Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Có nên bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”?

Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Có nên bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”?

Sáng 22.10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp trực tuyến, thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp ở nhiều điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và rõ ràng của các quy định. Trong đó, tập trung vào 6 nhóm vấn đề.

Một là, quy định về tái phạm; nguyên tắc xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần; thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong xử lý vi phạm hành chính.

Hai là, về hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt.

Ba là, về biên bản vi phạm hành chính; việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong phát hiện vi phạm hành chính; thời hạn ra quyết định xử phạt; việc tịch thu tang vật, phương tiện và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt, hết thời hiệu xử phạt, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt.

Bốn là, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Năm là, về đối tượng, thủ tục lập hồ sơ, thi hành và các quy định khác về việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Và, sáu là trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính; tạm giữ và xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính; việc quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản đồng tình với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời tập trung phát biểu, làm rõ những nội dung còn ý kiến khác nhau, như: mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt; bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính...

Về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong lần cho ý kiến đầu tiên tại Kỳ họp thứ Chín, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”. Một số ý kiến tán thành bổ sung biện pháp này là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Một số ý kiến đề nghị bổ sung biện pháp này là biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, quá trình tiếp thu, chỉnh lý còn hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước...”, vì qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác. Việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm bảo đảm xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín là quá rộng, chưa tương xứng với chế tài bị áp dụng trong một số trường hợp, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Do vậy, đề nghị thu hẹp phạm vi áp dụng và bổ sung nguyên tắc việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

Do còn có ý kiến khác nhau, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này thể hiện hai phương án theo hai loại ý kiến nêu trên để tiếp tục xin ý kiến các ĐBQH.

Ủng hộ phương án đầu tiên, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phân tích: nếu bổ sung biện pháp cưỡng chế "ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước..." sẽ vi phạm quyền con người cũng như các quy tắc xử phạt, thiếu sự phân hóa rõ ràng trách nhiệm hành chính đồng thời việc cung cấp dịch vụ điện nước được thực hiện theo hợp đồng dân sự được ký kết giữa cá nhân, tổ chức với đơn vị cung cấp. Do vậy, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này chưa thể hiện tính nhân văn, tính khả thi cũng không cao và trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm trong Bộ luật Dân sự.

Ở góc nhìn khác, tán thành với phương án hai, ĐBQH Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho rằng, thực tế đã có nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm, nhất là trong lĩnh vực môi trường. Cho nên, nếu chúng ta không bổ sung biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp điện, nước, thì các cơ sở, tổ chức vi phạm sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe người dân sinh sống ở khu vực xung quanh cũng như lợi ích của cộng đồng. Do vậy, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế "ngừng cung cấp điện, nước" là cần thiết, sẽ góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Tranh luận về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, không nên bổ sung biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, trong trường hợp vẫn giữ quy định này, thì chỉ nên áp dụng cho lĩnh vực xây dựng. Thực tế, các biện pháp này đã từng gắn với sự tồn tại của thanh tra xây dựng, kể cả lực lượng thanh tra ở cấp xã, phường. Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ, thì đã dừng thực hiện biện pháp cưỡng chế này, nhưng trước đó cũng không mấy hiệu lực do chủ công trình không mấy khi sợ, vì có cắt điện, nước cũng chỉ áp dụng có thời hạn, chứ không thể áp dụng vĩnh viễn. Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, cần xem xét thấu đáo hơn mối quan hệ giữa UBND phường với điện lực và dịch vụ cung cấp nước sạch, bởi nếu biện pháp này được áp dụng, thì sẽ xảy ra trường hợp văn bản của UBND phường yêu cầu nhà cung cấp cắt dịch vụ điện, nước mà không cần quan tâm hợp đồng nhà cung cấp đã ký với khách hàng như thế nào.

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân