Xuất bản thông tin

null Nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực

SO TAY HUONG DAN TIN HOAT DONG

Nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực

'Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải xoay quanh người nông dân...'.

“Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho họ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ. 

Ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo Bộ NN-PTNT về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành với vai trò bệ đỡ của nền kinh tế.

Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Nghĩ phải thật, nói phải thật, làm phải thật, hiệu quả thật, người nông dân được hưởng thụ thật”.

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn lắng nghe Bộ NN-PTNT báo cáo kết quả nhiệm kỳ qua và 4 tháng đầu năm nay, “cái gì đạt thành quả ấn tượng nhất, cảm xúc nhất đối với các đồng chí, cái gì các đồng chí còn trăn trở, băn khoăn, lo lắng nhất, nguyên nhân là gì, nhất là nguyên nhân chủ quan”.

Qua tổ chức hoạt động, Bộ NN-PTNT rút ra bài học kinh nghiệm gì để “trong nhiệm kỳ này, trong năm nay, chúng ta chuyển từ trạng thái bị động, đối phó sang tích cực chủ động tấn công”.

Thủ tướng đề nghị thảo luận về trọng tâm đột phá trong năm nay và trong nhiệm kỳ này là gì. “Mình không tham bởi việc nhiều, thời gian ngắn, yêu cầu cao, năng lực có hạn, nguồn lực không nhiều, vậy thì phải chọn việc gì, làm gì”.

Cho rằng muốn làm cái mới thì phải tổng kết cái cũ, Thủ tướng đề nghị nêu những việc tồn đọng cần giải quyết dứt điểm, những việc đã chỉ đạo thì thực hiện đến đâu?

“5 năm qua, Bộ đã hoàn thành khối lượng lớn các công việc”, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết. Bộ đã trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc trực tiếp ban hành 272 văn bản quy phạm pháp luật. Xây dựng mới, hoàn thiện đồng bộ 7 chiến lược phát triển toàn ngành, các tiểu ngành, lĩnh vực.

Đến hết năm 2020 và cả 5 năm 2016 - 2020, có 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật như tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 5 năm đạt 2,62%/năm, năm 2020 tăng 2,68%; tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm hơn 190 tỷ USD, năm 2020 đạt 41,53 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%, cao hơn so với mức 40,7% của năm 2015. Hết năm 2020 có hơn 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt xa mục tiêu (có 50%). Thu nhập cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người, tăng 1,92 lần năm 2015.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, quá trình phát triển vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng thiếu ổn định; những yêu kém nội tại của ngành, mặc dù đã được khắc phục nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Ngành NN-PTNT cần giải quyết các nút thắt, vướng mắc trên một số lĩnh vực, như cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tại Bộ và ngành NN-PTNT ở địa phương; quy định pháp lý trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp; một số cơ chế, chính sách, quy định về nông nghiệp, nông thôn không còn phù hợp với thực tiễn, cần phải sửa đổi, bổ sung…

Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã là câu chuyện sống còn

Bày tỏ một trong những điểm trăn trở nhất, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra thách thức lâu nay, là điểm nghẽn, mà ông ví von là 3 “lời nguyền”, đó là sự manh mún, tự phát, nhỏ lẻ trong nền sản xuất nông nghiệp.

“Nếu không giải quyết được lời nguyền này thì sự phát triển của nông nghiệp sẽ luôn đụng trần, cả về năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh hàng hóa…”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; coi nông nghiệp là ngành kinh tế, mục tiêu cốt lõi là hiệu quả.

Do đó, việc phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã là câu chuyện sống còn, là nền tảng để vượt qua lời nguyền nêu trên.

Với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 2,5 đến 3%, kim ngạch xuất khẩu 48 đến 50 tỷ USD, thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, ngành xác định tạo những bước chuyển mạnh mẽ.

Đó là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp trong bối cảnh mới. Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; coi nông nghiệp là ngành kinh tế, mục tiêu cốt lõi là hiệu quả. Chuyển từ “chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang “chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”. Chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”. Chuyển từ “phát triển đơn ngành” sang “tích hợp đa ngành”, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị ”. Chuyển từ “hỗ trợ đầu vào” sang “vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra”.

Ngoài quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu, chú trọng phát triển thị trường nội địa với sức tiêu thụ của khoảng 100 triệu dân.

Chuyển từ mục tiêu “hỗ trợ kinh tế hộ” sang “hỗ trợ kinh tế tập thể”, tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp và các hình thức hợp tác khác; từng bước chuyên nghiệp hoá hoạt động của các chủ thể. Ngoài việc quan tâm thu hút doanh nghiệp lớn, cần có chính sách mạnh để “cân bằng, hỗ trợ doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, kinh tế hộ”.

Chia sẻ thêm về những mặt ấn tượng nhất, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói, trong bối cảnh dịch bệnh, chuỗi sản xuất lớn không bị đứt gãy. Trước ảnh hưởng của lũ chồng lũ, bão chồng bão, ngành nông nghiệp vẫn đạt các chỉ tiêu quan trọng, đặt biệt là giữ được tăng trưởng. Xuất khẩu mỗi năm tăng thêm gần 1 tỷ USD. Thứ trưởng Tiến lấy ví dụ, có thời điểm, chỉ trong 3 ngày, lương thực thực phẩm đủ dự trữ 300%, giải tỏa tâm lý cho người dân.

Phụ trách lĩnh vực thủy lợi, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, hiện hệ thống thủy lợi của Việt Nam được đánh giá là thuộc tốp đầu thế giới. Thời gian qua, đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp khá lớn, chỉ sau đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, ông bày tỏ trăn trở với cách làm hiện nay, gần như không có hình thức đầu tư PPP về hạ tầng nông nghiệp. Bộ muốn có cơ chế nào đó để triển khai PPP trong hạ tầng nông nghiệp, nhất là thủy lợi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhìn nhận, một trong những nguyên nhân giúp ngành NN-PTNT phát triển vượt bậc thời gian qua chính là nhờ thể chế, cơ chế, chính sách. Kinh tế hợp tác vẫn là cứu cánh, là nền tảng cho tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp. Bộ NN-PTNT cần quan tâm thúc đẩy các mô hình hợp tác xã điển hình…

Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thành tích của ngành NN-PTNT trong nhiệm kỳ qua và những tháng đầu năm 2021 góp phần quan trọng vào ổn định tình hình đất nước, đồng thời thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với thành quả như vậy, diện mạo, cảm quan, môi trường sinh thái, không gian sống của nông nghiệp, nông thôn, nông dân được cải thiện đáng kể. Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng nâng cao.

“Nghĩ phải thật, nói phải thật, làm phải thật, hiệu quả thật, người nông dân được hưởng thụ thật”, Thủ tướng nói.

Phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Về mối quan hệ giữa các trụ cột, Thủ tướng nói rõ thêm, nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực.

“Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của các đồng chí phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho họ”, Thủ tướng nêu rõ. Đây là điều quan trọng nhất.

Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, là chiến lược, là lâu dài, là quyết định;  nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Nguồn lực bên trong bao gồm tài nguyên con người, truyền thống lịch sử văn hóa, tài nguyên đất đai, nước, không khí.

“Yếu tố con người quyết định tất cả. Do đó, người nông dân đóng vai trò trung tâm là như thế”, Thủ tướng nói.

Nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, đó là khoa học quản lý, khoa học công nghệ, là nguồn vốn…

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, “có kế thừa nhưng phải có đổi mới, có ổn định nhưng phải có phát triển”. Không trông chờ ỷ lại, phải chủ động tiến công, linh hoạt, sáng tạo, từ đó, mới “biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể…”, như vậy mới phát triển được.

Đừng làm manh mún 

Thủ tướng nêu rõ tinh thần chỉ đạo là tăng cường phân cấp, phân quyền và đi đôi với kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh huy động nguồn lực bằng hình thức hợp tác công tư trên nguyên tắc cân bằng lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa 3 chủ thể: người dân, Nhà nước, doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ ra một số mô hình mà Bộ NN-PTNT nghiên cứu áp dụng như lãnh đạo, công quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư, sử dụng công. Đồng thời cũng gợi mở việc trích lập quỹ phát triển hạ tầng thủy sản, đây cũng là một mô hình hợp tác công tư, tập hợp nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Bộ NN-PTNT cần tập trung nguồn lực cho 3 đột phá chiến lược, “đừng làm manh mún”. Phải khai thác hiệu quả trên đất, nâng cao giá trị gia tăng, chứ không chỉ nghĩ đến trồng lúa, ngô, khoai, sắn. Cần sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp và tổ chức mô hình HTX nông nghiệp phù hợp với tình hình mới.

Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng cho rằng, cần phát triển mạnh mẽ, hợp lý hệ thống hợp tác xã gắn với tái cơ cấu ngành NN-PTNT, nhất trí cho rằng cần xây dựng một nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này.

Tán thành đề xuất của Bộ NN-PTNT về Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) quốc gia 2021 - 2025, Thủ tướng cho rằng, Chương trình góp phần thúc đẩy sản xuất quy mô lớn. Chương trình cần xác định 5 điểm quan trọng: xác định thương hiệu sản phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu; có doanh nghiệp để có đầu vào, đầu ra; phải có sự tham gia của ngân hàng; áp dụng khoa học công nghệ.

Cần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn. Phải đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Tổng kết các mô hình hay, cách làm mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Ngành cần coi trọng công tác thi đua, khen thưởng, bên cạnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương; cần tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm./.

Theo Báo Nông nghiệp.vn