Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 6 năm 2023

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 6 năm 2023

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết "Khắc phục "bệnh" sợ trách nhiệm" của PGS. TS. Lê Văn Cường, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo.

Thời gian gần đây, tình trạng sợ trách nhiệm, không dám hành động vì lợi ích chung trong một bộ phận cán bộ, công chức là rất đáng lo ngại, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với đội ngũ cán bộ, công chức về trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

"Bệnh" sợ trách nhiệm

Theo Đại Từ điển Tiếng Việt: "Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình". Như vậy, trách nhiệm là nghĩa vụ mà cán bộ, công chức phải gánh vác mà nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, pháp luật và quy định của cơ quan. Tuy nhiên, thời gian qua, căn bệnh "sợ trách nhiệm" lại diễn ra khá rộng và ở mọi ngành, mọi cấp, mọi địa bàn, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong di sản tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến căn nguyên của căn bệnh này rất cụ thể: "Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm". Theo Bác, những người mắc bệnh sợ trách nhiệm là những người: "Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng".

Biểu hiện của "bệnh" sợ trách nhiệm là: Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho "đủ bổn phận", cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ.

Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân của mình, các đồng chí này thường dựa vào lý do chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động.

Người sợ trách nhiệm cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể. Người sợ trách nhiệm còn ngại "va chạm" trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới.

Từ việc chỉ ra các biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm, tác giả cũng chỉ rõ: Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người đều có tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng, đều thật sự "trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" như Hồ Chủ tịch đã dạy.

Khắc phục "bệnh" sợ trách nhiệm

Mặc dù căn "bệnh" sợ trách nhiệm đã được các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam chỉ rõ nhưng thời gian vừa qua căn bệnh này lại tiếp tục diễn ra trên phạm vi rộng. Căn "bệnh" sợ trách nhiệm gây ra nhiều hậu quả rất nghiêm trọng. Điển hình nhất là kích thích tâm lý ỷ lại, dựa dẫm và hình thành một bộ phận cán bộ núp bóng, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện thờ ơ, vô cảm với trách nhiệm được giao và trách nhiệm với nhân dân. Trong khi đó, người năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh đôi khi lại bị hiểu sai, thậm chí rất dễ bị quy chụp và xử lý trách nhiệm.

Để kịp thời khắc phục tình trạng này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Để khắc phục "bệnh" sợ trách nhiệm đang diễn ra hiện nay, thiết nghĩ thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức.

Mỗi cán bộ, công chức có nhận thức chính trị đúng với sự hiểu biết về đường lối, quan điểm chính trị, về nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, sự hiểu biết và tin tưởng vào mục đích, lý tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức hình thành tình cảm, ý chí cách mạng của người cán bộ, công chức. Thái độ chính trị đúng là những biểu hiện, cử chỉ, lời nói, việc làm của người cán bộ, công chức xuất phát từ nhận thức, suy nghĩ, tình cảm trước những vấn đề chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng. Thái độ chính trị của cán bộ đúng hay không đúng; kiên quyết, dứt khoát hay nửa vời, chập chừng, do dự; nghiêm túc hay không nghiêm túc... có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện trách nhiệm của người cán bộ, công chức.

Hành vi chính trị của người cán bộ, công chức là hành động mang tính chính trị, như tiên phong, gương mẫu trong công tác, lao động, học tập, sinh hoạt; đi đầu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực về chính trị.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thực tế cho thấy, có tình trạng đùn đẩy, không làm hết trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, vướng là "đẩy lên trên" hoặc "đẩy xuống dưới", cần tập trung rà soát những bất cập, nhanh chóng sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn; cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân và phải được cụ thể hóa thành luật. Trong đó, cần rà soát, nghiên cứu bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ và tính răn đe, giáo dục; không để người xấu, người thiếu trách nhiệm lợi dụng kẻ hở để trục lợi và cũng tạo ra sự yên tâm cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII và nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ta đã ban hành hàng loạt các quy định như: Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung... Tuy vậy, để khắc phục căn bệnh sợ trách nhiệm, khuyến khích sự sáng tạo, bảo vệ cán bộ, để chủ trương đi vào cuộc sống cần thể chế hóa quy định của Đảng thành pháp luật, tránh tình trạng xử lý chưa thống nhất, đồng bộ và tùy tiện.

Thứ ba, đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, công chức: Thực hiện mạnh mẽ giữa xây và chống, để khuyến khích tinh thần dám đương đầu với khó khăn, dám sáng tạo, đột phá vươn lên thì đổi mới công tác đánh giá cán bộ, xóa tư tưởng "an phận thủ thường", "làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai" trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Cách đánh giá cần phải giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó vững tâm tin rằng, nếu mình làm vì lợi ích chung thì sẽ được nhìn nhận đúng. Đánh giá đúng chính là phát huy được tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước công việc của mình để đội ngũ cán bộ cán bộ, công chức khắc phục được "bệnh" sợ trách nhiệm, vươn lên hoàn thành tốt trách nhiệm công vụ được giao. Đánh giá đúng cán b, công chức còn góp phần khơi dậy ý thức của bản thân đối với công việc hằng ngày, dám thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, biết nhận lỗi để sửa chữa, khắc phục nhằm thực hiện tốt hơn trách nhiệm được giao. Đồng thời, đánh giá đúng, công tâm, khách quan sẽ ngăn ngừa được tình trạng "tranh công, đổ lỗi" không dám nhận trách nhiệm, không nhìn nhận đúng bản chất của sự việc để có những cải tiến và đổi mới tìm ra phương pháp, cách làm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Thứ tư, tăng cường tự soi tự sửa, tự rèn luyện đạo đức lối sống của mỗi cán bộ, công chức góp phần vào khắc phục "bệnh" sợ trách nhiệm.

Phẩm chất đạo đức, lối sống của người cán bộ, công chức quan hệ mật thiết với phẩm chất chính trị. Phẩm chất chính trị chi phối, quy định phẩm chất đạo đức; phẩm chất đạo đức tác động đến sự phát triển phẩm chất chính trị. Người cán bộ có giác ngộ chính trị, có niềm tin sâu sắc vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa sẽ giúp họ có tình yêu thương đồng chí, kính trọng nhân dân, quan tâm giúp đỡ mọi người, biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích cách mạng.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức và thực hiện tốt khen thưởng, kỷ luật nhằm khắc phục "bệnh" sợ trách nhiệm.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, công chức bao gồm các nội dung kiểm tra, giám sát việc cán bộ quán triệt, tổ chức thực hiện Cương lĩnh, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, điều lệ, quy chế, quy định, kết luận của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; rèn luyện đạo đức, lối sống; thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm; việc giữ gìn đoàn kết nội bộ; quan hệ với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trên cơ sở mở rộng, đề cao dân chủ nhằm kích hoạt tinh thần dám nghĩ, dám làm và các nhân tố mới.

Đảm bảo nguyên tắc chung là khen thưởng đúng người, đúng thành tích và đúng lúc; kỷ luật đúng người, đúng mức độ vi phạm, đúng quy định của Đảng, của tổ chức công đoàn và đúng pháp luật. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua một cách thực chất, không phô trương hình thức, khắc phục bệnh thành tích cũng là cách để khắc phục "bệnh" sợ trách nhiệm hiện nay.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh trong tháng 5 năm 2023

So với tháng trước, trong tháng 5/2023: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 10.546 tỷ đồng, tăng 1,09%; kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh đạt 148.941 ngàn USD, tăng 1,37%; kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 53.833 ngàn USD, tăng 0,62%. Ngành Y tế tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để người dân thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, nhất là kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu. Xử lý kịp thời các ổ dịch, kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng tại các nơi nguy cơ xuất hiện dịch. Ngành Giáo dục đã hoàn thành chương trình giảng dạy năm học 2022 - 2023 và chuẩn bị cho việc thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) được tổ chức vào các ngày 27 - 30/6/2023. Dự kiến có 15.673 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 13.757 thí sinh lớp 12 hệ THPT, 1.481 thí sinh lớp 12 hệ giáo dục thường xuyên, 435 thí sinh tự do. Kỳ thi năm nay thí sinh đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến với hệ chính quy, thí sinh tự do đăng ký hình thức trực tiếp, hiện 100% thí sinh của Tỉnh đã hoàn thành việc đăng ký.

2. Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng

Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số: 563/QĐ-UBND-HC ngày 23/05/2023 về việc quy định đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, ngoài các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ (trẻ em có cả cha và mẹ bị chết, mất tích theo quy định của pháp luật mà không có người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người thân thích không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng; nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, thân thể; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động cần được bảo vệ khẩn cấp trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội), Uỷ ban nhân dân Tỉnh bổ sung thêm đối tượng là người tâm thần lang thang không có người thân hoặc chưa xác định được người thân hoặc đã xác định được người thân nhưng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần (người thân là người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú với người tâm thần).

Thời gian nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng đối với đối tượng trên không quá 03 tháng. Trường hợp hết thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng mà hộ gia đình, cá nhân không nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chuyển hộ gia đình, cá nhân khác nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời hoặc có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đưa đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội theo quy định.

3. Tăng cường tiết kiệm điện, nước trong mùa khô hạn năm 2023

Ngày 22/5/2023, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Công văn số: 585/UBND-KT về việc tăng cường tiết kiệm điện, nước trong mùa khô hạn năm 2023. Theo đó, Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực Đồng Tháp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Tỉnh; kịp thời đề xuất giải pháp xử lý những trường hợp thiếu hụt nguồn điện nghiêm trọng trên địa bàn Tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước; kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các công trình thuỷ lợi trên địa bàn Tỉnh; triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước, ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước… Công ty Điện lực Đồng Tháp hướng dẫn các giải pháp tiết kiệm điện cụ thể cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Tỉnh; theo dõi sát tình hình dự báo thời tiết nắng nóng trong thời gian tới, cập nhật kịp thời tình hình phụ tải điện trên địa bàn Tỉnh và chỉ tiêu giao sản lượng điện của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam để có phương án cung cấp điện, kế hoạch tiết giảm từng đối tượng cụ thể. Phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, giải pháp tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh Dại, tại Chỉ thị số: 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định của Luật Thú y, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt, tổ chức triển khai có hiệu quả, đạt được các mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 - 2030, chú trọng các nội dung sau:

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành văn bản chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp và các sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh Dại ở người và động vật. Người đứng đầu Uỷ ban nhân dân các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Xây dựng, phê duyệt và bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh Dại của địa phương, ưu tiên mua vắc-xin, tổ chức tiêm vắc-xin Dại cho đàn chó, mèo đồng loạt vào cùng một thời điểm. Hỗ trợ mua vắc-xin, tổ chức tiêm vắc-xin Dại cho đàn chó, mèo tại các ổ dịch, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi khu vực II, III, vùng biên giới,...

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó, mèo có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại; tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi và đối tượng trẻ em) về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại hiệu quả.

2. Quy định về bảo hiểm vi mô

Chính phủ ban hành Nghị định số: 21/2023/NĐ-CP ngày 05/5/2023 quy định về bảo hiểm vi mô. Theo đó, đối tượng áp dụng là tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô (bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thành lập và hoạt động tại Việt Nam); cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo hiểm vi mô (bao gồm: Bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm vi mô, thành viên tham gia bảo hiểm vi mô; tổ chức đại diện thành viên); các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Số tiền bảo hiểm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tính mạng và sức khỏe không vượt quá 05 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm. Số tiền bảo hiểm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tài sản không vượt quá giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm tham gia bảo hiểm và không vượt quá 05 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm. Phí bảo hiểm năm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô không vượt quá 5% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm. Phí bảo hiểm phải tương ứng với quyền lợi bảo hiểm.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Kết quả chuyến công du Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken thăm Việt Nam từ ngày 14 - 16/4/2023. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Antony Blinken trên cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ. 

Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt khi năm 2023 là năm kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước (2013 - 2023). Thông qua chuyến thăm lần này cho thấy Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục coi trọng quan hệ với Việt Nam. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy tăng cường quan hệ hai nước theo tinh thần Đối tác toàn diện 2013 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ 2015, đồng thời triển khai kết quả điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (3/2023), tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken đã dự lễ khởi công khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Đây được coi là "biểu tượng mới cho quan hệ hai nước". Việc hai nước đạt thỏa thuận về các điều kiện xây dựng, cải tạo và sửa chữa trụ sở Cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của hai bên và trông đợi hai nước sẽ sớm có những trụ sở cơ quan đại diện mới chứng tỏ sự phát triển ngày càng sâu rộng của quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

2. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42

Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 với chủ đề "Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của Tăng trưởng" tổ chức từ ngày 09 - 11/5/2023 tại Indonesia. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phục hồi toàn diện, cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng, cùng nhiều biến động phức tạp, khó lường. Các phiên họp tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định thách thức với ASEAN ngày càng phức tạp, cả từ bên trong và bên ngoài. Thủ tướng đã nêu ra ba vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, đó là giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng và thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài. Thủ tướng đề nghị nỗ lực đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, triển khai đồng bộ và quyết liệt các dự án kết nối khu vực cả về thể chế, hạ tầng và con người, tạo bước chuyển về chất cho môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch. Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị hợp tác kinh tế số, chính phủ số, kinh tế tuần hoàn cần được quan tâm, đẩy mạnh cùng với kết nối mạng lưới điện, phát triển năng lượng tái tạo và sớm xây dựng các chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua triển khai thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động. Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước đã thông qua tuyên bố của các nhà lãnh đạo về tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN; Tuyên bố về phát triển Tầm nhìn Cộng đồng sau năm 2025.

                                        Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp