quan tâm những vấn đề bức xúc, nổi cộm nhất

Luật pháp khá đầy đủ, Thường trực HĐND tạo điều kiện tốt; vấn đề còn lại cốt yếu ở việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ đại biểu HĐND. Đây là trách nhiệm trước cử tri trên địa bàn mà đại biểu HĐND đã hứa khi vận động bầu cử. Hiện tại, nhiều nơi hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND ở địa phương còn mờ nhạt, điều đó không chỉ do luật pháp, mà do hoạt động còn khiêm tốn, ngại khó khăn, sợ đụng chạm; đồng thời, cũng do nếp nghĩ lâu nay của một số cơ quan, tổ chức còn xem nhẹ hoạt động của HĐND. Để phá vỡ suy nghĩ cũ, tổ đại biểu HĐND phải tăng cường hoạt động, nhất là giám sát. Qua đó góp phần nâng cao vị trí, vai trò, quyền hạn của HĐND trong hệ thống chính trị.

Trên cơ sở phân công của HĐND, Thường trực HĐND, tổ đại biểu HĐND cần căn cứ vào tình hình thực tế, cụ thể của địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát theo quy định của pháp luật. Quan tâm những vấn đề bức xúc, nổi cộm nhất ở địa phương để lựa chọn cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát phù hợp. Nghiên cứu, xem kỹ kế hoạch giám sát của Thường trực, các Ban của HĐND cùng cấp xuống địa phương để tránh trùng lặp, chồng chéo; nếu được cần thiết phối hợp, kết hợp cùng giám sát để đỡ thời gian, công sức và đạt kết quả cao. Đồng thời, cũng chú ý đến lịch trình các cuộc kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan chức năng trên địa bàn để hạn chế tối đa việc gây phiền phức đến hoạt động hàng ngày của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát.

Luật pháp đã tăng cường điều kiện pháp lý cho hoạt động giám sát của HĐND, trong đó quy định rõ giám sát của tổ đại biểu HĐND. Thường trực HĐND tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện cần thiết tăng cường hoạt động giám sát của tổ đại biểu. Xác định giám sát của tổ đại biểu HĐND rất sâu rộng, sát cơ sở nhất sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm từ thực tế, đáp ứng được nhiều kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Qua giám sát của tổ đại biểu, Thường trực HĐND sẽ thu được nhiều kết quả, thông tin hữu ích để bổ sung, đổi mới phương thức, nội dung, chương trình hoạt động của HĐND, nhằm nâng cao vị thế cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

(Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân)