Xuất bản thông tin

null Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Tân Hồng

Tiếp cận Thông tin Tuyên truyền

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Tân Hồng

          I. CÔNG TÁC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI

Công tác tuyên truyền, phổ biến, gíao dục pháp luật là hoạt động thường xuyên, liên tục của tất cả các cơ quan nhà nước. Trong đó, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính vì lẽ đó, công tác (PBGDPL) trên địa bàn huyện thời gian qua đã có nhiều cố gắng và thu được nhiều kết quả đáng kể, đáp ứng được yêu cầu của việc tăng cường quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN tại địa phương. Thông qua đó tạo nhận thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân được thông suốt, hình thức tuyên truyền có nhiều đổi mới, nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, cô động, dễ hiểu…Đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ đó đã thể hiện rõ trong cuộc sống sinh hoạt của người dân như hạn chế việc tảo hôn, các sự kiện hộ tịch phát sinh được đăng ký kịp thời; thanh niên thực hiện nghĩa vụ Quân sự hằng năm đạt 100%; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tình hình tệ nạn xã hội giảm đáng kể qua từng năm, đặc biệt là các vụ án hình sự, dân sự giảm một cách rfõ rệt...Điều này đã cho chúng ta thấy được rằng giữa công tác PBGDPL với việc tăng cường pháp chế XHCN thể hiện sự đan xen và có mối quan hệ mật thiết với nhau, nó không thể tách rời nhau.

    II. THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT (PBGDPL)

  1. Những kết quả đạt được

          Thời gian qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng kể, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm thường xuyên, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác này. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận được khẳng định và phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân chấp hành pháp luật. Các hoạt động giám sát, kiểm tra được tăng cường, qua đó, đã phát hiện những hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật và kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục.

Đối với Phòng Tư pháp là cơ quan thường trực tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL theo ngành, lĩnh vực phụ trách. Đặc biệt là trong năm 2020, tham mưu xây dựng nhiều kế hoạch, công văn liên quan đến công tác tuyên truyền, PBGDPL để các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn cụ thể hoá phù hợp với từng nhiệm vụ của đơn vị và tiến hành phổ biến, giáo dục pháp luật được 2.604 cuộc, có 61.042 lượt người tham dự, cấp phát 41.742 tờm bướm pháp luật…

Về hình thức: công tác PBGDPL luật ngày càng đa dạng, được chọn lọc thông qua việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng và đặc điểm cụ thể của địa phương, thông qua hội nghị, hội thảo, sinh hoạt Ngày pháp luật; hòa giải cơ sở, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cấp phát tờ bướm pháp luật, tài liệu miễn phí; thông qua phương tiện thông tin đại chúng, qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trợ giúp pháp lý…cụ thể:

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang: Tuyên truyền thông qua các hội nghị triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành. Sau khi tiếp thu tại Hội nghị về triển khai trong lại cho cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ của đơn vị mình.

- Đối với các trường Trung học phổ thông, THCS: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho lực lượng giáo viên thông qua hội nghị triển khai tại các cuộc họp, tủ sách pháp luật, tờ bướm, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Riêng đối với học sinh, tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật, phát tờ bướm, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; chương trình giảng dạy chính khóa về giáo dục công dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác.

- Đối với Nhân dân: Lấy các chi, tổ, hội, đoàn thanh niên, tổ hợp tác, hợp tác xã, cụm tuyến dân cư (các quán cafe), tổ nhân dân tự quản…làm đơn vị để tuyên truyền pháp luật; thông qua tổ chức sinh hoạt các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý các xã, thị trấn; lồng ghép với các buổi họp lệ, các cuộc hội thảo chuyên đề; các cuộc hòa giải cơ sở, trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ bướm, tủ sách pháp luật...

Về nội dung: tập trung giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống dân sự, hình sự, kinh tế, kinh doanh, việc làm của các tổ chức, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân.

