Xuất bản thông tin

null Nông dân khởi nghiệp từ cây lục bình

Chi tiết bài viết Tin tức

Nông dân khởi nghiệp từ cây lục bình

Hiện nay, phong trào khởi nghiệp ở huyện Tháp Mười được địa phương quan tâm, có nhiều mô hình khởi nghiệp từ các sản phẩm của địa phương đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Cũng tham gia khởi nghiệp, nông dân Lê Văn Khoa ở xã Mỹ An đã chọn sản phẩm khởi nghiệp tương đối mới. Đó là sản xuất phân từ cây lục bình.

Đã từng học ngành nông nghiệp và làm cho các Công ty về lĩnh vực nông nghiệp, thời gian dịch bệnh, trở về nhà, anh Lê Văn Khoa nhận thấy, lục bình có đầy rẫy trên các tuyến kênh rạch ở huyện Tháp Mười, làm hạn chế dòng chảy, hạn chế sự di chuyển của các phương tiện, ô nhiễm môi trường, nhiều địa phương trong huyện đã phải tốn chi phí để xử lý. Với suy nghĩ, muốn làm gì đó cho quê hương, anh Khoa quyết định ở lại lập nghiệp và khởi nghiệp với cây lục bình.

Nghĩ là làm, sau khi hết dịch bệnh, anh đã bắt tay vào làm, vừa học hỏi trên các phương tiện truyền thông, kết hợp với kiến thức đã từng học, anh vừa nghiên cứu, thử nghiệm. Để có được thành phẩm phân từ lục bình bón cho ruộng, vườn, thì lục bình phải được qua thời gian ủ từ 07 – 15 ngày, đồng thời bổ sung thêm các chất có lợi cho cây trồng, sau giai đoạn ủ, lục bình sẽ được ép thành viên và đóng gói, đưa đến nông dân. Anh Khoa chia sẽ, lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn nhưng anh vẫn kiên trì, vì anh biết, trong rễ cây lục bình có nhiều dưỡng chất cho cây trồng, sản xuất phân bón bằng cây lục bình sẽ đem lại nguồn phân hữu cơ có giá thành ổn định cho nông dân, anh Khoa chia sẽ, về nguyên liệu mình khỏi phải đi tìm, trong bộ rễ lục bình có hệ vi sinh rất tốt cho cây trồng, sản xuất phân hữu cơ sẽ tiết kiệm chi phí cho nhà nông, giảm được lượng phân bón hóa học, góp phần bảo vệ môi trường. Mình suy nghĩ để làm sao góp phần đưa sản phẩm của mình đi xa hơn, rộng hơn, để tiếp cận tới tay nông dân nhiều hơn. Đầu tiên mình làm thử nghiệm mình trước, hướng đến sẽ làm gạo sạch, lúa hữu cơ, mình xay ra gạo để bán ra thị trường.

Theo ngành chuyên môn, phân bón từ lục bình không những tốt cho cây trồng, giúp nâng độ phì nhiêu cho đất, tăng hàm lượng keo đất, giúp đất tơi xốp màu mỡ, mà còn dễ sản xuất. Sử dụng loại phân này bón cho cây trồng giúp giảm 30% lượng phân hóa học, tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Tuy nhiên, để phân được sản xuất từ lục bình mang lại hiệu quả, Ông Trần Đình Đăng Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Tháp Mười cũng khuyến cáo, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo quy trình kỹ thuật, nếu sản phẩm ủ không đúng kỹ thuật thì phân không được oai mục thì khi đưa vào bón cho cây trồng thì bị ảnh hưởng, khi ủ phân chuồng, cũng như các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp cần phối hợp với các chế phẩm sinh học để đa dạng vi sinh vật trong đất, cũng như sẽ cung cấp thêm một số vi sinh vật đối kháng để chống lại những vi sinh vật có hại cho cây trồng.

Sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ lục bình giúp hạn chế được việc ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị của một loại cây phụ phẩm. Bên cạnh đó, hạn chế tồn dư lượng phân bón hóa học trong đất và lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu liên kết và xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay. Từ loài cây hoang dã, trôi dạt trên sông, tưởng chừng “vô dụng” nhưng cây lục bình đã giúp cho anh Lê Văn Khoa thành công trên con đường khởi nghiệp của mình.

Bt: Thúy Ly, Hình: Hoàng Kha