Xuất bản thông tin

null UBND Huyện họp thường kỳ tháng 9 năm 2021

Chi tiết bài viết Tin tức

UBND Huyện họp thường kỳ tháng 9 năm 2021

Chiều ngày 14/10/2021, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Huyện Lê Chí Thiện chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2021 với các ban, ngành Huyện đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; triển khai nhiệm vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh quý IV/2021.

Tính đến tháng 10/2021, huyện Cao Lãnh đã thu hoạch 7.046 tấn nông sản và 26.983 ha lúa Thu Đông đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19; liên kết tiêu thụ lúa với các doanh nghiệp được 15.467 ha, đạt  128,9% kế hoạch, liên kết tiêu thụ được 475 tấn nông sản. Tỉnh đã thẩm định và đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; hỗ trợ xã Bình Thạnh và Mỹ Xương hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2021, cấp Huyện thẩm định, đánh giá có 08 sản phẩm OCOP 3 sao và 07 sản phẩm 4 sao đủ điều kiện trình Hội đồng đánh giá Tỉnh thẩm định, công nhận. Hiện có 18/24 chợ 05 cửa hàng Bách hoá xanh hoạt động trở lại cung ứng hàng hóa đảm bảo ổn định, phục vụ nhu cầu mua sắm cơ bản của người dân.

Quang cảnh phiên họp

Năm học 2021 – 2022 trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo Huyện và xã, thị trấn cùng các cấp, các ngành đã quan tâm đóng góp, vận động thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” với số tiền trên 480 triệu đồng và 358 điện thoại thông minh hỗ trợ học sinh có điều kiện học tập trực tuyến. Các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân được thực hiện kịp thời giúp người dân giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Công tác cải cách hành chính, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện kịp thời, đúng quy định; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội được kiểm soát, an ninh trật tự được giữ vững, ổn định.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Huyện Lê Chí Thiện yêu cầu ngành nông nghiệp quan tâm phối hợp tổ chức thực hiện có trách nhiệm sản phẩm “Cây xoài nhà tôi”, liên kết tiêu thụ lúa thông qua Tổ Nhân dân tự quản ở địa phương, phát triển ếch thành sản phẩm OCOP, xây dựng chuỗi giá trị liên kết từ con ếch, thí điểm cải tạo đất vườn tạp thành đất kinh tế; phát huy vai trò của các ngành trong thực hiện trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh đẹp; xây dựng tinh thần hợp tác, phát triển kinh tế tập thể trong liên kết tiêu thụ nông sản ở địa phương và phải phát triển thương hiệu, các sản phẩm nông sản của địa phương thông qua kênh thương mại điện tử; quan tâm quản lý tốt các công trình xây dựng ở tại địa bàn quản lý; nghiên cứu thực hiện chuyển đổi các Chợ trên địa bàn sang hình thức kinh doanh tư nhân để đầu tư phát triển; về du lịch cộng đồng phải có cách làm phù hợp để thu hút khách đến tham quan, đầu tư phải hiệu quả; cần thúc đẩy, điều chỉnh nhanh quy hoạch phát triển đô thị đúng mục tiêu; đào tạo nghề phải đúng nhu cầu xã hội đang cần, chuyển hướng tiếp cận để phát huy nghề được đào tạo; cần phải quán triệt tinh thần trách nhiệm Trạm Y tế trong vai trò tham mưu ở địa phương; tích hợp các thủ tục hành chính, các chính sách trên màn hình công khai tại các trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn; thí điểm thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, không giải quyết bằng hồ sơ giấy; quan tâm thực hiện tốt công tác tuyển sinh và tuyển quân…

Thuý Nhi