Về nhận thức: qua công tác tuyên truyền, PBGDPL đa số người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện hiểu được vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc PBGDPL, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân từng bước được nâng lên. Bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được củng cố, kiện toàn...Những kết quả này đã góp phần ngăn chặn và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tiết kiệm thời gian và chi phí của các cơ quan nhà nước và công dân; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật của các cấp chính quyền trên địa bàn huyện.

2. Hạn chế, khó khăn.

Với kết quả đạt được như đã nêu, công tác tuyên truyền, PBGDPL thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như:

- Công tác PBGDPL vẫn chưa ngang tầm với việc quản lý xã hội bằng pháp luật, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ và rộng khắp, còn thiếu cơ chế, kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác này.

- Chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL đôi lúc đạt chưa cao, nhất là cơ sở; thời lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trên trạm truyền thanh còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa chủ động thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền viên pháp luật của xã chưa phát huy hết năng lực của mình đối với công tác tuyên truyền, PBGDPL ở địa phương.

- Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là cấp xã.

        - Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật hầu hết là kiêm nhiệm nên đôi lúc việc nghiên cứu, biên soạn tài liệu tuyên truyền cũng như việc tham gia các buổi, đợt triển khai công tác PBGDPL ở địa phương còn hạn chế, thiếu đồng bộ dẫn đến hiệu quả chưa cao.         

        - Một số lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện cũng như cấp xã chưa vận động và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập qua các đợt triển khai hội nghị PBGDPL tại huyện và các đợt tuyên truyền pháp luật tại địa phương.     

       - Các cơ quan, đơn vị chưa thực sự phối hợp chặt chẽ trong công tác PBGDPL và coi đây là một nhiệm vụ độc lập của ngành Tư pháp.        

        - Một số thành viên của Hội đồng PHPBGDPL huyện chưa có kế hoạch giám sát việc thực hiện công tác này theo Quy chế của Hội đồng đề ra.        

- Kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác PBGDPL ở một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đầu tư. Nguồn lực cán bộ làm công tác PBGDPL còn mỏng, thiếu về số lượng, năng lực không đồng đều, công tác mời người dân tham dự buổi tuyên truyền rất khó do chế độ cho người tham dự thấp nên chưa thú hút được người dân đến dự đông đủ.

3. Giải pháp: Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện thời gian tới, cần phải triển khai, tổ chức thực hiện những giải pháp sau:            

        - Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

- Đổi mới công tác PBGDPL theo hướng mở rộng quy mô, phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan; sử dụng nhiều hình thức phổ biến sinh động, phong phú, thiết thực như thông qua hình thức tuyên truyền miệng, các hội thi, cuộc thi, các buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật, thông qua xét xử án lưu động, hoà giải cơ sở, sinh hoạt dưới cờ đối với các Trường THCS, THPT...              

        - Thường xuyên kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL từ huyện đến cơ sở, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật, phân công thành viên Hội đồng phụ trách xã để theo dõi hoạt động đối với công tác này.

- Tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng chuyên trang, chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật”; chuyên mục đồng hành cùng nhân dân trên sóng phát thanh, Trang thông tin điện tử của huyện…để phục vụ cho nhân dân tìm hiểu pháp luật được thường xuyên, liên tục và rộng khắp. 

- Tham mưu thực hiện tốt việc PBGDPL theo Đề án tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2017-2021; tham mưu tổng kết việc thực hiện Đề án này theo quy định.

- Kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và hoà giải ở cơ sở, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân ngày một nâng cao hơn nữa.

Tóm lại: Trong điều kiện xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì một trong những điều kiện quan trọng là làm sao để người dân cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tham gia tích cực vào hoạt động quản lý xã hội bằng pháp luật. Phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự lớn mạnh của tính tích cực, đảm bảo hành trang kiến thức pháp lý cần thiết cho sự tham gia vào hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc, các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân; tăng cường đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương./.

Trần Văn Sĩ