Xuất bản thông tin

null Người cựu chiến binh với đam mê trồng tre giữ cò, phủ xanh xứ sở vùng biên

Trang chủ Học tập và làm theo lời Bác (Tư tưởng HCM)

Người cựu chiến binh với đam mê trồng tre giữ cò, phủ xanh xứ sở vùng biên

Ở vùng đất biên giới đầy nắng và cát thuộc ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp có một người đàn ông âm thầm trồng tre, giữ cò gần 24 năm, với kỳ vọng từ đam mê sẽ phát triển sinh thái du lịch, góp phần hình thành khu điểm du lịch đặc trưng cho huyện nhà.

Đó là ông Lê Thanh Nghĩa, ngụ ấp Chiến Thắng - xã Tân Hộ Cơ (người dân địa phương thường gọi là ông Chín Nghĩa). Khi bước vào tuổi nghỉ hưu, ông Chín Nghĩa có hẳn một bộ sưu tập với trên 180 giống tre các loại và hơn 12 loài chim cò trú ngụ. Được biết, thời gian tới ông Chín Nghĩa dự định đầu tư thêm mô hình này thành một mê cung tre và khu du lịch sinh thái cộng đồng, không chỉ phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm mà còn góp phần phủ xanh xứ sở vùng biên, bảo vệ môi trường sinh thái. Ông chia sẻ: “Tâm nguyện của chú là không chỉ trồng tre lên bộ sưu tập tre hay làm sản phẩm phục vụ du lịch, ý tưởng của chú là tạo nên một màu xanh phủ vùng biên giới. Không chỉ có vườn tre mà chú còn nhơn giống ra phân bổ cho bà con mình các nơi, sao cho bà con vòng vòng nơi đây trồng để có được màu xanh tre, mỗi người một cây, nhiều người nhiều cây, mình sẽ có một màu xanh tre, góp phần bảo vệ môi trường, phủ xanh biên giới”.

Ông Chín Nghĩa, sinh năm 1962 tại Campuchia, khi 9 tuổi ông cùng với gia đình trở về Việt Nam sinh sống tại Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang. Năm 1979, ông nhập ngũ, phục vụ lâu dài tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp, từng phụ trách phiên dịch, thông dịch tiếng Campuchia. Đến tháng 12 năm 2017, ông nghỉ hưu với cấp bậc Thiếu tá. Ông Chín Nghĩa chia sẻ: “Từ nhỏ, bản thân rất mê các giống tre, thích màu xanh của lá tre, khi về hưu mới thực hiện được ước mơ của mình và bỏ ra số tiền trên 20 tỷ đồng để đầu tư cải tạo khu đất Gò Nổi rộng hơn 5 ha để trồng tre và làm nơi trú ngụ cho hàng ngàn con cò. Hằng ngày chăm sóc, gắn bó với tre, nên ông nhận biết được đặc tính của từng loại tre, thân tre, lá tre, bởi mỗi loại tre đều có đặc điểm và nét dáng riêng, nhưng tất cả đều có điểm chung là mang đến vẻ đẹp bình dị, gần gũi với đời sống làng quê. Ông Chín Nghĩa cho biết: Đam mê môi trường trồng tre này từ nhỏ, đi đâu thấy bụi tre, nhất lá đám tre của làng quê thì tôi hay nhìn xem, thậm chí vẽ vô bức tranh luôn về ngôi nhà, dòng sông, hoặc đường đi hai bên bờ tre”.

Sau gần ấy năm gắn bó với tre và bảo vệ cò, hiện vườn tre của ông Nghĩa có trên 180 giống tre các loại. Trong đó, có nhiều giống tre quý hiếm như mai ống, vàng sọc, ngà, xiêm, tre khổng lồ, tre mạnh tông, bát độ, điền trúc... được ông sưu tầm trong và ngoài nước như Lào, Thái Lan, Campuchia. Không chỉ trồng tre, giữ cò để thỏa niềm đam mê mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, ngoài ra ông cũng sn sàng chia sẻ đam mê của bản thân với mọi người. Dự kiến, ông Chín Nghĩa tiếp tục đầu tư trên 15 tỷ đồng để thực hiện mê cung tre gắn với khu du lịch sinh thái cộng đồng, với đặc trưng là tre và cò ở khu vực biên giới, giới thiệu đến du khách những giống tre, thưởng thức các món ăn đặc sản vùng sông nước Nam bộ kết hợp với làm các sản phẩm từ măng tre, những vật dụng được làm bằng tre đã một thời gắn bó với đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân địa phương... Ông Chín Nghĩa cho biết:Sắp tới, để thực hiện theo chủ trương phát triển du lịch của Tỉnh nhà, tôi quyết tâm hoàn thành mô hình du lịch vườn tre sinh thái này, xây dựng mê cung tre. Sau khi hình thành sẽ phân khu ra, khu để cho du khách đến thưởng thức món ăn, đặc sản, sản phẩm của xã nhà. Qua đây, địa phương chúng ta sẽ cùng nghiên cứu có sản phẩm gì, có hàng hóa gì tạo ra từ tre thì phát triển thêm, quảng bá sản phẩm của quê hương mình. Về thực phẩm thì nghiên cứu từ măng, ví dụ như măng chua xào đùi ếch, măng chua nấu cá lăn, lẩu cá lăn măng chua...”.

Để đồng hành cùng với vườn tre và cò của ông Lê Thanh Nghĩa trong thời gian tới, Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Tân Hồng Lương Thị Anh Đào nói: “Chú Chín Nghĩa là một trong những người mạnh dạn trong cách nghĩ, sáng tạo trong cách làm, mạnh dạn đột phá để khai thác phát triển kinh tế. Với tình yêu đặc biệt từ tre, ngoài trồng nhiều giống tre mới lạ, chú còn nghiên cứu thu hút rất nhiều chim cò tới đây. Hy vọng chú sẽ phát triển thành công khu du lịch sinh thái vườn tre với điểm tham quan chim, cò. Đây là một trong những mô hình mới lạ cho địa phương. Để đồng hành cùng với chú Chín Nghĩa, Phòng Văn hóa và Thông tin Huyện sẽ hướng dẫn hỗ trợ các mặt chuyên môn để đảm bảo các điều kiện, sớm đưa vườn tre và cò của chú Chín Nghĩa đi vào hoạt động, thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm ở vùng biên này.

Vườn tre và đàn cò mang vẻ đẹp bình dị, gần gũi với làng quê biên giới Tân Hồng, không chỉ là tài sản lớn nhất, quý giá nhất của ông Lê Thanh Nghĩa, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phủ xanh biên giới xử sở quê hương.

Kim Lệ