Xuất bản thông tin

null Tháp Mười - Thực hiện nhiều giải pháp tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Chi tiết bài viết Tin tức

Tháp Mười - Thực hiện nhiều giải pháp tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Với quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử, từng bước nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, UBND Tháp Mười thực hiện nhiều giải pháp từ huyện đến cơ sở.

Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính (CCHC), để thực hiện, các cơ quan, đơn vị và xã, thị trấn sẽ thực hiện 08 nhiệm vụ, chủ yếu là thông tin tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, đổi mới, nâng cao hoạt động của bộ phận một cửa; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và công tác chỉ đạo, điều hành CCHC. Các cơ quan, đơn vị và xã, thị trấn căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị thực hiện. Ngoài ra, còn ban hành kế hoạch nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 và tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích và phát động thi đua chuyên đề nâng cao cải cách hành chính và đơn vị có giải pháp, sáng kiến trong công tác cải cách hành chính. Chị Phạm Thị Hồng Loan, Công chức Thống kê xã Hưng Thạnh cho biết, UBND xã cũng xây dựng kế hoạch riêng của xã, triển khai đến từng Cán bộ, Đảng viên. Thời gian trước khi người dân đến thực hiện cũng thủ tục hành chính (TTHC), là người trực tiếp tiếp nhận và trả kết quả, Chị cũng tuyên truyền vận động người dân sử dụng DVCTT, tuy nhiên, đa số những người trẻ tuổi sử dụng, còn người lớn tuổi gặp rất nhiều khó khăn nên tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT còn hạn chế. Từ khi UBND huyện có kế hoạch CCHC và kế hoạch nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, Chị và các cán bộ trong xã cũng thay đổi cách nghĩ, cách làm. Bên cạnh hướng dẫn người trẻ tuổi tự thực hiện, đối với người lớn tuổi thì cần kiên nhẫn hơn, cầm tay chỉ việc, phải tìm giải pháp, cố gắng hướng dẫn bằng mọi cách.

Bên cạnh sự tuyên truyền từ các ngành huyện, các xã cũng chủ động tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên hệ thống loa phát thanh, zalo nhóm, thông qua các cuộc họp của các hội đoàn thể. Nhiều địa phương đã thành lập tổ hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT khi đến bộ phận một cửa để thực hiện thủ tục hành chính. Đa phần người dân đến bộ phận một cửa là người lớn tuổi, vì vậy, gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận cũng như hướng dẫn thực hiện DVCTT. Vì vậy, Xã đoàn Mỹ Hòa đã thành lập tổ hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT, các bạn đoàn viên thanh niên sẽ thay phiên nhau trực ở bộ phận một cửa xã để tuyên truyền về lợi ích khi sử dụng DVCTT và hướng dẫn người dân.

Thực hiện hồ sơ trực tuyến giúp người dân giảm chi phí, thời gian đi lại, có thể cập nhật được tình trạng hồ sơ của mình đang được thực hiện, nhất là đối với các xã ở xa trung tâm huyện. Ngoài ra, từ các phong trào thi đua, việc thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nên thái độ của cán bộ bộ phận tiếp công dân đã có nhiều thay đổi rõ nét. Trao đổi với chúng tôi khi đến nhận kết quả đăng ký hộ tịch, bà Bùi Ngọc Sáng, Ấp 2A xã Hưng Thạnh, chia sẻ, khi đến bộ phận một cửa UBND xã nộp hồ sơ, Bà được động viên sử dụng DVCTT, lúc đầu Bà cũng ngại vì không biết cần phải làm những gì và sợ khó thực hiện nhưng khi được hướng dẫn, Bà đã nộp hồ sơ trực tuyến, được hẹn thời gian, đến ngày hẹn Bà đến nhận kết quả, Bà cũng rất hài lòng đối vối thái độ làm việc của cán bộ nơi đây.

Theo thống kê, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến cuối năm 2021 là 45,7%, 09 tháng đầu năm 2022 đã tăng lên 51,55%. Đây là một tín hiệu phấn khởi để huyện Tháp Mười tiếp tục triển khai nhiều mô hình, giải pháp tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Bt: Thúy Ly + Hình: Hoàng Kha