Xuất bản thông tin

null Đầu tư công trong đại dịch Covid-19: Phải chủ động và linh hoạt hơn

Đầu tư công trong đại dịch Covid-19: Phải chủ động và linh hoạt hơn

Do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 và một số nguyên nhân khác nên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Đồng Tháp chưa đạt kế hoạch đề ra. Vì vậy, đẩy mạnh đầu tư công, tăng tỷ lệ giải ngân vốn là một trong những mục tiêu phải tập trung quyết liệt để thực hiện từ đây đến cuối năm.

Trong bối cảnh địa phương vẫn còn giãn cách xã hội, làm thế nào để tiếp tục triển khai các công trình, dự án. Xoay quanh nội dung này, Cổng Thông tin điện tử có cuộc trao đổi với ông Trần Trí Quang – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- PV: Thưa ông, trong thời điểm giãn cách xã hội toàn tỉnh như hiện nay, Đồng Tháp có phương án gì để triển khai các dự án đầu tư công, nhất là ở những khu vực thuộc “vùng xanh”?

- Ông Trần Trí Quang: Đầu tư công luôn là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế, giúp kích cầu nền kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh khiến các kênh đầu tư khác giảm sút, thì việc tiếp tục triển khai các công trình đầu tư công là rất quan trọng, là nền tảng, cũng là động lực thúc đẩy phát triển sau khi tình hình dịch bệnh có chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Trần Trí Quang kiểm tra tiến độ đầu tư
 Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp (quy mô 700 giường),
dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng

Để tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trong giãn cách xã hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành phương án hoạt động xây dựng đối với các công trình trọng điểm, cấp bách trong điều kiện thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, khu vực có mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ), phải tạm dừng thi công đối với tất cả công trình, trừ các công trình sử dụng cho mục đích phòng, chống dịch.

Khu vực có mức nguy cơ cao (vùng cam), các công trình phải được cấp thẩm quyền cho phép tổ chức thi công và phải thực hiện nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ”: Sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ theo quy định.

Khu vực có mức nguy cơ (vùng vàng), các công trình phải được cấp thẩm quyền cho phép tổ chức thi công xây dựng và phải thực hiện nghiêm nguyên tắc “2 tại chỗ”: Ăn uống, làm việc tại chỗ và kết hợp “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc người lao động phải có xác nhận kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2 (Test nhanh/RT-PCR) trong vòng 72 giờ và phù hợp với quy định của địa phương nơi xây dựng công trình trước khi vào làm việc.

Khu vực bình thường mới (vùng xanh), mọi hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Ngoài ra, phương án cũng quy định cụ thể đối với khu vực áp dụng theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 19/CT-TTg và khu vực bình thường mới.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; các chủ đầu tư cấp tỉnh; đơn vị tư vấn và đơn vị thi công phải thực hiện và tuân thủ theo các quy định, để vừa tiếp tục triển khai thi công công trình, vừa đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh, vừa không làm gián đoạn tiến độ thi công công trình hiện nay. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần chủ động liên hệ Sở Xây dựng để được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng vượt qua các khó khăn và cũng rất mong các doanh nghiệp cùng chia sẻ, nỗ lực hơn nữa trong đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành công trình theo kế hoạch.

- PV: Những hạng mục nào có thể tranh thủ thực hiện trong thời điểm dịch bệnh này ?

- Ông Trần Trí Quang: Trong thời gian giãn cách xã hội, rất nhiều công việc của Dự án vẫn có thể triển khai thực hiện, ví dụ: Công tác chuẩn bị đầu tư, từ giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi đến bước lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng, đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục, hồ sơ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất bằng nhiều hình thức, nhất là tăng cường công tác nội nghiệp; tăng cường tổ chức đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi lập Hồ sơ mời thầu (bao gồm các gói thầu tư vấn, gói thầu thi công xây dựng, thiết bị); đẩy mạnh xử lý công việc, hồ sơ bằng hình thức trực tuyến cũng như họp trao đổi thông tin; chủ động chuẩn bị sẵn các hồ sơ của Dự án (hồ sơ thẩm định, thiết kế, đấu thầu, nghiệm thu, thanh toán v.v..).

Một số hạng mục cần ít nhân công, sử dụng nhiều máy móc thiết bị như: San lấp mặt bằng, thi công nền đường công trình giao thông, các công trình đê kè v.v. đều có thể đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tận dụng thời gian giãn cách xã hội – lưu lượng xe tham gia giao thông ít,
Chủ đầu tư công trình thảm nhựa Quốc lộ 30 đã tranh thủ làm việc ngày, đêm để hoàn thành tiến độ

Chủ đầu tư và đơn vị thi công cũng phải có sự chủ động đối với các công việc sắp tới và linh hoạt trong việc điều hành, chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án. Đồng thời, các Sở, ban ngành tỉnh cũng phải phối hợp nhịp nhàng với nhau, nhanh chóng xử lý các công việc bằng hình thức trực tuyến, nhất là xử lý các điểm nghẽn, vướng mắc, hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án. Trong đó, sự quan tâm sâu sát, kiểm tra, theo dõi thường xuyên của người đứng đầu đơn vị đóng vai trò rất quan trọng.

