Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 5 năm 2023

Trang chủ Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 5 năm 2023

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết "Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay" của PGS, TS. Lại Quốc Khánh, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đăng trên Tạp chí Cộng sản, mục Chính trị - Xây dựng Đảng.

Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định đại đoàn kết dân tộc là phương thức, là sức mạnh và là mục tiêu quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam. Với tư tưởng ấy, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập và xây dựng đất nước từng bước đạt mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị văn hóa, giá trị chính trị quý báu của Việt Nam trong thời đại mới.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thì đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh của cách mạng Việt Nam và tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng về tập hợp, tổ chức và phát huy sức mạnh của các lực lượng cách mạng trong nước, từ sức mạnh của các lực lượng xã hội, các tổ chức chính trị đến sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, làm nên nguồn lực tổng hợp nhằm hiện thực hóa mục tiêu cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đoàn kết, trong đó có đại đoàn kết dân tộc, là một nội dung cơ bản, trung tâm của chính trị Việt Nam hiện đại.

Tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc được Người xây dựng trên nền tảng đúc rút trí tuệ nhân loại cổ, kim, Đông, Tây về tập hợp và tổ chức lực lượng cách mạng; trên cơ sở tổng kết lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử cách mạng Việt Nam và nhiều cuộc cách mạng trên thế giới và nhất là dựa trên những suy tư rất sâu sắc của Người, ở tầm triết học, về bản chất con người, về vị trí và vai trò của con người trong thế giới, phương thức sống và hoạt động của con người..., nói cách khác trên nền tảng nhân sinh quan cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc, mà Người trước hết là "nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp", trong đó tư tưởng và thực hành đại đoàn kết dân tộc, lý luận và thực tiễn đại đoàn kết dân tộc liên hệ chặt chẽ với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn và là trung tâm dẫn dắt quá trình tập hợp và tổ chức lực lượng cách mạng trong thực tiễn. Tư tưởng đại đoàn kết, trong đó đại đoàn kết dân tộc là vấn đề hàng đầu mà Bác tính đến khi đứng trước những vấn đề lớn mà cách mạng đặt ra. Thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh, với tư tưởng và vai trò thực tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của dân tộc Việt Nam được tập hợp, tổ chức và phát huy cao độ; kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, "đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công".

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc cùng với khối đại đoàn kết dân tộc mà Bác dày công xây dựng là một di sản vô cùng quý báu cho Đảng ta và dân tộc ta. Trong bối cảnh hiện nay, khi mục tiêu được Đảng ta đưa ra trong Đại hội XIII của Đảng là: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại" đang đặt ra mạnh mẽ, thì việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu, khai thác, vận dụng một cách sáng tạo những giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc có nhiều nội dung rất phong phú, sâu sắc. Những quan điểm đó chứa đựng những giá trị quan trọng đối với sự nghiệp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam hiện nay. Có thể khái quát là:

Một là, đại đoàn kết toàn dân tộc đã, đang và sẽ luôn là một quy luật chi phối sự tồn tại và phát triển của quốc gia - dân tộc Việt Nam. Để có thể xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn phải được đặt lên hàng đầu, phải là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và Nhà nước Việt Nam và trực tiếp là của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Coi trọng vai trò của đại đoàn kết dân tộc đòi hỏi phải thực sự coi trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị.

Hai là, luôn quán triệt quan điểm mở rộng tối đa khối đại đoàn kết dân tộc. Trong xã hội mở và biến đổi nhanh chóng hiện nay, các lực lượng xã hội cấu thành dân tộc rất đa dạng, nhiều khác biệt. Tuy nhiên, dù đa dạng và nhiều khác biệt đến mấy, luôn cần nhìn nhận đó là các lực lượng cần tập hợp vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cần mở rộng các hình thức tập hợp, tổ chức các lực lượng xã hội và có cơ chế để thu hút, quy tụ các hình thức đó vào trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thực sự là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với các cấp độ tổ chức chặt chẽ và cơ chế hoạt động hiệu quả. Muốn vậy, Mặt trận phải rất thực chất và đầy sức sống, vừa rất thống nhất, vừa đa dạng và sinh động.

Ba là, việc phát hiện và khơi dậy những giá trị, lợi ích chung, cũng như việc chấp nhận và tôn trọng những cái khác biệt sẽ khó khăn hơn, nhưng không thể không thực hiện. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phải làm sao để các đại diện trong Mặt trận thật sự đại diện được cho sự đa dạng trong xã hội, đồng thời phải có cơ chế để sự đa dạng tương tác và tồn tại trong mục tiêu thống nhất. Tinh thần căn bản cần quán xuyến ở đây chính là dân chủ và pháp quyền.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là mục tiêu lớn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó phải là nền "pháp quyền nhân nghĩa". Không phải ngẫu nhiên mà có học giả gọi kỷ nguyên hiện nay là kỷ nguyên của văn hoá, do đó, cách thiện càng là một đòi hỏi về cách ứng xử đối với các lực lượng xã hội khác nhau trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa dùng khái niệm "quyền lực mềm", "sức mạnh mềm", nhưng Người nhiều lần chỉ dẫn về việc "bày lẽ phải", "nói phải", "thuyết phục",... trong ứng xử với các đối tượng đại đoàn kết. Ngay đối với Đảng Cộng sản Việt Nam - tổ chức vừa là thành viên, vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý: "Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo". Đó không có gì khác hơn là ứng xử theo cách thiện, là phát huy sức mạnh của sự thuyết phục, là sử dụng sức mạnh mềm.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh trong tháng 4 năm 2023

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 9.968 tỷ đồng, tăng 1,39%, kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh đạt 138.311 ngàn USD, tăng 1,11%; kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 63.750 ngàn USD, tăng 1,19%. Ngành y tế tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu đầy đủ về lợi ích của tiêm chủng vắc xin. Thực hiện Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới với chủ đề "Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh", với thông điệp thực hiện các biện pháp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Ngành giáo dục tập trung hoàn thành chương trình giảng dạy năm học 2022 - 2023. Tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối năm; ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và kỹ năng cơ bản cho học sinh lớp 12 để chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 9.172 lao động được giải quyết việc làm; trong đó có 476 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, lao động đang học ngoại ngữ - giáo dục định hướng là 1.122 người. Ra quyết định cho 2.852 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, với số tiền là 49.276,60 triệu đồng.

2. Đồng Tháp hợp tác phục hồi Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Sáng ngày 08/4/2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp có buổi làm việc với Hội Sếu quốc tế, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam. Sếu đầu đỏ hiện được xếp vào danh sách sắp nguy cấp trong Sách Đỏ về các loài bị đe dọa tuyệt chủng của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp, là một trong những nơi quan trọng dành cho Sếu đầu đỏ ở Việt Nam. Do giảm quần thể một cách nhanh chóng nên hiện nay Sếu đầu đỏ về Vườn Quốc gia mỗi năm rất ít. Với mong muốn khôi phục quần thể Sếu đầu đỏ, Ủy ban nhân dân Tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với Hội Sếu quốc tế, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam bao gồm việc chuyển giao Sếu đầu đỏ con đang nuôi nhốt từ Thái Lan sang Việt Nam, đào tạo cán bộ, phát triển cơ sở nuôi nhốt, thả và giám sát Sếu đầu đỏ, quản lý môi trường sống của Sếu trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim, đồng thời trao đổi các nội dung liên quan đến lộ trình thực hiện cấp bách và lâu dài, phân kỳ mục tiêu đạt được trong 10 năm.

3. Không chủ quan, lơ là trong ứng phó với thiên tai

Ngày 20/4/2023, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Công văn số: 438/UBND-KT về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, dông lốc, sét, bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông và thời tiết nguy hiểm năm 2023. Theo đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tỉnh) phối hợp với Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ, Đài khí tượng thủy văn Tỉnh tiếp nhận truyền phát các tin cảnh báo về diễn biến của khí tượng thủy văn, mưa lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông và thời tiết nguy hiểm để các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn Tỉnh chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời. Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương lập kế hoạch huy động nguồn lực để hỗ trợ, cứu trợ xã hội đối với các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai và khắc phục hậu quả.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 với số lượng kỷ lục 1.003 thành viên

Ngày 17/4/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định thành lập đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 với 1.003 thành viên. Đây là số lượng thành viên lớn nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam từng tham dự một kỳ SEA Games bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam là giành từ 90 - 120 huy chương vàng và đứng trong top 3 SEA Games 32. Dự kiến, ngày khai mạc của Đại hội là ngày 5/5/2023 và bế mạc là ngày 17/5/2023 tại Vương quốc Campuchia. Bài hát chính thức của SEA Games 32 mang tên "Cambodian Pride" (Niềm tự hào Campuchia) được phát hành vào ngày 10/4 vừa qua.

SEA Games 32 có 37 môn thể thao, với nhiều phân môn (36 môn chính thức, một môn biểu diễn) với gần 600 nội dung. Hầu hết các môn thể thao Olympic đều được đưa vào thi đấu. Theo lịch được công bố thì môn khởi tranh đầu tiên của kỳ Đại hội là môn bóng đá vào ngày 29/4/2023. Đại hội dự kiến đón khoảng 10.000 người từ 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tham dự. Với vai trò là nước chủ nhà Campuchia đặt mục tiêu lọt vào nhóm 3 quốc gia dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương toàn đoàn.

2. Định hướng, nhiệm vụ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và khai thác hải đảo đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 03/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số: 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ định hướng và nhiệm vụ sau:

- Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo. Phân vùng sử dụng không gian biển, từng bước khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các ngành, các cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sinh kế của người dân, bảo đảm môi trường biển, các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thực hiện các mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh; khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản và bảo tồn các di sản văn hóa biển. Ưu tiên bố trí không gian biển cho các hoạt động phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa; du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm, về khách quốc tế từ 8 - 10%/năm và khách nội địa từ 5 - 6%/năm; phát triển hệ thống cảng biển xanh, thiết lập các khu vực biển đặc biệt nhạy cảm, tuyến hàng hải, có tính đến bối cảnh biến động trong khu vực và quốc tế…

- Đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, 80% các khu vực biển có đa dạng sinh học cao, dịch vụ hệ sinh thái quan trọng được áp dụng chính sách bảo tồn hiệu quả, diện tích rừng ngập mặn ven biển được phục hồi tối thiểu bằng mức năm 2000. Đến năm 2030, 100% các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản được xác định và quản lý hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi và buôn bán xuyên biên giới các loài sinh vật biển hoang dã thuộc danh mục cần được bảo tồn…

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Kết quả chuyến thăm chính thức nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

 Từ ngày 10 - 11/4/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa nhiều mặt và đặc biệt là chuyền thăm đầu tiên ngay sau khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước, thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Bên cạnh đó, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm nhân dân Lào chuẩn bị đón Tết cổ truyền Bunpimay, một ngày lễ lớn và thiêng liêng nhất của đất nước Lào, cho thấy tính chất đặc biệt của mối quan hệ Việt - Lào. Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, thể hiện ở các nội dung sau:

Một là, về chính trị, hai bên tiếp tục khẳng định quyết tâm không ngừng củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung, cũng như quan hệ gắn bó và tin cậy ở mức cao nhất giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nói riêng.

Hai là, lãnh đạo hai nước nhất trí cao về các biện pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao của hai Đảng, hai nước, góp phần tạo động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Việt Nam - Lào trong thời gian tới; nhất là trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân... Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị, Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025.

Ba là, trên cơ sở phát huy hiệu ứng tích cực của "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022", hai bên nhất trí đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử quan hệ gắn bó đặc biệt Việt Nam - Lào để từ đó thấy rõ trách nhiệm cùng nhau không ngừng vun đắp, gìn giữ mối quan hệ thủy chung, trong sáng có một không hai giữa hai Đảng, hai nước.  

Bốn là, hai bên cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN; cùng nhau giữ vững đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ Lào đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế trong thời gian tới, trong đó có vai trò Chủ tịch ASEAN 2024 và tổ chức Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước lần đầu tiên giữa Campuchia - Lào - Việt Nam (dự kiến vào cuối năm 2023).

Năm là, trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước đã gặp gỡ và nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt và doanh nghiệp ta đang sinh sống, kinh doanh tại Lào; động viên cộng đồng vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực đóng góp vào công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch Covid-19 của Lào; tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Lào không ngừng ổn định và phát triển. 

2. Một số tình hình thế giới thời gian gần đây

- Trung Quốc công bố Sách Trắng tiêu đề "Quản trị không gian mạng dựa trên luật pháp của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới". Trong đó nhấn mạnh Trung Quốc coi quản trị không gian mạng dựa trên luật pháp là phần cốt yếu trong chiến lược tổng thể về pháp trị. Sách Trắng cho biết hệ thống pháp lý cho quản trị không gian mạng của Trung Quốc hiện nay tập trung vào quản trị không gian mạng toàn diện, bao trùm các lĩnh vực như dịch vụ thông tin mạng, phát triển công nghệ thông tin và an ninh mạng. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới nhất như Big Data, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và blockchain trong quy trình tư pháp, thi hành án, hành chính tư pháp và các lĩnh vực khác.

 - Phần Lan đã chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, việc Phần Lan gia nhập NATO là một bước thắt chặt an ninh cho chính quốc gia này, đồng thời giúp khối quân sự củng cố sức mạnh. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh việc Phần Lan gia nhập NATO làm tăng nguy cơ xung đột tại Ukraine tiếp tục leo thang và tuyên bố Nga sẽ buộc phải thực hiện "các biện pháp đáp trả" đối với diễn biến mới này. Giới phân tích nhận định, việc Phần Lan gia nhập NATO là một bước thắt chặt an ninh cho chính quốc gia này, đồng thời giúp liên minh quân sự này củng cố sức mạnh song cũng tạo ra nhiều rủi ro cho quan hệ NATO - Nga.

                                                    Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp