Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết HĐND: Theo sát việc lấy ý kiến đối tượng chịu tác động

Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết HĐND: Theo sát việc lấy ý kiến đối tượng chịu tác động

Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết HĐND, bên cạnh nghiên cứu kỹ các đề nghị xây dựng nghị quyết để cho ý kiến chấp thuận hay không chấp thuận, Thường trực HĐND tỉnh cần giao các Ban HĐND theo dõi, giám sát việc tổ chức lấy ý kiến đối với các dự thảo nghị quyết, nhất là các nghị quyết chuyên đề, đặc thù. Việc lấy ý kiến công khai, rộng rãi, dân chủ, xuống tận cơ sở rất quan trọng để tránh việc ban hành nghị quyết mang tính quy chụp, quan liêu, thiếu cơ sở thực tế dẫn đến khó khả thi trong thực tiễn.

Quyết sách sát thực      

Là một tỉnh thuần nông nên trong các quyết sách được ban hành, HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm đến các nghị quyết mang tính chuyên đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong tình hình cả nước nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng đang đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Các nghị quyết, đề án chuyên đề về nông nghiệp phải kể ra đó là: Đề án nâng cao chất lượng hoạt động Hợp tác xã; Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; Đề án phát triển trạm bơm điện; Đề án phát triển giống cây trồng vật nuôi và giống thủy sản chất lượng cao; Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đầu tư; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân Hậu Giang ngày càng được nâng cao, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng… đã minh chứng cho việc các nghị quyết, đề án nông nghiệp được ban hành rất kịp thời, có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển lĩnh vực nông nghiệp của địa phương.

Bên cạnh đó, nhận diện được ngành du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết Quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch, tạo cú hích thúc đẩy ngành du lịch phát triển. HĐND tỉnh còn ban hành nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, được đông đảo cử tri hoan nghênh, đồng thuận, bởi nghị quyết đã khuyến khích và trực tiếp hỗ trợ người dân đi xuất khẩu lao động.

Phiên họp tháng 8 của Thường trực HĐND tỉnh Hậu Giang bàn các nội dung chuẩn bị Kỳ họp thứ 17. Ảnh: Hải Đường

Kịp thời sửa đổi, bổ sung

Một nghị quyết chất lượng là khi bảo đảm được tính hiệu lực, khả thi, sát thực tiễn và đi vào cuộc sống. Nhận thức điều đó, HĐND tỉnh Hậu Giang đã không ngừng chú trọng công tác ban hành từ khâu soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm tra, thẩm định và quyết định tại kỳ họp, trong đó, vai trò của Thường trực, các Ban, đại biểu HĐND tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng.

Thường trực HĐND tỉnh, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh cho ý kiến về các đề nghị xây dựng nghị quyết, trong đó nêu rõ nội dung, thời gian trình để UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành thực hiện quy trình soạn thảo nghị quyết. Các Ban HĐND tỉnh, với tinh thần phối hợp, tích cực cùng các sở, ngành, đơn vị soạn thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị quyết; đặc biệt, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh được mời tham dự các cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh để nắm các chủ trương và thông tin từ các Thường trực; trên cơ sở tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giám sát, khảo sát… thấu cảm tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nắm vững tiềm năng, điều kiện của tỉnh để khi thẩm tra, đưa ra được quan điểm, chính kiến của Ban đối với từng vấn đề trong dự thảo nghị quyết làm cơ sở cho đại biểu HĐND xem xét, quyết định. Đại biểu HĐND tỉnh, từ thực tiễn hoạt động dân cử và nhiều kênh thông tin xem xét tính khả thi, phù hợp để quyết định thông qua hay không thông qua.

Mặc dù đã cố gắng thực hiện tốt các quy trình để một nghị quyết được ra đời hoàn thiện cả về nội dung lẫn thể thức, nhưng trên thực tế, một số nghị quyết chưa thực sự gắn bó với đời sống thực tiễn, tính khả thi chưa cao. Cụ thể, một số đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh hiện nay có tỷ lệ giải ngân thấp, tiến độ thực hiện có nghị quyết mới đạt hơn 30% kế hoạch; một số chính sách còn chồng chéo, rườm rà, gây khó trong tổ chức triển khai; một số chính sách đã lạc hậu so với thực tế và so với các quy định pháp luật mới…

Thực tế cho thấy, để nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết, nhất là các nghị quyết chuyên đề, đặc thù, Thường trực HĐND tỉnh phải chủ động đôn đốc UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh trình các đề nghị xây dựng nghị quyết theo đúng quy định tại Điều 111 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Đồng thời, nghiên cứu kỹ các đề nghị xây dựng nghị quyết để cho ý kiến chấp thuận, hay không chấp thuận, nhất là các đề nghị chưa đủ cơ sở pháp lý, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn. Giao các Ban HĐND theo dõi, giám sát việc tổ chức lấy ý kiến đối với các dự thảo nghị quyết, nhất là các nghị quyết chuyên đề, đặc thù. Việc lấy ý kiến một cách công khai, rộng rãi, dân chủ, xuống tận cơ sở là rất quan trọng để tránh việc ban hành nghị quyết mang tính quy chụp, quan liêu, thiếu cơ sở thực tế dẫn đến khó khả thi trong thực tiễn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân các đề án nông nghiệp của tỉnh chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.

Ngoài tổ chức giám sát, khảo sát việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh kịp thời sơ kết, đánh giá tính hiệu quả, khả thi của các nghị quyết để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi. Đối với tỉnh Hậu Giang, nhận diện được những bất cập của các nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo UBND tích hợp các nghị quyết, đề án nông nghiệp thành một nghị quyết chung, khắc phục những chồng chéo, rườm rà trước đây để phát huy hiệu quả thiết thực hơn.

Nguồn: http://daibieunhandan.vn/