Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Đại biểu Quốc hội phải có sự chủ động, trách nhiệm và thực hiện đúng lời hứa trước cử tri

Trang chủ Hoạt động của đại biểu

Đại biểu Quốc hội phải có sự chủ động, trách nhiệm và thực hiện đúng lời hứa trước cử tri

Ðại biểu Quốc hội là người được nhân dân trực tiếp bầu, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Do đó, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Quốc hội phải có sự chủ động, trách nhiệm và thực hiện đúng lời hứa trước cử tri.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại  biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Là một trong số nhiều đại biểu có hoạt động nghị trường sôi nổi tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, ông có quan niệm như thế nào về trách nhiệm của đại biểu với cử tri?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội thì, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm: Tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập.

Tuy nhiên, bên cạnh những trách nhiệm do luật định, tôi cho rằng trách nhiệm của đại biểu là phải nói lên tiếng nói đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đa số cử tri. Để hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu trước cử tri, mỗi đại biểu cần phải có sự tích cực, chủ động trong hoạt động nghị trường đồng thời cần nhận thức rõ trách nhiệm và quan trọng hơn cả là phải thực hiện đúng lời hứa, lời cam kết trước cử tri.

Phóng viên: Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội. Vậy, thực tế tại nghị trường, quyền phát biểu, tranh luận này đã được thực hiện như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Quyền phát biểu, tranh luận của mỗi đại biểu là như nhau, vấn đề mỗi đại biểu sẽ tận dụng và sử dụng quyền đó như thế nào để thực hiện trách nhiệm của đại biểu trước cử tri. Gần 500 đại biểu Quốc hội, có thể có sự khác nhau về trình độ, hiểu biết nhưng điều quan trọng là họ nói lên chính kiến của mình, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Rất nhiều ý kiến tranh luận, phản biện của đại biểu đã được các bộ, ngành tiếp thu và có chỉnh sửa, khắc phục kịp thời. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với các vấn đề còn bất cập trong xã hội.

Điều cốt lõi là đại biểu cần không ngừng nỗ lực, hoàn thiện để thể hiện tốt nhất những kiến thức, vốn sống và suy nghĩ của mình nhằm đóng góp thiết thực, hiệu quả cho các dự án luật, công tác giám sát cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đại biểu cần tổng hợp và truyền tải ý kiến cử tri một cách khách quan và công tâm nhất. Điều này sẽ giúp khi ban hành pháp luật, chính sách sẽ đi vào và phát huy giá trị trong thực tiễn cuộc sống.

Bên cạnh đa số đại biểu sôi nổi, nhiệt huyết trong thảo luận thì cũng có một số ít đại biểu còn e dè, ít thể hiện quan điểm. Đây là vấn đề cần khắc phục tại Quốc hội khóa XV tới đây. Tôi mong rằng, các vị đại biểu trúng cử tới đây sẽ xác định rõ trách nhiệm của mình trước cử tri; phát biểu và tranh luận cũng là để nói lên tiếng nói của cử tri, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cử tri và vì sự thịnh vượng, phát triển của đất nước.

Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng gì vào các đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 tới đây?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại  biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Nhiệm kỳ Quốc hội XV có khoảng 50% các đại biểu nhiệm kỳ trước sẽ tái cử, nếu trúng cử họ là những người đã có kinh nghiệm trong hoạt động của Quốc hội. Vì vậy, tôi kỳ vọng những đại biểu tái cử sẽ phát huy vai trò trong nghị trường, để nhiệm kỳ mới tiếp tục có những thành quả tốt được cử tri ghi nhận. Với những đại biểu mới ứng cử lần đầu, cần học tập kinh nghiệm của những người đi trước và phát huy trách nhiệm, trí tuệ của mình đóng góp cho đất nước.

Đại biểu trúng cử phải thường xuyên tiếp xúc, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thậm chí cả những bức xúc của cử tri đã gửi gắm, chuyển tải một cách công tâm, chính xác trên nghị trường Quốc hội. Đối với công tác lập pháp, cần có sự mạnh dạn góp ý những vấn đề Ban soạn thảo đề ra trên cơ sở gắn với thực tế cử tri đã phản ảnh. Đối với công tác giám sát, đặc biệt là trong chất vấn phải theo sát, theo đuổi đến cùng vấn đề chất vấn./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

(Nguồn: Trang Hội đồng bầu cử quốc gia)