Xuất bản thông tin

null Dấu ấn Huyện nông thôn mới Cao Lãnh anh hùng

Chi tiết bài viết Tin tức

Dấu ấn Huyện nông thôn mới Cao Lãnh anh hùng

Quê hương Cao Lãnh hai lần Anh hùng tiếp tục tạo dấu ấn mới khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Về Cao Lãnh trong những ngày đầu xuân, không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo đổi mới của làng quê, đô thị văn minh.

Qua hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Cao Lãnh đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới. Đến nay, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ theo chuẩn nông thôn mới; các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường có nhiều chuyển biến, thay đổi tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các mô hình sản xuất mới được hình thành và phát triển bền vững, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

So với các huyện khác trong tỉnh Đồng Tháp, huyện Cao Lãnh là địa phương có nhiều đơn vị cấp xã nhất, với 17 xã và 01 thị trấn. Cao Lãnh là huyện nông nghiệp, diện tích tự nhiên lớn, hệ thống kênh, rạch, sông ngòi chằng chịt, dân cư phân bổ rộng khắp; xuất phát điểm của một số xã tương đối thấp so với bình quân chung của Tỉnh.

Tuy nhiên, với sự quan tâm, hỗ trợ của Tỉnh, sự đoàn kết và nỗ lực của địa phương, đến cuối năm 2020, huyện Cao Lãnh đã thu về “quả ngọt” khi 17/17 xã đều đạt chuẩn xã nông thôn mới. Và ngày 27/12/2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Cao Lãnh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, sớm hơn 01 nhiệm kỳ so với kế hoạch đề ra và là Huyện thứ hai của tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn nông thôn mới.

Lễ đón nhận danh hiệu Huyện Nông thôn mới

Mô hình hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới

Có được thành quả ngày hôm nay, đồng chí Huỳnh Thị Hoài Thu - Bí thư Huyện uỷ Cao Lãnh, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới gắn với Tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo huyện Cao Lãnh cho biết: “…Đó là sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cao Lãnh, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân, phát huy vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên; chính quyền cùng đồng hành, hỗ trợ người dân trong sản xuất, thực hiện mô hình mới, cách làm hay; huy động các nguồn lực xã hội cũng như vận dụng linh hoạt các chính sách để thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn v.v..”

Bí thư Tỉnh uỷ cùng lãnh đạo Huyện thăm mô hình trồng rau thuỷ canh của anh Nguyễn Phú Việt Cường

Thực hiện tiêu chí về sản xuất, huyện Cao Lãnh tập trung triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 07 ngành hàng chủ lực: Lúa gạo, xoài, vịt, cá điêu hồng, tôm càng xanh, chanh, ổi và là địa phương luôn chủ động, tiếp cận nhanh việc ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp thông minh vào sản xuất và đạt tỷ lệ khá cao. Nổi bật với các mô hình như: “Cây xoài nhà tôi”, kết nối bán được 425 cây, giá bán từ 05 - 07 triệu đồng/cây; mô hình canh tác lúa lý tưởng thương hiệu “Ruộng nhà mình” thực hiện 24ha/07 hộ tham gia; mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ”; nuôi gà thảo dược; sản xuất rau thuỷ canh v.v..Nhiều mô hình khởi nghiệp trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao như: Trồng rau thuỷ canh; nuôi ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn thuỷ sản, gia cầm, phân hữu cơ; các sản phẩm chế biến từ sen, gạo sạch AKITA, khô cá điêu hồng, trái cây sấy v.v..

Lãnh đạo TỈnh, Huyện thăm vườn rau má thủy canh tại xã Mỹ Long

Với hiệu quả từ các mô hình sản xuất, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã cải thiện thu nhập của người dân từ 18,72 triệu đồng/người/năm năm 2011 lên 51,717 triệu đồng/người/năm vào năm 2020, tăng 2,76 lần so với năm 2011.

Trong bài viết “Niềm vui những ngày đầu năm” nhân sự kiện huyện Cao Lãnh đạt chuẩn nông thôn mới, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: “Ngày hôm qua người dân huyện mình chỉ biết “đèn nhà ai nấy sáng”, ngày hôm nay người Cao Lãnh sống “tối lửa tắt đèn có nhau”, quấn quýt bên nhau trong các không gian Hội quán. Ngày hôm qua người dân huyện mình “ruộng vườn ai nấy làm”, ngày hôm nay người dân Cao Lãnh cùng nhau mua chung, bán chung, kinh doanh chung trong các hợp tác xã”.

Minh chứng cho nhận định này đó là ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cao Lãnh đều có Hội quán nông dân – một tổ chức tự nguyện của người dân, với tổng số thành viên tham gia là 1.241 thành viên, trong đó trên 320 đảng viên tham gia sinh hoạt. Qua những lần sinh hoạt đã làm chuyển biến nhận thức của bà con nông dân trong việc đưa ra cách làm mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với nhau góp phần thực hiện Tái cơ cấu ngành hàng nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Truyện, Chủ nhiệm Hội quán Minh Tâm (Hội quán của các nhà vườn trồng xoài ở xã Mỹ Xương) cho biết: trong sinh hoạt Hội quán, thành viên không chỉ chia sẻ cho nhau về kinh nghiệm sản xuất xoài mà còn luôn cả chuyện xóm, chuyện làng, xây dựng nông thôn mới và nuôi dạy con cái, hạnh phúc gia đình…Qua đó, mọi người hiểu nhau hơn, thân nhau hơn, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn, cái tình, cái nghĩa ngày càng thêm sinh sôi, nảy nở.

Trong xây dựng nông thôn mới, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn được Huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện đều khắp các xã. Các tuyến đường làng, ngõ xóm, khu vực công cộng được trồng cây xanh, hoa kiểng và dọn vệ sinh thường xuyên thông qua các phong trào “5 không 3 sạch”, “tuyến đường kiểu mẫu”, hoạt động xây dựng mô hình “Cụm dân cư An toàn - Xanh - Sạch - Đẹp, “xây dựng tổ Nông dân tự quản về môi trường trong sản xuất nông nghiệp”.

Tuyến đường nông thôn ấp Bình Hoà, xã Mỹ Hội

Triển khai phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” đã huy động các nguồn lực trong Nhân dân, mạnh thường quân chung tay xây dựng cầu đường nông thôn bằng bê tông cốt thép, rải đá chống lầy đường giao thông. Không chỉ đồng thuận hiến đất, di dời vật kiến trúc, người dân mà còn tham gia đóng góp ngày công lao động. Qua thống kê, vốn Nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới trên 1.000 tỷ đồng, chiếm 6,21% tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của huyện.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, người dân ở Ấp 4, xã Ba Sao luôn tích cực tham gia hỗ trợ địa phương trong di dời vật kiến trúc, xây nhà, làm đường, cầu nông thôn chia sẻ, nhận thấy việc xây dựng nông thôn mới đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nên bản thân ông sẵn sàng hưởng ứng các phong trào của địa phương. Khi biết được Huyện đạt chuẩn nông thôn mới, ông cảm thấy tự hào về những đóng góp của mình đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Không dừng lại ở kết quả huyện nông thôn mới, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Cao Lãnh lại tiếp tục một hành trình mới để quê hương Cao Lãnh ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

Ông Lê Chí Thiện - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Cao Lãnh cho biết Huyện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí Huyện nông thôn mới, trong đó tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025 có 07 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Huyện xác định 08 nhóm nội dung, giải pháp cần triển khai thực hiện, đó là tuyên truyền, vận động toàn xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu phát triển của người dân; đầu tư và huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển xã hội và sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, phát triển sản phẩm OCOP; chú trọng công tác trồng cây tạo cảnh quan, môi trường; khơi dậy tình làng nghĩa xóm, kịp thời giúp đỡ, tạo điều kiện để người nghèo, khó khăn cùng vươn lên phát triển kinh tế gia đình v.v..

Thúy Nhi