Xuất bản thông tin

null Tháp Mười tăng cường giám sát diệt lăng quăng Phòng bệnh Sốt xuất huyết

Chi tiết bài viết Tin tức

Tháp Mười tăng cường giám sát diệt lăng quăng Phòng bệnh Sốt xuất huyết

Trước tình hình bệnh Sốt xuất huyết (SXH) ngày càng diễn biến phức tạp, các địa phương trong huyện Tháp Mười tiếp tục tổ chức ra quân thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, tăng cường giám sát diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết.

Trong đợt ra quân chiến dịch, các ban ngành, tổ chức chính trị- xã hội, các cộng tác viên trạm y tế ở các xã, thị trấn đã chia làm nhiều nhóm đến từng hộ gia đình kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH, đặc biệt là chú ý đến các dụng cụ chứa nước, các vật phế thải xung quanh nhà như gáo dừa, vỏ xe, chai lọ có chứa nước. Bởi hiện nay đang vào mùa mưa, nếu để nước ứ dọng ở các vật dùng này sẽ là nơi cho muỗi đẻ trứng, sinh ra rất nhiều lăng quăng, phát triển thành muỗi, đốt người gây bệnh SXH. Ông Nguyễn Văn Chiến, cộng tác viên y tế  xã Phú Điền cho biết:    

“Trước nhất là mình đi đến nhà dân kiểm tra, hộ nào có lăng quăng kêu người ta xúc bỏ hoặc bỏ muối vào lu chứa nước, thu gom các vỏ dừa quanh vườn, vận động dân phát quang bụi rậm để phòng ngừa SXH. Người dân đa số người ta hợp tác với mình, đợt 1 ra quân lăng quăng có nhiều, đợt 2 này giảm dữ lắm. Cộng tác viên y tế, cán bộ ấp tuyên truyền tích cực, đến từng ngõ, gõ từng nhà, không để thiếu xót nhà nào, mình cũng vận động bà con nên thận trọng, kỹ càng, nhất là mấy hộ có trẻ em, dọn dẹp nhà cửa cho thông thoáng, sào đồ nên xịt thuốc diệt muỗi để bảo vệ gia đình, chứ bệnh SXH này nó rất nguy hiểm vì nó chiến tranh thầm lặng mà”

Ngoài ra, cộng tác viên y tế phối hợp cùng các tổ chức chính trị- xã hội ở địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông về phòng bệnh SXH như phát tờ rơi tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên của mình chủ động thực hiện công tác diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng bệnh SXH tại hộ gia đình, tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát công tác diệt lăng quăng tại hộ gia đình, sau mỗi đợt chiến dịch, kịp thời nhắc nhở người dân chưa có ý thức cao trong phòng bệnh SXH. Ông Trần Văn Vân, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Phú Điền cho biết:

“Sự vận động của cả ngành y tế, của Trạm y tế xã, Ủy ban nhân dân xã, của các đoàn thể trong đó có Cựu chiến binh, bà con cũng ý thức cao, tự động dọn dẹp, gia đình làm cỏ xung quanh, dọn các ao tù nước đọng, tự cá nhân của mỗi người dọn dẹp theo hướng dẫn của ngành y tế, đổ các cái vại nước không cần thiết, dọn dẹp xung quanh, ngủ cũng phải mắc màn, cho nên từ hôm đầu vụ tới nay ấp Mỹ Tân nói riêng và đường Kênh 5 chưa có trường hợp nào bị sốt xuất huyết xảy ra”

Qua công tác tuyên truyền và vãng gia tại hộ gia đình, lực lượng cộng tác viên và các tổ chức chính trị - xã hội ở các xã, thị trấn đã giúp người dân hiểu hơn về loại bệnh nguy hiểm này từ đó tự giác đổ bỏ các dụng cụ chức nước có chứa lăng quăng và chủ động thực hiện công tác vệ sinh môi trường phòng bệnh SXH. Chị Võ Thị Luyến, người dân Ấp Mỹ Phú B, xã Mỹ An nói:

“Vỏ dừa đọng nước mình úp xuống, lu thì mình thả cá, còn nếu không xài thì úp xuống, vỏ dừa mình bữa nhỏ ra cho đừng đọng nước đặng cho nó đừng có lăng quăng, đừng có muỗi, cỏ xung quanh nhà thì mình làm sạch, quét dọn sạch hết. Bệnh sốt xuất huyết này không thể chủ quan được, bệnh nhẹ thì mình cũng hại sức khỏe, làm cho khó khăn gia đình, còn bệnh nặng thì dẫn tới tử vong luôn, mình phải đề phòng để bảo vệ cho gia đình mình và cộng đồng”

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hộ chủ quan trong phòng bệnh SXH, gia đình có rất nhiều lu chứa nước mưa hoặc những gáo dừa còn có lăng quăng. Đối với những hộ này, các cộng tác viên y tế và các tổ chức chính trị- xã hội đã tận tình hướng dẫn cách diệt lăng quăng, diệt muỗi tại hộ gia đình, đồng thời trực tiếp đổ bỏ các vật dụng có chứa lăng quăng.

Theo nhận định của ngành y tế, hiện nay bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đến ngày 07/7/2022 huyện Tháp Mười đã xảy ra 256 ca mắc bệnh SXH, tăng 216 ca so với cùng kỳ năm 2021. Trước tình hình bệnh SXH có xu hướng gia tăng, Ngành y tế huyện phối hợp các địa phương đã tập trung chỉ đạo Trạm y tế phối hợp các tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác Phòng chống dịch bệnh SXH. BS CK1- Bùi Văn Mao, Phó Giám đốc  TTYT huyện Tháp Mười cho biết thêm:

“Hiện nay bệnh sốt xuất huyết ở tỉnh Đồng Tháp đang tăng rất cao, cụ thể số ca toàn tỉnh là đến tuần 26 là 3.537 ca, tăng 417%. Tại huyện Tháp Mười tính đến ngày 7/7/2022 ghi nhận 256 ca, tăng 216 ca so với cùng kỳ. Trung tâm Y tế có giám sát chặt chẽ các tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn và xử lý ổ dịch nhỏ theo quy định, đồng thời đã ra quân chiến dịch diệt lăng quăng, đến nay đang ra quân đợt 4, phối hợp với Đài Truyền thanh huyện tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết phát thanh hàng tuần”

Cũng theo ngành y tế, hiện nay bệnh SXH vẫn chưa có Vắcxin phòng bệnh do vậy, ngoài các biện pháp của ngành chuyên môn rất cần sự chung tay của mỗi hộ gia đình trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH tại gia đình, thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh nhà để muỗi không có nơi đẻ trứng và trú ẩn, góp phần chung tay cùng cộng đồng thực hiện phòng chống bệnh SXH đạt hiệu quả. BS CK1- Bùi Văn Mao, Phó Giám đốc TTYT huyện Tháp Mười cho biết về các giải pháp phòng bệnh SXH của huyện trong thời gian tới:

Trong thời gian tới tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức như qua thông phương tiện thông tin đại chúng hoặc tư vấn trực tiếp qua vãng gia hộ gia đình, qua các cuộc hội họp của ban ngành, đoàn thể để người dân hiểu, tự giác thực hiện diệt lăng quăng, tiếp tục giám sát và phát hiện sớm để chúng ta khoanh vùng, xử lý kịp thời các ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết trên địa bàn. Tham mưu UBND  huyện chỉ đạo các ban ngành, địa phương, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng làm sao cho có hiệu quả, tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế ở cơ sở và tập huấn cho cộng tác viên. Công tác phòng chống sốt xuất huyết là trách nhiệm của cả cộng đồng, vì vậy các cấp Chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các hộ gia đình và cá nhân thì phải tích cực cùng nhau tham gia vào các hoạt động diệt lăng quăng mới nâng cao được hiệu quả của công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn”.

BT: Nguyễn Thu - Hình: Hoàng Kha