Xuất bản thông tin

null Hướng đi mới khi nông sản và sản phẩm OCOP Đồng Tháp tham gia sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn

Trang chủ Tin tức

Hướng đi mới khi nông sản và sản phẩm OCOP Đồng Tháp tham gia sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn

Thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế trong lĩnh vực bán lẻ, đây cũng là xu thế phát triển của thương mại hiện đại, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử là một trong những mục tiêu số hóa nông nghiệp, nông thôn của Đồng Tháp trong thời gian tới. Cùng với việc hỗ trợ các chủ thể trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh địa phương và triển khai các ứng dụng phục vụ Đề án Chuyển đổi số của tỉnh, ngành thông tin và truyền thông đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương và 02 doanh nghiệp bưu chính lớn của tỉnh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, trong đó có việc đưa sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2022.

Kế hoạch của UBND Tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể trong năm 2022, phấn đấu 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn; số hóa 100% dữ liệu thông tin hộ sản xuất nông nghiệp phục vụ giao dịch, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; 100% sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử có đầy đủ các thông tin về nguồn gốc sản phẩm; phấn đấu có ít nhất 200 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử v.v… Trong đó, tập trung việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp khởi tạo tài khoản, gian hàng, đăng bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, kèm theo các kỹ năng cần thiết phục vụ bán hàng và quảng bá sản phẩm trên nền tảng số; đồng hành, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp liên tục nâng cấp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương.

Ông Phạm Minh Ngọc, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông – Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Vừa qua, tại các buổi triển khai tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp và cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thanh Bình và huyện Tam Nông tham gia sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn vào ngày 02 và 03/6/2022, hầu hết đại biểu tham dự tập huấn đã cơ bản nắm bắt được xu hướng phát triển thương mại điện tử, từ đó đã tìm tòi, học hỏi và phát huy lợi thế của sản phẩm đặc trưng của địa phương được sản xuất theo phương thức truyền thống cùng sự nhạy bén trong cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng, các cơ sở sản xuất cũng chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 265 sản phẩm chế biết từ nguồn nguyên liệu là nông sản, sản vật địa phương… được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (riêng huyện Thanh Bình có 13 sản phẩm, huyện Tam Nông có 20 sản phẩm). Ngoài hệ thống cửa hàng phân phối ở trong và ngoài tỉnh, các cơ sở sản xuất, hộ sản xuất còn đẩy mạnh bán hàng online thông qua các trang mạng xã hội và đưa nông sản, đặc sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử.

           Hình ảnh buổi tập huấn

Chị Huỳnh Thị Kim Lan – chủ Cơ sở sản xuất dưa kiệu Út Lan (xã Tân Phú, huyện Thanh Bình) phấn khởi chia sẻ: Thay vì trước đây cơ sở chỉ sản xuất số lượng ít, bán tại nhà hoặc mang ra chợ “bỏ mối” thì hiện nay chủ yếu liên hệ qua điện thoại hoặc qua mạng xã hội Facebook, Zalo và bán hàng thông qua dịch vụ bưu chính chuyển phát. Tuy nhiên, do chưa sử dụng thành thạo các ứng dụng trên thiết bị thông minh nên bước đầu sử dụng có chút khó khăn. Sau khi tham dự tập huấn chị sẽ tìm hiểu thêm và đăng ký tài khoản, mở gian hàng trên sàn TMĐT Postmart và Voso để quảng bá và đưa sản phẩm dưa kiệu của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh cũng là “tấm vé” mở ra nhiều cơ hội trong việc tiêu thụ các sản phẩm của Cơ sở sản xuất khô cá đồng Phan Chao (xã Hòa Bình, huyện Tam Nông). Theo chị Nguyễn Thị Ngoãn - chủ cơ sở thì sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, cơ sở đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về truyền thông, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm từ các cơ quan, ban ngành địa phương. Cơ sở cũng tận dụng tối đa mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Nay tham gia tập huấn được các báo cáo viên hướng đẫn tận tình, được miễn phí đăng ký tài khoản và mở gian hàng chị đã đăng bán thành công sản phẩm chủ lực của cơ sở là “Khô cá lòng tong ôm tiêu sọ” qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Hình ảnh sản phẩm đăng lên sàn TMĐT Postmart

So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, rõ ràng kênh bán hàng trực tuyến thông qua các các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ sản xuất nông nghiệp, Hợp tác xã, Hội quán, Tổ hợp tác sản xuất và các doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ thuận lợi hơn, giảm được chi phí, không qua trung gian, tránh bị thương lái ép giá… Tuy nhiên, việc đẩy mạnh đưa sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử hiện nay cũng gặp không ít khó khăn vì đây là phương thức bán hàng mới, cần có thời gian để thay đổi dần thói quen giao dịch, mua bán theo kiểu truyền thống của người dân.

Với những kết quả tích cực đó, để thúc đẩy hộ sản xuất nông nghiệp và các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử và phát huy tốt hiệu quả, thời gian tới, các sở, ban, ngành và đoàn thể địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của chủ thể trong sản xuất nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng đã cam kết với các sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng; Các sàn TMĐT Postmart và Voso cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn những kỹ năng cần thiết để đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, các hộ sản xuất kinh doanh cần tích cực tham gia, đẩy mạnh kết nối, tăng tần suất tương tác trên các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP của cở sở và của địa phương mình.

                                                 Phòng BCVT