null “Quy hoạch tạo động lực, thúc đẩy và dẫn dắt phát triển bền vững”

“Quy hoạch tạo động lực, thúc đẩy và dẫn dắt phát triển bền vững”

Sau khi Thủ tướng Chính phủ họp công bố quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch), ông Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp có cuộc trao đổi xung quanh định hướng của tỉnh vận dụng Quy hoạch vào phát triển kinh tế - xã hội - môi trường trong thời gian tới.

Ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (bìa phải) trong lần thị sát Cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự)

PV: Thưa ông, cảm nhận đầu tiên của ông về Quy hoạch trên cương vị người đứng đầu tỉnh Đồng Tháp, 1 trong 13 địa phương vùng ĐBSCL như thế nào?

Ông Lê Quốc Phong (L.Q.P.): Với sự phối hợp chặt chẽ, biện chứng giữa khoa học và thực tiễn, giữa hiện tại và tương lai, chúng tôi cảm nhận, Quy hoạch không chỉ đơn thuần là quy hoạch mà còn là sự khởi đầu tạo động lực thúc đẩy và dẫn dắt để địa phương đặt ra cho mình nhiều khát vọng về phát triển tương lai phồn thịnh...

PV: Thời gian gần đây, Đồng Tháp nổi lên như hiện tượng về sự đổi mới, kiến tạo trong tư duy phát triển kinh tế - xã hội khi bứt tốc phá thế “khuất nẻo”, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số phát triển, cạnh tranh... chắc rằng địa phương sẽ đón nhận và vận dụng Quy hoạch với tinh thần khác biệt. Ông có thể trao đổi sơ lược về điều này?

Ông L.Q.P.: Rất cám ơn vì đã dành cho tỉnh Đồng Tháp những nhận xét đẹp trong nỗ lực phát triển... chúng tôi xem đó không chỉ là lời khen tặng, mà còn là động lực, mục tiêu để phấn đấu hơn nữa trong việc huy động cả hệ thống chính trị và người dân đổi mới hơn nữa trong cách nghĩ, cách làm, đưa địa phương tiếp tục phát triển hơn trong tương lai.

Trở lại với câu hỏi, đúng như chủ đề bao trùm Quy hoạch: “Tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới, cơ hội mới”, Đồng Tháp xem đây là hiệu lệnh tạo động lực, thúc đẩy và dẫn dắt các địa phương phát huy hết tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, vị thế địa lý và tiềm năng con người phối hợp chặt chẽ với nhau để phát triển trên các lĩnh vực đời sống xã hội, an ninh quốc phòng một cách bền vững.

PV: Cụ thể, Đồng Tháp sẽ vận dụng Quy hoạch như thế nào thưa ông?

Ông L.Q.P.: Đồng Tháp vận dụng tinh thần Quy hoạch để đặt cho mình nhiều khát vọng về tầm nhìn quy hoạch. Trong đó nổi bật là tầm nhìn quy hoạch theo hướng phát huy lợi thế tiềm năng để phát triển bền vững. Trên cơ sở xác định thế mạnh của địa phương là nông nghiệp, Đồng Tháp tập trung nghiên cứu và triển khai thực hiện quy hoạch theo hướng xây dựng và phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Theo tư vấn của các chuyên gia, Đồng Tháp sẽ phấn đấu vươn lên Top 5 của ĐBSCL. Đây là mục tiêu và cũng là thách thức lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và người dân toàn tỉnh nỗ lực vượt bậc trên nền tảng đồng tâm - hiệp lực. Bởi thực tế cho thấy, các địa phương trong vùng có nhiều lợi thế và đang trong tâm thế “chạy” đua với thời gian để đón lấy cơ hội tốt nhất, chứ không ai đứng lại chờ ai.

PV: Vậy Đồng Tháp làm gì để rút ngắn khoảng cách cũng như giữ được nhịp tăng tốc này, thưa ông?

Ông L.Q.P.: Chúng tôi xác định phương châm hành động hưởng ứng Quy hoạch này là nỗ lực hết mình. Nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc đặt yêu cầu tăng trưởng đột phá bằng mọi giá mà xác lập lộ trình tăng trưởng bền vững với những bước đi chắc chắn và trên cơ sở tối đa hóa tiềm năng, lợi thế... cộng với sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để tạo ra những cú hích...

PV: Những bước đi đó như thế nào, thưa ông?

Ông L.Q.P.: Trước tiên là quy hoạch theo hướng phát huy các lợi thế địa phương để phát triển cho mình và phát triển nhiều địa phương trong vùng cùng phát triển. Cụ thể, với vị thế là 1 trong 2 tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long của khu vực ĐBSCL, nơi sông MêKông chảy vào Việt Nam, Đặc biệt, là cửa ngõ giao thương với Vương quốc Campuchia, Đồng Tháp không chỉ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước ngọt cho toàn vùng mà còn khai thác lợi thế này để phấn đấu hướng đến mục tiêu trở hành trung tâm giao lưu kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông MêKông.

Cụ thể, Đồng Tháp sẽ vận dụng quy hoạch theo hướng đẩy mạnh phát triển các hệ thống canh tác nông nghiệp bền vững theo hướng “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với xu thế tiêu dùng, thị trường, hướng đến nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái bền vững, đem lại giá trị cao hơn cho người nuôi trồng và cho cả ngành nông nghiệp. Hơn thế nữa, Đồng Tháp còn hướng việc quy hoạch nuôi trồng nông nghiệp theo hướng góp phần bảo tồn nguồn nước ngọt, môi trường sinh thái cho vùng ĐBSCL qua các mô hình đa canh như: Lúa - tôm, lúa - cá, lúa - cá - vịt... Và đặc biệt là khai thác triệt để lợi thế này để xây dựng và triển khai quyết liệt chiến lược phát triển của Đồng Tháp theo hướng phát huy các giá trị riêng để tạo nên giá trị mới, đa dạng cho sự phát triển. Theo đó, trên nền tảng 4 mặt hàng chủ lực và chiến lược của tỉnh là: Cá tra - xoài - hoa kiểng và sen, Đồng Tháp hướng quy hoạch tạo điều kiện cho các mô hình nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, mang lại giá trị cao hơn cho ngành nông nghiệp, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường bền vững cho mình và nhiều địa phương hạ nguồn.

PV: Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, đầu ra nông sản thường xuyên bấp bênh...

Ông L.Q.P.: Chúng tôi nhận thức được và luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho nông sản. Vì thế, trong quy hoạch tới đây, Đồng Tháp phấn đấu hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm giao lưu kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông MêKông, đặc biệt là phát huy tối đa lợi thế cửa ngõ giao thương với Vương quốc Campuchia. Thực tế thời gian qua cho thấy, để hỗ trợ Đồng Tháp phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu (KKTCK) tỉnh Đồng Tháp và đến năm 2013 quyết định quy hoạch xây dựng theo lộ trình đến năm 2030 với quy mô gần 32.000ha, phạm vi gồm 15 xã, phường, thị trấn thuộc địa giới của huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng và TP Hồng Ngự với 2 cửa khẩu quốc tế là Dinh Bà và Thường Phước, 2 cửa khẩu quốc gia là Sở Thượng, Thông Bình và 3 cửa khẩu phụ gồm: Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú... Qua đó, KKTCK Đồng Tháp có bước phát triển quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cơ bản về nơi định cư cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, bên cạnh những kết quả nổi bật, KKTCK Đồng Tháp nói riêng, kinh tế biên mậu nói chung vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn do kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển đồng bộ, hoạt động sản xuất chưa đa dạng, quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết.

Đặc biệt là kết cấu hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa chưa theo kịp so với nhu cầu phát triển, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đến làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa để tạo động lực phát triển mạnh thương mại biên giới.

Từ đó, đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn so với mặt bằng chung, an ninh, trật tự biên giới tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp... Vì vậy, định hướng phát triển chung, Đồng Tháp hướng tới phát triển KKTCK Đồng Tháp thành Khu Kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp gắn với các cửa khẩu quốc tế. Đồng thời là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông MêKông.

Đồng Tháp xác định tập trung quy hoạch phát triển theo 4 phân vùng tích hợp đa trung tâm. Trong đó, có vùng kinh tế biên giới thượng nguồn sông Tiền (nhánh chính của sông MêKông), bao gồm KKTCK sẽ được định hướng tập trung phát triển đô thị; phát triển tổ hợp công nghiệp, thương mại phi thuế quan, kinh tế biên mậu, cảng biển và khu logistics, liên kết với các tỉnh Long An, An Giang và các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia; phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp “thuận thiên” thích ứng với điều kiện ngập lũ; phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là vùng cửa ngõ đường thủy của Việt Nam với các nước để hình thành điểm dừng chân du lịch đường thủy dọc sông MêKông. Đồng Tháp đang kiến nghị, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến việc mở Cửa khẩu quốc tế đường bộ Thường Phước và hợp nhất với Cửa khẩu quốc tế đường sông Thường Phước hiện có thành một Cửa khẩu Quốc tế đường bộ và đường sông Thường Phước và nâng cấp cửa khẩu phụ Mộc Rá (TP Hồng Ngự) thành cửa khẩu chính. Đây sẽ là nơi tập trung hàng hóa để mua bán, trao đổi giữa Việt Nam - Campuchia, của vùng ĐBSCL và tỉnh Đồng Tháp.

PV: Nhưng cũng như nhiều địa phương vùng ĐBSCL, giao thông - mạch máu của sức sống - ở Đồng Tháp đang còn nhiều hạn chế sẽ là trở ngại cho các hoạt động lưu thông hàng hóa... cho sự phát triển, thưa ông?

Ông L.Q.P.: Đúng vậy, giao thông đang là vấn đề mà Đồng Tháp cũng như nhiều địa phương vùng ĐBSCL đặt ra cho mình sự quan tâm đặc biệt trong thời gian tới. Vì thế, song song với việc vận dụng quy hoạch phát huy thế mạnh nuôi trồng nông nghiệp, Đồng Tháp cũng triển khai nhanh, đồng bộ các quy hoạch về giao thông để đón cơ hội một cách chủ động. Theo đó, Đồng Tháp hướng kết nối giao thông giữa Đồng Tháp với các địa phương trong vùng, nhất là TP Hồ Chí Minh và đặc biệt là kết nối giữa các đô thị, các vùng có lợi thế, khu công nghiệp trong tỉnh với nhau. Điều này không chỉ mang lại sự hài lòng cho người dân tại chỗ mà còn làm hài lòng doanh nghiệp đã đầu tư vào Đồng Tháp. Tin vui là Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đầu tư cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, mở ra điều kiện kết nối Đồng Tháp với vùng và TP Hồ Chí Minh, mở ra không gian phát triển, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Qua đó, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tiềm năng đến và gắn kết lâu dài với vùng nguyên liệu, với nông dân và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

PV: Xin cám ơn ông và chúc Đồng Tháp sớm đạt được mục tiêu thịnh vượng!

Theo Lục Tùng (thực hiện)

https://www.baodongthap.vn/chinh-tri/-quy-hoach-tao-dong-luc-thuc-day-va-dan-dat-phat-trien-ben-vung--106755.aspx

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn