Xuất bản thông tin

null Nâng cao giá trị kinh tế khi phụ phẩm trở thành chính phẩm

Chi tiết bài viết Tin tức - sự kiện

Nâng cao giá trị kinh tế khi phụ phẩm trở thành chính phẩm

ĐTO - Làm thế nào để khai thác hiệu quả giá trị của sản phẩm nông sản bản địa, nâng cao giá trị gia tăng nhiều hơn trong cùng một chuỗi sản xuất là chủ đề chính của buổi Hội thảo “Nâng cao giá trị phụ phẩm trong chuỗi nông sản” do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức vào ngày 21/12 tại TP. Cao Lãnh. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Cần Thơ và gần 80 đại biểu là các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, hợp tác xã, hội quán trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh buổi hội thảo

Tại hội thảo, các nhà khoa học đều cho rằng, tỉnh Đồng Tháp có nhiều ưu thế về vùng nguyên liệu nông sản lớn và chất lượng. Đây là nền tảng quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp chế biến sau thu hoạch. Ngoài các nông sản thế mạnh như: lúa gạo, cây ăn trái thì sản phẩm cá tra của Đồng Tháp cũng là một trong những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế rất cao và thế mạnh riêng của địa phương. Thời gian qua, tại Đồng Tháp ngành công nghiệp chế biến phát triển rất mạnh nhưng các nhà máy, DN chế biến chỉ dừng lại ở khâu chế biến thô, chưa có nhiều DN đầu tư chế biến tinh.

Ở ngành hàng lúa gạo, sản phẩm chính được khai thác nhiều nhất chỉ có hạt gạo trong khi đó các sản phẩm khác từ cây lúa như: rơm, trấu, cám gạo thì vẫn chưa được nhiều DN đầu tư chế biến sâu. Tương tự ngành hàng cá tra cũng có nhiều nét tương đồng, được mệnh danh là một trong những tỉnh thành có vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến cá tra lớn nhất cả nước, song phần lớn các sản phẩm cá tra chế biến xuất khẩu của Đồng Tháp chỉ dừng lại ở sản phẩm phi lê là chủ yếu. Một vài DN đã bắt đầu tiến tới chế biến sâu đối với cá tra, tuy nhiên các nhà khoa học cũng cho rằng, dư địa trong chuỗi sản xuất, chế biến ở các ngành hàng này còn rất lớn.

Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Võ Đình Lệ Tâm - Giảng viên Trường Đại Quốc gia TP.HCM thông tin: “Hiện tôi và một số cộng sự đã nghiên cứu thành công một công trình nghiên cứu về “tận dụng phế phẩm trong chế biến thủy sản tạo sản phẩm có giá trị gia tăng”. Theo kết quả nghiên cứu của TS.Võ Đình Lệ Tâm cho thấy, các phụ phẩm từ chế biến thủy sản lại là những sản phẩm có khả năng mang lại giá trị nhiều hơn cho con cá tra. Ví dụ xương cá tra có thể được chế biến thành sản phẩm xương bột cá, dùng trong chế biến thực phẩm. Ngoài ra, các phế phẩm trong sản xuất thủy sản còn có khả năng chế biến thành sản phẩm bột dịch thủy phân protein, với nhiều công dụng như: hoạt tính kháng oxy hóa, hoạt tính liên kết khoáng… Đây sẽ là một sản phẩm triển vọng có nhiều ứng dụng trong y học.

Tại buổi hội thảo, nhiều DN đã có những bước đi thành công trong việc “biến” phụ phẩm thành chính phẩm trong chuỗi giá trị nông nghiệp đều cho rằng, đã đến lúc thay đổi về khái niệm phụ phẩm hay chính phẩm. Bởi chỉ cần có công nghệ, có tư duy đột phá thì những sản phẩm bị xem là phế phẩm sẽ trở thành những sản phẩm giúp mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn. Các DN cũng đưa ra lời khuyên, để có được sản khác biệt có sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường, các DN khởi nghiệp cần đào sâu nghiên cứu, ứng dụng hàm lượng khoa học công nghệ nhiều hơn để tạo sự bứt phá.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa phát biểu, thông qua hội thảo lần này, UBND tỉnh mong muốn đánh thức sự sáng tạo, dấn thân của các DN nhiều hơn. Bởi hiện nay, dư địa trong ngành chế biến nông sản còn rất nhiều, nếu biết tận dụng nhiều hơn yếu tố công nghệ thì các sản phẩm hiện nay đang bị xem là phế phẩm sẽ trở thành những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều so với sản phẩm chính phẩm hiện tại. Đầu tư nhiều hơn cho chế biến tinh, không những góp phần nâng cao chuỗi giá trị mà còn DN giảm thiểu ô nhiều môi trường. UBND tỉnh Đồng Tháp xác định đây là mục tiêu mà Đồng Tháp sẽ tập trung phát triển mạnh trong thời gian tới. UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành liên quan cần vào cuộc mạnh mẽ và đồng hành cùng DN để kịp thời giúp đỡ vào tháo gỡ khó khăn cho DN.

Theo Mỹ Lý - Báo điển tử ĐT