Xuất bản thông tin

null “Làm gì để hình thành được đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp?”

Chi tiết bài viết CHUONG TRINH - DE AN

“Làm gì để hình thành được đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp?”

Đó là chủ đề của Hội thảo vừa diễn ra vào chiều ngày 23/9/2022 tại thành phố Cần Thơ, do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (KTSG) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo tại Cần Thơ. Ảnh Huỳnh Kim

Trên tạp chí KTSG số ra ngày 14-7-2022, bài viết “Làm nông hiện đại thì nông dân phải có tri thức” của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát trển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan đã đặt ra một vấn đề có tính chất căn bản cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam. Đây cũng là vấn đề được nêu ra trong Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Đó cũng là lý do Hội thảo “Làm gì để hình thành được đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp?” được tổ chức nhằm xác định rõ các loại “tri thức” mà người nông dân cần có trong bối cảnh thị trường hiện nay; tìm kiếm nguồn thông tin, tri thức đó ở đâu - cơ chế và chính sách nào để có thể tìm kiếm được nguồn thông tin, tri thức đó; và cơ chế, chính sách nào để có thể phổ cập các kiến thức, tri thức đó đến với người nông dân.

Tham gia hội thảo có nhiều chuyên gia thuộc Bộ NN-PTNT, Trường ĐHCT, doanh nhân ngành nông nghiệp có kinh nghiệm và đã thành công, cùng đại diện các Sở NN-PTNT, Hợp tác xã và Hội quán ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tham dự hội thảo, các đại biểu đã được các diễn giả cùng các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cung cấp, chia sẻ nhiều thông tin, kiến thức và giải pháp để giúp hình thành đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp, cũng như giúp nông dân trở nên chuyên nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ nông dân cần có môi trường, không gian để hấp thụ tri thức vì không có tri thức sẽ không chuyên nghiệp. Trong hàng chục triệu nông dân hiện nay, tỷ lệ được thông qua đào tạo còn rất nhỏ. Nhiều nông dân còn sản xuất theo thói quen, kinh nghiệm và theo cách thức sản xuất được truyền từ các thế hệ cha ông đi trước và láng giềng tại địa phương. Do vậy, sắp tới cần quan tâm tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn cho nông dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đào tạo chính quy cho các đối tượng có nhu cầu, cần lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động đào tạo nghề nông thôn, các hội thảo đầu bờ, chương trình tập huấn kỹ thuật, các buổi sinh hoạt chuyên đề trong các không gian học tập cộng đồng... để chuyên nghiệp hóa cho nông dân. Ðể trở nên chuyên nghiệp, nông dân không chỉ cần có kiến thức nền tảng về sản xuất, về áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới... mà cần có kiến thức về kinh tế, kinh doanh, về liên kết hợp tác và kỹ năng kinh doanh nông sản thông qua sự hiểu biết về thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng...

Sau đây là ý kiến chia sẻ cụ thể của một số đại biểu tại Hội thảo:

GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành nông nghiệp, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Vũ

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành nông nghiệp, để nông dân chuyên nghiệp cần huấn luyện tại chỗ, tức khi doanh nghiệp có đầu ra nông sản thì có thể trình bày với địa phương để được hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, thiết lập hợp tác xã. “Khi đó, xã viên của hợp tác xã sẽ được huấn luyện làm theo đúng quy trình của doanh nghiệp để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường”, chỉ cần 1-2 tuần huấn luyện, nông dân hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: Lê Vũ

Chia sẻ cùng Hội thảo Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết, đối với Thái Lan, tính chuyên nghiệp của người nông dân được thể hiện ở chỗ phải đảm bảo sản xuất hàng hoá đạt chất lượng. Muốn vậy, nông dân Thái Lan phải biết quy trình sản xuất và tuân thủ tiêu chuẩn (đó là yêu cầu duy nhất của chính quyền Thái Lan đối với nông dân).

Để nông dân Việt Nam chuyên nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng cần phải xây dựng một hệ sinh thái để hỗ trợ người nông dân, trong đó có cấp quản lý, viện trường, lực lượng cán bộ nông nghiệp và doanh nghiệp hỗ trợ nông dân.

TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý nông nghiệp – phát triển nông thôn 2. Ảnh: Lê Vũ

Theo TS Trần Minh Hải, Phó hHệu trưởng Trường cán bộ quản lý nông nghiệp – phát triển nông thôn 2 cho rằng, muốn có nông dân chuyên nghiệp thì cấp uỷ, chính quyền phải năng động; có nhiều hoạt động hỗ trợ để giúp tri thức hoá nông dân, giúp nông dân chuyên nghiệp; hỗ trợ nông dân trong phạm vi, khả năng và quyền hạn thuộc cấp mình quản lý.

PGS-TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn thuộc Trường Đại học Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Vũ

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn (Đại học Cần Thơ), gợi ý cần có chính sách ưu tiên cung cấp học bổng cho đào tạo các ngành nông nghiệp then chốt tại các cơ sở đào tạo trọng điểm và khu vực; hướng nghiệp, giáo dục nông nghiệp cho học sinh phổ thông để thu hút giới trẻ yêu thích nghề nông; cần có chiến lược và định hướng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn…

Nguyễn Hưng