Xuất bản thông tin

null Tín hiệu mừng cho cây sen Tháp Mười

Chi tiết bài viết Tin tức

Tín hiệu mừng cho cây sen Tháp Mười

Điệp khúc được mùa, mất giá là nổi lo của người nông dân. Tuy nhiên, năm nay, những hộ dân của tổ hợp tác sen (THT) Sen Hưng Thạnh không còn nổi lo này nữa mà đã có thu nhập ổn định nhờ chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen và ký liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.  

Có dịp đến cánh đồng sen của THT sen Hưng Thạnh và trao đổi với thành viên THT mới thấy được niềm vui của nông dân nơi đây, niềm vui thứ nhất là trồng sen lợi nhuận khá hơn so với trồng lúa trước đây, niềm vui thứ 2 là diện tích sen trong THT đã được ký liên kết với Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt với giá 25.000đ/ký, ngoài ra, cũng đã có doanh nghiệp đến thu mua lá sen. Như vậy, theo tính toán, 01ha trồng sen, nông dân thu lợi nhuận trên 40 triệu đồng, cao gấp đôi so với trồng lúa. Ông Huỳnh Văn Dũng, tổ trưởng THT Sen Hưng Thạnh khoe với chúng tôi là THT sen đã ký được hợp đồng với công ty giao gương sen, tổng diện tích 43ha, điều mà từ trước tới giờ nông dân luôn mong muốn. Năm 2023 có 01 công ty đến thu mua lá sen và cũng đang có ý định ký hợp đồng thu mua với số lượng lớn lá sen, nếu được như vậy thì thành viên THT sẽ có thêm nguồn thu nhập.

Tháp Mười có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm từ sen như Cơ sở sữa sen Diễm Thúy 2, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Khánh Thu; Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt. Hàng năm, vào mùa nghịch, năng suất sen giảm hay những ngày cận tết, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc sản xuất. Tuy nhiên, năm nay, nhờ đã ký liên kết với các hộ trồng sen trong THT Sen Hưng Thạnh nên các doanh nghiệp luôn có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất phục vụ nhu cầu dịp tết Nguyên đán. Ngoài ra, nhờ có vùng sen nguyên liệu, tạo được lòng tin với các đơn vị đối tác nên đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng tăng lên. Ông Nguyễn Minh Thiện – Giám đốc nhà máy Công ty Cổ phần Thực phẩm sen Đại Việt cho biết, doanh nghiệp đã tăng nguyên liệu mỗi ngày để làm ra các sản phẩm OCOP. Hiện tại, các sản phẩm từ sen đã lan tỏa ra khắp cả nước, đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp cũng tăng, đã có đơn hàng đầu tiên xuất đi nước ngoài Singapore, Hà Lan và Hàn Quốc vào tháng 07, đó là hiệu ứng tốt.

Từ những tín hiệu khởi sắc này, để hiện đạt kế hoạch phát triển ngành hàng sen của huyện và tỉnh, ngoài diện tích gần 400ha hiện có, Tháp Mười xây dựng kế hoạch phấn đấu có 1.000ha trồng sen vào năm 2025, quy hoạch vùng trồng sen tại các xã: Tân Kiều, Mỹ Hòa, Trường Xuân, Hưng Thạnh và Thạnh Lợi; đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và liên kết tiêu thụ, vận động nông dân sản xuất xen canh lúa – sen kết hợp du lịch; truy xuất nguồn gốc vùng trồng và phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống thu gom, chế biến và bảo quản sen tại vùng nguyên liệu. Với mục tiêu cụ thể là đăng ký ít nhất 03 mã vùng trồng sen; có 20% diện tích xuống giống ký liên kết với công ty, doanh nghiệp; có ít nhất 20 sản phẩm sơ chế, chế biến từ sen đạt 3 sao, trong đó, có ít nhất 02 sản phẩm đạt 4 sao và 01 sản phẩm đạt 5 sao. Bà Trần Thị Quý, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, huyện tập trung cung cấp các vùng nguyên liệu cho công ty, hướng dẫn người dân sản xuất sạch an toàn, trong đó phải quan tâm đến mã vùng trồng, sản xuất sạch theo hướng hữu cơ, VietGAP; phải làm thế nào khai thác giá trị cây sen từ các sản phẩm OCOP, ngoài tăng số lượng, hỗ trợ cho người dân tăng hạng, tăng sao sản phẩm hiện có, đồng thời cố gắng phát huy du lịch với cây sen để góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Hiện tại, các ngành chuyên môn của huyện đang liên kết với các đơn vị và nông dân xây dựng mô hình trồng sen để hướng dẫn tập huấn kỹ thuật cho nông dân và tìm nguồn cung cấp cây giống chất lượng để liên kết cung cấp cho nông dân. Bên cạnh đó sẽ khảo nghiệm, phục tráng giống sen bản địa để nâng cao giá trị sản phẩm du lịch.

Bt: Thúy Ly