Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 4 năm 2023

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 4 năm 2023

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết "Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên hiện nay" của GS. TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Theo gương Bác.

Tổng kết 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: "Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, "lợi ích nhóm", những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng được thể hiện trên những khía cạnh sau:

Về vai trò, vị trí của đạo đức cách mạng, Người luôn coi đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng; có đạo đức cách mạng mới hoàn thành sự nghiệp vẻ vang. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức có mối quan hệ chặt chẽ với tài năng, trong đó đức là gốc. Điều đặc biệt trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không chỉ gắn với cá nhân mỗi người, đạo đức cách mạng còn tạo nên tính nhân văn của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội tạo nên những con người sống có tình có nghĩa; có đạo đức cách mạng như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có kiến thức khoa học kỹ thuật; nhạy bén với cái mới và có tinh thần sáng tạo. 

Về những chuẩn mực đạo đức cách mạng cơ bản, trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc". Theo đó, các chuẩn mực đạo đức cách mạng cơ bản là: 

- Trung với nước, hiếu với dân, đây là phẩm chất bao trùm, quan trọng nhất. Theo Người, trung với nước hiếu với dân là yêu nước, nước ở đây là nước của dân, của toàn dân tộc chứ không phải của riêng ai, chính mỗi người dân là những chủ nhân của nước. Hiếu với dân là phải biết yêu dân, kính dân, trọng dân, lấy dân làm gốc; đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, có trách nhiệm trước dân, để dân tin, dân phục, dân yêu, dân ủng hộ, dân giúp đỡ.

- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đây là phẩm chất đạo đức trung tâm vì nó có trong tất cả các quan hệ của con người. Cần tức là tổ chức công việc, phân công lao động, bố trí đúng người đúng việc đúng tài năng, năng lực để ai cũng làm được việc và phát huy sở trường của mình. Kiệm là tiết kiệm toàn diện, mọi mặt như tài nguyên thiên nhiên, sức lao động, tiền của, thời gian... Liêm tức là luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân; không xâm phạm tài sản của Nhà nước, của nhân dân; không tham địa vị, tiền tài, không ham người tâng bốc mình. Chính là việc phải dù nhỏ mấy cũng làm, việc trái dù nhỏ mấy cũng tránh. Người cho rằng, có thể chia con người làm hai hạng là thiện và ác; chia công việc làm hai loại là chính và tà. Làm việc chính là người thiện, làm việc tà là người ác. Chí công vô tư là khi làm bất cứ việc gì cũng không nghĩ đến mình trước, mà phải nghĩ đến đồng bào, đến toàn dân, nêu cao chủ nghĩa tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.

- Yêu thương, quý trọng con người, trong tư duy Hồ Chí Minh, lòng yêu thương con người bắt nguồn từ sự thấu hiểu, đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ. Lòng yêu thương con người phải biến thành hành động cách mạng đấu tranh để giải phóng con người; lòng yêu thương con người thể hiện ở việc trân trọng con người, quan tâm đến con người và chăm lo cho cuộc sống con người; lòng yêu thương con người còn thể hiện ở sự khoan dung, độ lượng.

- Tinh thần quốc tế trong sáng, đây là chuẩn mực đạo đức điều chỉnh quan hệ rộng nhất của con người. Là một phẩm chất đạo đức bắt nguồn từ bản chất của giai cấp công nhân và chế độ xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế trong sáng trước hết được thể hiện ở sự ủng hộ lẫn nhau giữa nhân dân lao động các nước khi có khó khăn, thiên tai, địch họa, chiến tranh, khi cần giúp đỡ, khi cần động viên. Sự giúp đỡ này chỉ trở thành tinh thần quốc tế khi vô tư trong sáng, không vụ lợi, không cào bằng, không điều kiện.

Về các nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạngtheo Người, cần phải tu dưỡng rèn luyện đạo đức suốt đời bởi lẽ "đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Mỗi giai đoạn cách mạng có những mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải trau dồi, cố gắng, vươn lên để có những phẩm chất đạo đức tương ứng. Không tu dưỡng, rèn luyện sẽ không theo kịp sự trưởng thành, đi lên của cách mạng, sẽ tụt hậu so với sự nghiệp chung của đất nước, dân tộc.

Xây dựng, thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên

Trong nước, sự nghiệp đổi mới tiếp tục đạt được những thành tựu đáng kể trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, kinh tế thị trường với việc lấy lợi ích làm động lực, nhấn mạnh lợi ích kinh tế, coi trọng lợi ích cá nhân đã đẩy một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu bản lĩnh, suy thoái về đạo đức, lối sống lao vào làm ăn kinh tế, bất chấp thủ đoạn, coi thường pháp luật, xem nhẹ giá trị đạo đức xã hội. Mặt trái của kinh tế thị trường cũng làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên sống xa dân, độc đoán chuyên quyền, tham nhũng, lãng phí, không giữ được đạo đức cách mạng. Hơn nữa, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", trong đó, có việc tác động tấn công, dụ dỗ, mua chuộc một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Trước tình hình đó, Đảng ta đã ban hành các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ. Điều đó đã tác động tích cực tới việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Tuy nhiên, Đảng cũng nhận định: "Công tác rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu chặt chẽ; có nơi còn buông lỏng sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu. Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu… Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao.

Trong điều kiện mới, để xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, đề cao phẩm chất đạo đức "trung với nước, hiếu với dân", luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, tránh sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay luôn nêu cao tinh thần trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và dân tộc. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, mỗi cán bộ, đảng viên luôn có ý thức giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, trong cơ quan, đơn vị. Có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc; có lương tâm nghề nghiệp trong sáng, ra sức cống hiến nhiều nhất cho đất nước. Luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc của nhân dân lên trên hết, lên trước hết lợi ích cá nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, vì Đảng, vì dân mà hy sinh quên mình gương mẫu trong mọi việc.

Thứ hai, thực hiện nghiêm lời dạy "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", "nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống", nêu cao phẩm giá, nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Mỗi cán bộ, đảng viên dù ở đâu, ở cương vị nào cũng phải làm đúng chức trách, phận sự của mình. Kiên quyết chống bệnh lười biếng, lối sống buông thả, hưởng thụ, vị kỷ, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo. Muốn nói đi đôi với làm có hiệu quả thì cùng với tấm lòng trung thực, còn phải biết kết hợp giữa chủ trương, biện pháp đúng đắn và sự quyết tâm. Không chỉ vậy, cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Thực hiện xây và chống trong rèn luyện đạo đức cách mạng thông qua các biện pháp như tự phê bình và phê bình. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên "tự soi", "tự sửa" và nêu cao danh dự, tự trọng của người đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải giữ đời tư chính trực, trong sáng, không tự kiêu, tự đại...

Thứ ba, nêu cao chủ nghĩa nhân văn, sống có nghĩa, có tình, có trách nhiệm.

Cán bộ phải có lòng tin vào nhân dân, coi "dân là gốc". Với tinh thần: "Nước lấy dân làm gốc". "Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân". Ngoài ra, cán bộ phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau tiến bộ. Muốn vậy, phải tự phê bình và phê bình chân thành, thường xuyên, nghiêm chỉnh, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để không ngừng tiến bộ.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh trong tháng 3 năm 2023

So với tháng 02/2023, trong tháng 3/2023: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 10.695 tỷ đồng, tăng 0,57%; kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh đạt 104.065 ngàn USD, tăng 1,94%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 54.755 ngàn USD, tăng 0,68%. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, các cơ sở y tế đẩy mạnh thực hiện các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới để theo dõi tình hình khách nhập cảnh vào Tỉnh từ vùng có dịch bệnh như: Đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính mới, cúm A (H5N1) hoặc các loại dịch bệnh mới xuất hiện qua nhập cảnh qua biên giới để có biện pháp xử lý theo quy định và phát hiện các nguy cơ lây lan bệnh dịch. Tính từ đầu năm đến nay toàn Tỉnh có 4.334 lao động được giải quyết việc làm đạt 14,44% so với kế hoạch năm; trong đó có 329 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; lao động trúng tuyển đang học ngoại ngữ - giáo dục định hướng và chờ xuất cảnh1.592 lao động. Ra quyết định cho 1.888 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền 31.553,82 triệu đồng.

2. Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Ngày 23/3/2023, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Công văn số: 112/UBND-ĐTXD triển khai thực hiện Nghị quyết số: 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, Uỷ ban nhân dân Tỉnh giao các sở, ngành, uỷ ban nhân dân cấp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao năng lực, sự hiểu biết, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết xử lý tình trạng cán bộ lơ là, không làm hết trách nhiệm, sợ trách nhiệm và sách nhiễu trong thực thi công vụ, nhất là trong công tác phê duyệt quy hoạch, thực hiện các thủ tục về đầu tư, cấp phép, đấu thầu, đấu giá, định giá đất đai, bất động sản. Đẩy mạnh công tác công bố, công khai, minh bạch các thông tin, đảm bảo hiệu quả, kịp thời, đúng bản chất tình hình; thực hiện thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4, không để xảy ra việc đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn.

3. Đồng Tháp và FAO tại Việt Nam sẽ hợp tác phát triển nông nghiệp

Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã tiếp và làm việc với ông Rémi Nono Womdim - Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam. Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp và thực hiện chiến lược về an ninh lương thực cho Việt Nam và thế giới, bằng việc duy trì diện tích trồng lúa trong thời gian qua. Tuy nhiên, Tỉnh đang chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu, đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển nông nghiệp, nhất là về cây trồng, đời sống người dân. Mặc dù vậy, Đồng Tháp luôn định hướng phát triển nông nghiệp thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng nền nông nghiệp xanh và bền vững. Những mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được tỉnh quan tâm để nâng cao giá trị nông sản, nhất là trên cây lúa, với mục tiêu là nâng cao thu nhập của người dân để giảm nghèo, giảm phát thải theo cam kết của Chính phủ.

Ông Rémi Nono Womdim - Trưởng đại diện FAO đánh giá cao sự năng động, tiên phong của tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp. Đồng Tháp khá đa dạng về cây trồng, vật nuôi, quản lý tài nguyên hợp lý, có nhiều sản phẩm OCOP và là địa phương cung cấp lương thực cho nhiều quốc gia khác. Trên nền tảng đó, Trưởng đại diện FAO đề xuất hợp tác với Tỉnh 03 nội dung: Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, phát triển giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; Quản lý tài nguyên (đất, nước) và đa dạng sinh học, phục vụ phát triển nông nghiệp xanh (đặc biệt là vùng đệm tại Vườn Quốc gia Tràm Chim); Chuyển đổi phát triển nông nghiệp bền vững theo nông nghiệp xanh, thông minh, chiến lược marketing nông sản.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Chương trình điều tra thông kê quốc gia

Ngày 15/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 03/2023/QĐ-TTg về Chương trình điều tra thống kê quốc gia. Theo đó, Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm 45 cuộc điều tra, khảo sát trong đó có 03 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia (Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế) và 42 cuộc điều tra thống kê ở các lĩnh vực khác nhau, cụ thể:

Nhóm 01. Điều tra dân số, lao động và việc làm, 3 cuộc điều tra.

Nhóm 02. Điều tra đất đai, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, 8 cuộc điều tra.

Nhóm 03. Điều tra công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và vốn đầu tư, 8 cuộc điều tra.

Nhóm 04. Điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp và tài khoản quốc gia, 5 cuộc điều tra.

Nhóm 05. Điều tra giá, 9 cuộc điều tra.

Nhóm 06. Điều tra khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông, 3 cuộc điều tra.

Nhóm 07. Điều tra y tế, xã hội và môi trường, 6 cuộc điều tra, khảo sát.

Chương trình điều tra thống kê quốc gia là căn cứ để các bộ, ngành chủ động xây dựng kế hoạch các cuộc điều tra, xây dựng phương án điều tra, kế hoạch thực hiện, dự toán kinh phí và quyết định các cuộc điều tra thống kê, tạo sự ổn định cho hoạt động thống kê. Kết quả điều tra được công bố theo đúng quy định.

2. Các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế

Ngày 04/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số: 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, quyết nghị một số nội dung sửa đổi quan trọng sau:

Sửa đổi khoản 4, Nghị quyết số: 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 của Chính phủ như sau: "Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu, như sau: Đối với các hợp đồng được ký trước ngày 05/11/2022, thực hiện theo thời hạn của hợp đồng. Đối với các hợp đồng được ký từ ngày 05/11/2022, thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp. Trường hợp hết thời hạn hợp đồng quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua".

Cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023, cụ thể:

+ Khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do Hội đồng khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá theo quy định tại điểm b khoản này.

+ Chủ đầu tư xác định giá gói thầu căn cứ ít nhất một trong các tài liệu sau: (1) Giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp. (2) Chủ đầu tư được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.

Việc xác định giá gói thầu được dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư. Kết quả thẩm định giá của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của Luật Giá. Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá cho từng phần trong giá gói thầu.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Hội nghị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) khoá XIV

Đây là hai sự kiện chính trị trọng đại của Trung Quốc trong năm 2023 diễn ra từ ngày 04/3 - 11/3/2023. Mỗi năm một lần, hơn 2.000 đại biểu Chính Hiệp, những người đại diện cho các đảng phái, các đoàn thể tổ chức xã hội, các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc tập trung về thủ đô Bắc Kinh để đóng góp ý kiến cho sự kiện quan trọng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Các thành viên của Chính Hiệp toàn quốc khóa XIV thuộc 34 nhóm và tất cả đều nằm trong số 56 nhóm sắc tộc của Trung Quốc.

Tại phiên họp, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã được bầu lại làm Chủ tịch Trung Quốc và Chủ tịch Quân uỷ Trung ương, nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, đều với số phiếu bầu tuyệt đối 2.952/2.952. Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Cường đã được bầu làm Thủ tướng Trung Quốc, thay ông Lý Khắc Cường. Ông Triệu Lạc Tế, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Ông Vương Hỗ Ninh, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) lần thứ 14, cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc.

Trong Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV ngày 05/3/2023, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc cam kết thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập vì hòa bình và phát triển hòa bình, theo đuổi quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước khác, đồng thời sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để đưa Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) đi vào hoạt động.

2. Một số tình hình thế giới thời gian gần đây

- Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển Hoàng Hải và tổ chức cuộc tập trận tấn công hỏa lực của đơn vị pháo binh Hwasong dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 09/3/2023. Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo thứ 4 của Triều Tiên trong năm 2023. Cuộc tập trận trên được tiến hành trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận Lá chắn Tự do từ ngày 13 - 23/3/2023. Trước loạt động thái từ Triều Tiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cảnh báo Triều Tiên sẽ tiếp tục lãnh hậu quả gia tăng nếu không thay đổi cách hành xử. Triều Tiên đã triển khai "các biện pháp quan trọng, thực chất nhằm sử dụng năng lực răn đe chiến tranh của đất nước một cách hiệu quả, mạnh mẽ và mang tính tiến công cao hơn khi phải đối mặt với tình hình hiện nay, trong đó, những hành động khiêu khích chiến tranh của Mỹ và Hàn Quốc sắp chạm tới lằn ranh đỏ".

 - Tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York vào ngày 03/3/2023, đại diện gần 200 quốc gia đã cùng ký kết một hiệp ước lịch sử nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học đại dương. Theo văn bản hiệp ước, 30% đại dương trên thế giới sẽ trở thành khu vực được bảo vệ vào năm 2030. Điều đó đồng nghĩa với việc các nước sẽ cùng nhau đưa ra những quy định hạn chế nghiêm trọng đối với việc sử dụng vùng biển này, có thể bao gồm lệnh cấm hoàn toàn các hoạt động đánh bắt và thăm dò như khai thác dưới biển sâu. Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế sẽ đảm bảo rằng bất kỳ hoạt động nào trong tương lai dưới đáy biển sâu sẽ phải tuân theo các quy định và giám sát nghiêm ngặt về môi trường để đảm bảo rằng chúng được thực hiện bền vững và có trách nhiệm.

                                                    Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp