Xuất bản thông tin

null Câu chuyện Tình yêu sắc son và lòng tự hào của người vợ Liệt sĩ bên Tượng đài Mẹ Tổ quốc

Chi tiết bài viết Tin tức

Câu chuyện Tình yêu sắc son và lòng tự hào của người vợ Liệt sĩ bên Tượng đài Mẹ Tổ quốc

Cưới xong, chỉ được 2 tuần, chồng bà Lương Thị Xuyên tạm biệt gia đình theo tiếng gọi của Đảng, ông Phạm Văn Thê đã lên đường bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh ác liệt đã cướp đi người chồng của bà tại miền Nam. Để rồi, suốt hơn nửa thế kỷ trôi qua (52 năm), người phụ nữ ấy vẫn một lòng ở vậy thờ chồng và chăm sóc cha mẹ chồng đến lúc cuối đời.

Khi cùng Đoàn Hội quán 502 “Về thăm lại chiến trường xưa” đặt chân đến vùng đất Cao Lãnh trong những ngày tháng Tư lịch sử– Nơi có máu xương, hài cốt của người chồng yêu thương an nghỉ, đây là lần thứ 2 bà Lương Thị Xuyên được đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cao Lãnh thắp lên mộ phần của chồng - Liệt sĩ Phạm Văn Thê nén nhang trầm, cùng gửi gắm bao nhiêu niềm thương nổi nhớ. Nâng nhẹ bàn tay khẳng khiu hằng sâu vết thời gian vuốt ve thành mộ của chồng, bà Xuyên ngước mắt nhìn hướng về Tượng đài Mẹ Tổ quốc thiêng liêng, bồi hồi xúc động kể lại cho chúng tôi nghe một câu chuyện tình đẹp:

…Đầu tháng 11 năm 1970, cô gái trẻ ở lứa tuổi xuân thì 18, trú xã Đông Trà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình bước lên xe hoa về nhà chồng làm vợ của anh trai làng Phạm Văn Thê cũng vừa tròn 18 tuổi, kể từ đó hai người sống cùng quê hương Thái Bình đã nên duyên cầm sắc.

Vỏn vẹn 15 ngày sau đám cưới, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc khi miền Nam bước vào giai đoạn chiến đấu ác liệt, từ giả gia đình và người vợ trẻ ông Phạm Văn Thê lên đường nhập ngũ, đến tháng 10 năm 1971 ông Phạm Văn Thê được cử vào chi viện cho miền Nam chống Mỹ cứu nước (đi B). Cho đến bây giờ, bà Xuyên vẫn nhớ như in đôi mắt chứa chang tình cảm, quyến luyến bịn rịn của chồng trong giờ phút chia tay vợ. Dằn lòng, kìm nén nổi nhớ nhung chồng như bao nhiệu người vợ khác khi đất nước còn chiến tranh, ở quê nhà, bà Xuyên cũng tham gia phục vụ cách mạng và các hoạt động lao động sản xuất phục vụ chiến đấu.

Lương Thị Xuyên chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo huyện Cao Lãnh

Bà Xuyên trải lòng: “Những năm tháng chồng ra chiến trận, lúc đầu Cô còn nhận được một vài lần thư của Chú gửi về, từ đó tôi hiểu hơn về những khó khăn, gian khổ của anh và đồng đội phải trải qua ở chiến trường, nhắn gửi trong bức thư của người chồng như lời dặn dò, lời thề non hẹn biển rằng “nhất định chiến tranh sẽ kết thúc” và chồng sẽ trở về. Nhưng rồi sau đó tin tức về người chồng vẫn biệt vô âm tín theo năm tháng, bỏ mặc người vợ quê nhà mòn mỏi chờ mong”.

Trải qua gần 6 năm dài đằng đẵng, đến năm 1976 khi đất nước thanh bình thống nhất, với tia hy vọng mong manh sẽ có ngày được đón chồng về để được tận hưởng niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn và bù đắp cho nhau những thiệt thòi mà chiến tranh đã chia cắt như lời chồng đã từng hứa, thì bà Xuyên nhận được tin dữ báo về ông Phạm Văn Thê, đơn vị Tiểu đoàn 502 đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường ác liệt tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp). Cầm giấy báo tử chồng trên tay, bà Xuyên ngất lịm bởi nỗi đau tột cùng như không muốn tin điều đó là sự thật.

Mặc dù biết rằng, chồng đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc nhưng bà Xuyên vẫn khắc cốt ghi tâm những lời yêu thương năm xưa của chồng để dặn lòng giữ vẹn thuỷ chung vừa thờ chồng và chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ chồng đến cuối đời. Khó có thể kể đến những nhọc nhằn, vất vả của người phụ nữ trẻ khi một tay gánh vác gia đình. Cũng trong thời gian này, có không ít người đàn ông muốn tìm đến ngõ lời để trở thành chỗ dựa nhưng bà đều từ chối. Lời thề non hẹn biển, tình yêu của đôi vợ chồng son ngày nào đã khắc sâu trong tâm khảm, cộng vào đó là niềm tự hào về sự hy sinh anh dũng của chồng đánh đổi cho Tổ quốc được độc lập, Nhân dân được tự do….đã trở thành điểm tựa, là nghị lực và sức mạnh giúp bà chống đỡ với những giây phút chông chênh, vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống. Bà luôn xông xáo để làm việc, đảm đang, vén khéo chăm sóc, phụng dưỡng lo cho cha mẹ già chu toàn đến ngày cụ ông, cụ bà về đoàn tựu với tổ tiên, làm tròn bổn phận “Dâu hiền”, “vợ thuỷ chung” đến tận hôm nay.

Hiện tại, Liệt sĩ Phạm Văn Thê đang yên nghĩ tại nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cao Lãnh. Vậy là 52 năm trôi qua rồi, bà Xuyên vẫn giữ trọn vẹn lời hẹn ước năm xưa với ông. Có lẽ điều bà day dứt, nuối tiếc nhất là những năm tháng sau này bà không lưu giữ lại được một bất cứ kỷ vật nào của chồng để lại. Nhưng đối với bà Lương Thị Xuyên, niềm hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm vợ, là được làm tròn đạo hiếu “dâu thảo, vợ hiền” của một người con trai ưu tú đất Thái Bình đã không tiếc máu xương, chiến đấu anh dũng, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Thành Sơn