Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Dự án Luật Cư trú (sửa đổi): Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân

Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Dự án Luật Cư trú (sửa đổi): Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân

Hiện nay, việc cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thủ tục, giấy tờ cho người dân sau khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành đang được đặt ra. Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, nhiều ý kiến tán thành với việc có quy định chuyển tiếp, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.

Phương thức quản lý tiến bộ

Việc chuyển từ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang theo phương thức điện tử, thông qua mã số định danh cá nhân đã được các đại biểu Quốc hội tán thành cao khi dự án Luật Cư trú (sửa đổi) được trình ra cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín. Không thể phủ nhận tính tiến bộ của  phương thức quản lý mới được Chính phủ đề xuất khi quy định đến thời điểm Luật này có hiệu lực (1.7.2021) sẽ thực hiện ngay phương thức quản lý mới, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết giá trị. Quy định theo hướng nêu trên cũng tạo áp lực để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.

Nhưng cũng có một số ý kiến ngần ngại. Bởi lẽ, theo quy định tại Luật Căn cước công dân, đến ngày 1.1.2020, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được hình thành, đi vào hoạt động, nhưng đến nay đã bị lỡ hẹn. Thời gian từ nay đến ngày dự kiến dự án Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực cũng không còn nhiều nên hoàn toàn có thể hiểu sự ngần ngại này.

Tuy nhiên, báo cáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Quyết định 366 ngày 1.3.2020. Bộ Công an đã có Kế hoạch số 82 và đã quy định rất cụ thể về thời gian, từng việc kể cả các việc kết hợp với các bộ để đồng bộ trong việc thực hiện và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2021. Đầu tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đầu tư đối với dự án sản xuất, cấp quản lý căn cước công dân, qua đó sẽ thực hiện gắn chip điện tử vào thẻ căn cước công dân, cấp mã số định danh cá nhân đồng bộ.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xác định nhu cầu, mức độ khai thác thông tin dân cư trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Khi xây dựng các dự án, nhiệm vụ có tổ chức thu thập thông tin cơ bản về công dân cần trao đổi, thống nhất với Bộ Công an để tránh đầu tư trùng lặp và lãng phí. Tuy dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư chạy chậm hơn thời hạn đề ra, song Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch, tiến hành sắp xếp công việc để đồng bộ cùng với dữ liệu dân cư và có sự chia sẻ với dữ liệu về cư trú, bảo đảm có tiếp nhận những thông tin của nhau, tiến tới gộp là một thành một trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. “Chúng tôi sẽ bảo đảm thực hiện được theo đề xuất là ngày 1.7.2021 nếu Quốc hội thông qua” - Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (Điện Biên) góp ý Luật Cư trú (sửa đổi) khả năng kết nối của các cơ quan, đơn vị khác có bảo đảm?

Đánh giá cao tính tiến bộ của phương thức quản lý dân cư mới được Chính phủ đề xuất, song ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên), ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)… đều đề nghị cần có quy định chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thủ tục, giấy tờ cho người dân sau khi Luật này có hiệu lực thi hành.

Đưa ra lý lẽ của đề nghị này, ĐB Phạm Văn Hòa cho biết, qua nghiên cứu và thu thập thông tin nhận thấy, hiện có 27 loại giấy tờ cần phải có hộ khẩu, sổ tạm trú. Từ nay đến 1.7.2021 chúng ta bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu, như vậy các cơ quan có bảo đảm được hay không? ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, cơ quan công an có thể bảo đảm khi là chính cơ quan thực hiện thu thập dữ liệu dân cư, nhưng các cơ quan ban ngành, đoàn thể khác có thể bảo đảm được hay không lại là câu chuyện khác. Nếu chúng ta bỏ hoàn toàn như vậy, e rằng sẽ rất khó khăn cho người dân trong việc xử lý các công việc, mối quan hệ liên quan đến các cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền. "Bởi các cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền không nắm được thường trú người dân nơi đó, mà họ đòi hỏi sự xác nhận như vậy rất mất công, phiền hà cho người dân. Chúng ta xóa bỏ đăng ký hộ khẩu là chúng ta xóa bỏ vĩnh viễn, lâu dài về sau, không phải một sớm, một ngày. Nếu chúng ta vội như Tờ trình dự án Luật thì e rằng sẽ gây khó khăn cho người dân trong quan hệ giao dịch nếu người ta cần”, ĐB Phạm Văn Hòa nói.

Với bài học về chuẩn bị không kịp điều kiện thực hiện nên việc cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước đều chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, hoặc văn bản ban hành rồi lại trái với luật, nên Quốc hội đã quyết định không thu tiền cấp giấy phép khai thác hai loại tài nguyên này ở trong một nghị quyết tại Kỳ họp thứ Tám, ĐB Trần Thị Dung tán thành đưa quy định chuyển tiếp vào dự án Luật. Đồng thời, cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú cho đến hết ngày 31.12.2022.

Và cũng không phải lấy lý do đâu xa, ngay từ nhu cầu xin xác nhận về hộ khẩu, giấy tờ của hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới, nếu khi cơ sở dữ liệu quốc gia không hoàn thiện đúng thời hạn, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú thì các cơ quan chức năng có thể thực hiện không? Hơn nữa, khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú rồi trong ngành công an có thể thực hiện được, nhưng kết nối với các bộ, ngành thì như thế nào? Theo các ý kiến này, cần lường trước những vấn đề nêu trên để làm sao người dân thực hiện một cách thuận lợi nhất.

Có thể thấy, vào năm 2014, để thông qua Luật Căn cước công dân, các cơ quan chức năng đã khẳng định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến thời điểm 1.1.2020 có thể đưa vào sử dụng. Với sự chậm trễ trong thực hiện xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chưa kể phải bảo đảm sự kết nối đồng bộ của các cơ quan, đơn vị khác, cũng như thật khó khi phát sinh vấn đề mới thì cần có quy định chuyển tiếp để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, nếu không sẽ rất khó khăn trong triển khai thực hiện.

Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân