QUY CHẾ

Tổ chức và hoạt động của Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố Hồng Ngự

(Kèm theo Quyết định số 2283/QĐ-UBND ngày 06  tháng 10 năm 2023

của y ban nhân dân thành phố Hồng Ngự)

Chương I

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG

Điều 1. Vị trí, chc năng

1. Vị trí:

Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố Hồng Ngự (sau đây gọi tắt là Đội Quản lý trật tự đô thị) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồng Ngự, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở làm việc và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.

Đội Quản lý trật tự đô thị chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân thành phố Hồng Ngự, đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải và Công an Tỉnh.

2. Chức năng:

Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố Hồng Ngự thực hiện chức năng tham mưu giúp y ban nhân dân Thành phố kiểm tra, phát hiện lập biên bản kiểm tra, và đề nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng; trật tự lòng đường, vỉa hè; vệ sinh môi trường (thải chất thải rắn, nước thải sinh hoạt ra khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng); kiểm tra việc treo, đặt pa nô, áp phích, biển hiệu, bảng quảng cáo… theo quy định của pháp luật trong phạm vi thành phố Hồng Ngự.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Tham mưu, đề xuất xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng; trật tự lòng đường, vỉa hè; vệ sinh môi trường trong phạm vi Thành phố theo quy định của pháp luật.

2. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, phường tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng; trật tự lòng đường, vỉa hè, vệ sinh môi trường.

 3. Chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra, phát hiện kịp thời và lập thủ tục đề nghị các cơ quan liên quan hoặc Ủy ban nhân xã, phường xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định của pháp luật.

4. Tham gia cùng các cơ quan có liên quan thực hiện quyết định cưỡng chế của các cơ quan nhà nước đối với tổ chức, cá nhân không tự giác chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng không có giấy phép hoặc sai so với giấy phép xây dựng.

5. Quản lý tổ chức bộ máy và thực hiện chế độ, chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với viên chức, người lao động của đơn vị.

6. Quản lý tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của của pháp luật.

7. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 06 tháng, năm và báo đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

8. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế

  1. Lãnh đạo Đội Quản lý trật tự đô thị:

Đội Quản lý trật tự đô thị gồm có: Đội trưởng và không quá 02 Phó Đội trưởng.

a) Đội trưởng là người đứng đầu đơn vị, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của đơn vị.

b) Phó Đội trưởng là người giúp việc Đội trưởng, được Đội trưởng phân công một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Đội trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

c) Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, biệt phái, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, miễn nhiệm, cho từ chức và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với Đội trưởng, Phó Đội trưởng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định theo phân cấp quản lý của Ủy ban nhân dân Tỉnh và quy định của pháp luật.

2. Về số lượng người làm việc (biên chế):

a) Số lượng biên chế sự nghiệp của Đội Quản lý trật tự đô thị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định trong tổng số biên chế sự nghiệp được Ủy ban nhân dân Tỉnh giao hàng năm theo vị trí việc làm.

b) Việc bố trí phân công, sử dụng cán bộ, viên chức của Đội Quản lý trật tự đô thị phải phù hợp với trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo hiệu quả công tác, phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ, viên chức.

Điều 4. Trang phục

Cấp trang phục: Mỗi năm cấp 02 bộ/người; Giày 01 đôi/năm, dây tht lưng (01 sợi/năm); Màu áo, quần, cầu vai, bảng tên thực hiện tại công văn số 243/UBND-ĐTXD ngày 07/6/2019 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc chọn mẫu đồng phục cho các Đội quản lý trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh.

Điều 5. Kinh phí

Đội Quản lý trật tự đô thị là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. Kinh phí hoạt động của đơn vị từ nguồn thu phí tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vì mục đích giao thông và các nguồn thu hợp pháp khác; nguồn Ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên khi có chênh lệch thu nhỏ hơn chi.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

Căn cứ Quy chế này Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị có trách nhiệm:

1. Tổ chức, triển khai thực hiện Quy chế này.

2. Sắp xếp Đội theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đồng thời xây dựng kế hoạch phân công cụ thể cho từng cá nhân nhằm đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Điều 7. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Trong quá trình thực hiện Quy chế nếu có phát sinh những khó khăn, vướng mắc, đề nghị Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô Thành phố phản ảnh kịp thời về Ủy ban nhân dân thành phố Hồng Ngự (qua Phòng Tư pháp Thành phố) để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ
Đơn vị chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hồng Ngự
Trụ sở: Khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3563.362