Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Phải tự xem xét trách nhiệm khi chưa hoàn thành nhiệm vụ

Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Phải tự xem xét trách nhiệm khi chưa hoàn thành nhiệm vụ

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, Chính phủ cần đối chiếu với quy định tại Nghị quyết số 67/2013 của Quốc hội để xử lý trách nhiệm những cơ quan, thủ trưởng cơ quan để xảy ra tình trạng chậm, nợ đọng ban hành văn bản quy định chi tiết. Các bộ, ngành cũng phải tự xem xét trách nhiệm của mình khi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này.

"Nghị quyết số 67/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành yêu cầu thường xuyên đôn đốc, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện; kịp thời phát hiện, làm rõ nguyên nhân; tự xem xét đánh giá trách nhiệm của mình khi chưa hoàn thành nhiệm vụ trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan cấp dưới để xảy ra chậm trễ trong triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đồng thời, Nghị quyết số 67 yêu cầu, cần xác định đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan. Chính phủ cần đối chiếu với quy định tại Nghị quyết số 67 để đánh giá những trường hợp đã bị xem xét xử lý trách nhiệm do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết có tương xứng với yêu cầu đề ra chưa? Các bộ, ngành cũng nên tự xem xét trách nhiệm của mình khi chưa hoàn thành tốt công tác ban hành văn bản quy định chi tiết".

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa

Không dừng ở nhận trách nhiệm

- Thời gian qua, Chính phủ đã ngày càng quan tâm đến công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết của Quốc hội, nhưng kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội cũng chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại, thưa ông?

- Đúng là công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết để hướng dẫn thực hiện luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ngày càng được Chính phủ quan tâm. Thậm chí, tình hình soạn thảo và nợ ban hành văn bản cũng được công khai trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Tư pháp. Nhưng trong thực hiện công tác này nổi lên một số hạn chế, tồn tại cần được quan tâm nghiêm túc rút kinh nghiệm và sớm có giải pháp khắc phục.

Thứ nhất, dù số văn bản nợ hiện nay có xu hướng giảm so với thời điểm cuối nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, nhưng nếu tính trong nhiệm kỳ Khóa XIV thì số lượng văn bản nợ qua các năm lại có xu hướng tăng dần.

Thứ hai, có tình trạng không ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung được giao và quy định không đúng nội dung luật giao, chưa nói đến việc có dấu hiệu trái luật cần phải sửa đổi.

Thứ ba, xuất hiện tình trạng một nội dung của luật được giao cho nhiều bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn thì có văn bản hướng dẫn của bộ này, song chưa có văn bản hướng dẫn của bộ kia nên chưa triển khai thi hành được. Thậm chí, có tình trạng văn bản do bộ này ban hành mâu thuẫn với văn bản do bộ khác ban hành, nói cách khác “người hướng dẫn kiểu này, người hướng dẫn kiểu kia".

Ba tồn tại trên đây đã ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước, hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

 - Việc chậm trễ ban hành văn bản quy định chi tiết theo ông ảnh hưởng như thế nào đến công tác quản lý nhà nước, cũng hoạt động của người dân, doanh nghiệp?

- Việc chậm trễ ban hành văn bản quy định chi tiết, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản, bộ nào cũng muốn ban hành quy định có lợi cho mình, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Để làm rõ hơn ảnh hưởng này, chúng ta có thể xem xét từ việc chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do phạm vi điều chỉnh rộng, Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định những vấn đề lớn, đường hướng chung, các bộ, ngành ban hành quy định hướng dẫn chi tiết để thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực được giao quản lý. Trên thực tế, do chậm ban hành một số văn bản quy định chi tiết nên xảy ra tình trạng thấy sai phạm mà xử phạt không được, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quản lý địa bàn, lĩnh vực được giao.  

- Vậy, các bộ, ngành có phải lượng hóa thiệt hại do chậm ban hành văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực giao quản lý không, thưa ông?

- Dù không phải nội dung nào của luật, pháp lệnh chậm được ban hành văn bản quy định chi tiết khi được Quốc hội giao cũng có thể lượng hóa được sự ảnh hưởng đến quản lý nhà nước, hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Nhưng, mới đây, do việc ban hành nghị định hướng dẫn phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Nghị định số 203/2013) chậm 2 năm 6 tháng; và nghị định quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Nghị định số 82/2017) chậm 4 năm 8 tháng kể từ ngày luật có hiệu lực, đã dẫn đến nguy cơ thất thu khoảng 5.000 tỷ đồng (theo báo cáo của Chính phủ). Chính phủ đã phê bình nghiêm khắc những bộ chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, các bộ liên quan nghiêm túc nhận trách nhiệm. Dù trong quá trình xây dựng hai văn bản quy định chi tiết nêu trên đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, nhưng các hoạt động khai thác khoáng sản, nguồn nước không hề dừng lại. Do vậy, đại biểu Quốc hội và cử tri cần chuyển động trên thực tế trong công tác ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, nghị quyết chứ không phải chỉ dừng lại ở nhận trách nhiệm như hiện nay.

Trên đã nghiêm, dưới cũng phải nghiêm

- Trong các phiên họp thường kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên xem xét, nhắc nhở, kiểm điểm trực tiếp thủ trưởng đơn vị để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết…

- Trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thời gian qua, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rốt ráo, song một số bộ, ngành vẫn còn ì ạch khi thực hiện. Đây là tồn tại Chính phủ phải thấy, nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan. Trên đã nghiêm, dưới cũng phải nghiêm. Cơ quan cấp dưới phải chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên, những vấn đề thấy khó khăn, lúng túng cần nhanh chóng xin ý kiến. Chính phủ, các bộ, ngành cần nhanh chóng chấn chỉnh hạn chế này theo tinh thần làm đúng sẽ khen thưởng, làm sai sẽ nghiêm khắc phê bình, xử lý trách nhiệm. Đây là tiền đề để cán bộ nêu gương, khắc phục hạn chế, thiếu sót của mình trong thực hiện các hoạt động công vụ, qua đó giúp hoạt động quản lý nhà nước đi vào nề nếp, ngày càng hiệu quả, hiệu lực hơn.

- Theo báo cáo của Chính phủ, khi các bộ, ngành tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong thực hiện công tác này đã đề ra hình thức kiểm điểm trách nhiệm, không xem xét khen, tặng danh hiệu thi đua với cơ quan, thủ trưởng để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Hình thức xử lý trách nhiệm như vậy đã đáp ứng được yêu cầu chưa, thưa ông?

- Theo quy định hiện hành, việc xử lý trách nhiệm được thực hiện qua nhiều hình thức phê bình, kiểm điểm, khiển trách, cảnh cáo, cách chức, hạ bậc lương, hạ ngạch… Nếu chỉ dừng ở hình thức không xem xét khen, tặng danh hiệu thi đua với cơ quan, thủ trưởng cơ quan để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết sẽ là xử lý trách nhiệm rất nhẹ, không có tính răn đe cao. Tôi cho rằng, cần xử lý trách nhiệm nghiêm minh, vì có như vậy cán bộ, công chức mới không dám, không muốn và không thể để xảy ra sai sót trong tiến hành các hoạt động công vụ nói chung, trong đó có công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. 

- Xin cám ơn ông!

Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân