null Thị trường thực phẩm hữu cơ Đan Mạch – Phần 4: Kênh phân phối

Trang chủ Thông tin thị trường

Thị trường thực phẩm hữu cơ Đan Mạch – Phần 4: Kênh phân phối

Để có thể xâm nhập vào thị trường hữu cơ Đan Mạch, các nhà xuất khẩu nên tập trung cung cấp cho nhà bán buôn hoặc nhà sản xuất.

Một trong những nhà phân phối sản phẩm hữu cơ độc quyền lâu đời nhất và nổi tiếng tại Đan Mạch là Urtekram A/S. Công ty này phân phối hơn 2.500 mặt hàng thực phẩm hữu cơ khác nhau ở 36 quốc gia gồm Đan Mạch, các nước Bắc Âu, EU, Nga, Trung Đông, châu Á và Bắc Mỹ.

Ngoài ra, Good Food Group đã tiếp quản hoạt động của công ty Woodland Wonders Organic ApS- chuyên về thực phẩm tự nhiên, thực phẩm hữu cơ tại Đan Mạch và cả khu vực Bắc Âu. Jan import A/S là một công ty thuộc Good Food Group, chuyên nhập khẩu, đóng gói và đưa ra thị trường một loạt các sản phẩm khô như trái cây, quả hạch và các loại hạt và được phân phối trong cả lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ thực phẩm.

Đối với lĩnh vực bán buôn và dịch vụ ăn uống, Solhjulet A/S là nhà bán buôn, phân phối, nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao. Công ty cung cấp thực phẩm hữu cơ cho các cửa hàng, nhà bếp tại các trường học, căng tin… và là một nhà bán buôn thực phẩm hữu cơ trên khắp Đan Mạch và Thụy Điển với nhiều sản phẩm như trái cây, rau quả, sữa, thịt, các loại hạt… Ngoài ra, Solhjulet cũng xuất khẩu sản phẩn sang nhiều nước châu Âu khác.

Về kênh phân phối, thực phẩm hữu cơ chủ yếu được bán thông qua hệ thống bán lẻ. Hiện nay, bán lẻ, bao gồm cả bán hàng trực tuyến đang bùng nổ tại Đan Mạch, chiếm phần lớn trong doanh số bán hàng thực phẩm hữu cơ.

Thực phẩm hữu cơ chủ yếu được bán thông qua:

-         Các cửa hàng tạp hóa bao gồm cả bán hàng trực tuyến: 80,57%

-         Dịch vụ ăn uống: 15,42%

-         Các chợ nhỏ: 4,01%

Bán lẻ thực phẩm:

Các siêu thị ở Đan Mạch đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm hữu cơ cho khách hàng. Họ cung cấp nhiều loại sản phẩm hữu cơ khác nhau từ sản phẩm tươi sống đến sản phẩm khô và đồ uống. Các sản phẩm hữu cơ thường được đặt bên cạnh các sản phẩm thông thường trên kệ hàng.

Chuỗi các siêu thị lớn nhất của Đan Mạch là Coop Denmark, Dansk Supermarket và Dagrofra – chiếm khoảng 86% doanh số bán hàng thực phẩm tại Đan Mạch. Coop Denmark, bao gồm các chuỗi bán lẻ Fakta, Dagli/LokalBrugsen, SuperBrugsen, Irma và Kvickly với trên 1000 cửa hàng trải dài khắp Đan Mạch cung cấp trên 1.289 sản phẩm sinh thái, hữu cơ. Dansk Supermarked A/S, bao gồm chuỗi bán lẻ Fotex, Bilka và Netto. Dansk Supermarked A/S không nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ trực tiếp từ các nhà sản xuất trong nước hay nước ngoài, mà thay vào đó, công ty mua các sản phẩm mang logo hữu cơ thông qua các nhà phân phối Đan mạch. Cuối cùng là Dagrofa. Dagrofa hiện vẫn là nhà bán buôn hàng tạp hóa lớn nhất Đan Mạch với các chuỗi siêu thị, cửa hàng giảm giá, chợ nhỏ, ki – ốt, cửa hàng thức ăn nhanh… bao gồm cả các chuỗi bán lẻ Spar, Min Kobmand và Let-Kob. Dagrofa có 511 cửa hàng trải dài khắp Đan Mạch. Mặc dù Dagrofa có thị phần nhỏ nhất trong ba công ty trên, nhưng Dagrofa vẫn là nhà bán buôn hàng tạp hóa lớn nhất Đan Mạch với các chuỗi siêu thị, cửa hàng giảm giá, chợ nhỏ, kiốt, cửa hàng thức ăn nhanh… Dagrofa có các công Dagrofa logistics, Dagrofa Foodservice, là các công ty cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm tại Đan Mạch.

Ngoài ra còn có một chuỗi các cửa hàng chăm sóc sức khỏe đặc biệt là Helsam, cũng cung cấp các sản phẩm hữu cơ như trái cây khô, quả hạch, các loại hạt, mỳ ống, ngũ cốc…

Cuối cùng là các cửa hàng trực tuyến chuyên về thực phẩm hữu cơ cũng đang ngày càng phổ biến trên thị trường Đan Mạch.

Dịch vụ ăn uống:

Khoảng mười năm trước, Chính phủ Đan Mạch đã giới thiệu nhãn hiệu để tiếp thị thực phẩm hữu cơ trong các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, bệnh viện, trường học, các doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ sử dụng các sản phẩm hữu cơ và các sản phẩm thường có thể theo 30 – 60%, 60 – 90% hoặc 90-100%. Hiện nay, có khoảng 2000 cơ sở như quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công cộng… sử dụng Nhãn ẩm thực hữu cơ tại Đan Mạch.

Nhu cầu đối với thực phẩm hữu cơ ngày càng tăng tại Đan Mạch. Những sản phẩm mà Đan Mạch có nhu cầu nhập khẩu là những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh. Do vậy, thực phẩm hữu cơ dự kiến sẽ tao ra nhiều cơ hội thương mại cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Một trong những thách thức cho các nhà xuất khẩu khi muốn xuất khẩu vào EU nói chung và Đan Mạch nói riêng là thuế nhập khẩu. Thuế nhập khẩu cao khiến cho họ không thể cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, chi phí và thời gian vận chuyển cũng là thách thức cho các nhà xuất khẩu khi so sánh với các nhà cung ứng trong EU. Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020 đã biến thách thức này thành lợi thế cho các nhà sản xuất Việt Nam khi hầu hết thuế nhập khẩu các loại rau quả, hạt… được xóa bỏ về 0% hoặc giảm dần theo lộ trình. Các nhà xuất khẩu Việt Nam nên tận dụng lợi thế này để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đan Mạch và thị trường EU.

Bộ Công thương

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn