Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị giám sát chặt chẽ hơn việc biên soạn sách giáo khoa mới

Trang chủ Tin tức

Cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị giám sát chặt chẽ hơn việc biên soạn sách giáo khoa mới

Cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có chương trình giám sát chặt chẽ hơn việc biên soạn sách giáo khoa mới; đánh giá lại việc soạn thảo, phát hành điều chỉnh những sai sót trong sách giáo khoa vừa qua, đặc biệt sách giáo khoa lớp 1 và công bố kết quả để nhân dân an tâm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp gửi tới sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV bổ sung tại Công văn số 451/BDN ngày 30/12/2020 của Ban Dân nguyện. Theo đó, cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục có chương trình giám sát chặt chẽ hơn việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) mới; đánh giá lại việc soạn thảo, phát hành điều chỉnh những sai sót trong sách giáo khoa vừa qua, đặc biệt sách giáo khoa lớp 1 và công bố kết quả để nhân dân an tâm.

 

Theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới được triển khai từ năm học 2021-2022.

Về vấn đề trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 828/BGDĐT-GDT ngày 03/3/2021 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu rõ: Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 05 bộ sách giáo khoa lớp 1, gồm: 04 bộ sách thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bộ sách Cánh Diều thuộc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn đưa vào giảng dạy. Tất cả các SGK được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu để xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, ngăn ngừa sự độc quyền trong xuất bản, phát hành SGK.

Trước những phản ánh từ đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông mới còn gặp một số khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học; một số ngữ liệu trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 chưa phù hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4090/BGDĐT-TH yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK (Hội đồng thẩm định) và các Nhà xuất bản có SGK môn Tiếng Việt lớp 1 thực hiện rà soát, kiểm tra các nội dung dư luận phản ánh và báo cáo về Bộ. Hiện nay, các Hội đồng thẩm định, tác giả và các nhà xuất bản đã và đang tiếp tục triển khai các bước thực hiện, gửi báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo những nội dung theo quy định để thực hiện điều chỉnh, bổ sung trong các lần tái bản.

Mặc dù việc chỉnh sửa, hiệu đính SGK vẫn được thực hiện như đối với các SGK trước đây, nhưng việc để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội về một số điểm chưa phù hợp trong SGK trong thời gian vừa qua có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thẩm định, các Nhà xuất bản và các tác giả. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu và trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, giáo viên và cử tri cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, chỉ ra những nội dung chưa phù hợp trong SGK và mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để SGK ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành SGK lớp 1 theo quy định tại Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội; tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định SGK từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định./.

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)