- PV: Theo ông, sự chủ động, linh hoạt của chủ đầu tư trong lúc khó khăn này có vai trò quyết định như thế nào ?

- Ông Trần Trí Quang: Trong hoàn cảnh bình thường hay trong giai đoạn giãn cách, người đứng đầu của Chủ đầu tư đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình, dự án đầu tư công.

Chủ đầu tư phải chủ động trước các công việc, dự đoán trước các tình huống và linh hoạt trong xử lý các vấn đề để giải quyết các vướng mắc sớm nhất, đồng thời Chủ đầu tư cần có cách làm hay, đổi mới tư duy và cách quản lý trong kiểm tra, theo dõi việc triển khai thực hiện, không đi theo lối mòn, có sự chỉ đạo, điều hành nhịp nhàng của nhiều mắc xích, sẽ là cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, thúc đẩy giải ngân vốn, sớm hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Do đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu người đứng đầu đơn vị Chủ đầu tư phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, tập trung hơn trong chỉ đạo thực hiện công trình, dự án. Kết quả thực hiện vốn đầu tư công cũng là thước đo quan trọng để Uỷ ban nhân dân tỉnh đánh giá năng lực của Chủ đầu tư trong thời gian tới.

- PV: Chủ tịch UBND tỉnh vừa quyết định thành lập 02 Tổ Công tác về đầu tư công, do 02 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Tổ Công tác này sẽ góp phần như thế nào trong tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công, thưa ông?

- Ông Trần Trí Quang: Các Tổ công tác sẽ làm việc với các Chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công về tình hình triển khai thực hiện vốn; về quy trình, thủ tục chuẩn bị đầu tư; đánh giá hiệu quả đầu tư; tổng hợp kế hoạch giải ngân vốn – tiến độ thi công theo từng thời điểm cụ thể của các Chủ đầu tư để hoàn thành theo kế hoạch. Tổng hợp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình, dự án đầu tư công và các kiến nghị có liên quan của đơn vị Chủ đầu tư, để kịp thời tháo gỡ; đồng thời chuẩn bị kế hoạch cho kế hoạch năm 2022 và các năm còn lại trong giai đoạn 2021 – 2025.

Từ các công việc trên sẽ góp phần xử lý kịp thời các điểm nghẽn trong thực hiện và giải ngân vốn, nhất là nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; hoàn thiện các quy trình thủ tục theo hướng đơn giản, thuận tiện, rút ngắn thời gian triển khai dự án đầu tư công và thực hiện giải ngân; “cắt bỏ” dự án mới hiệu quả thấp, dự án đầu tư không hiệu quả, dàn trải, manh mún, chia cắt; ưu tiên vốn đầu tư công vào ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án hạ tầng trọng điểm, mang tính chất liên vùng, kết nối tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh và vùng.

Dự kiến trong tháng 9 này, 02 Tổ sẽ tiến hành làm việc với từng Chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công lớn, giải ngân còn chậm để có sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời, sớm giải quyết các điểm nghẽn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của năm 2021, cũng như chuẩn bị tốt kế hoạch cho các năm tiếp theo.

Tổ công tác sẽ góp một phần vào việc giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công hiện nay; kết quả thực hiện đầu tư công chung vẫn phụ thuộc chính vào sự nỗ lực của từng Chủ đầu tư và các đơn vị thi công trong thời gian tới. Vì vậy, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra định kỳ, theo dõi sát tình hình thực hiện của các Chủ đầu tư để đôn đốc, chỉ đạo kịp thời.

- PV: Để thúc đẩy đầu tư công, tạo động lực để phát triển kinh tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh có đề xuất, kiến nghị gì đến Trung ương?

- Ông Trần Trí Quang: Như đã nêu trên, đầu tư công luôn là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 339/UBND-ĐTXD ngày 27/8/2021, trong đó yêu cầu các Chủ đầu tư có giải pháp đẩy nhanh toàn diện tiến độ thực hiện và giải ngân vốn.

Đồng thời, để công tác thực hiện vốn đầu tư công được triển khai thuận lợi, tỉnh cũng đã đề nghị các Bộ, ngành Trung ương một số nội dung quan trọng như:

Tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp hữu hiệu để xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Sớm có quy định phù hợp đối với việc tách riêng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.

Phân cấp, ủy quyền cho địa phương được điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư và vốn bố trí giữa các dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương, đảm bảo không vượt tổng vốn kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 đã được Trung ương thông báo và báo cáo lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Qua đó, sẽ tạo sự chủ động cho địa phương trong việc sử dụng vốn đầu tư công và công tác quản lý điều hành kế hoạch vốn, đồng thời nâng cao trách nhiệm của địa phương.

- PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyệt Ánh
nguyetcttdongthap@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>