Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp có thêm 02 di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh

Chi tiết bài viết Tin tức

Đồng Tháp có thêm 02 di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh

Ngày 20/3/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành các quyết định xếp hạng 02 di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh gồm: đình Hội An Đông thuộc xã Hội An Đông và đình Long Hưng A thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

1. Đình Hội An Đông

Đình Hội An Đông được xây dựng dưới triều Nguyễn, cho đến nay đình vẫn còn lưu giữ sắc phong Thành hoàng Bổn cảnh thời vua Tự Đức năm 1853. Đình ra đời là nhu cầu tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Kiến trúc đình theo lối kiến trúc đình làng Nam Bộ xưa, gian chánh điện theo kiểu “tứ trụ” gồm 4 cây cột chính nối với các kèo của hai gian bên. Điểm đặc biệt của ngôi đình đã tạo dấu ấn bởi các bao lam, hoành phi, liễn đối… với hình thức chạm lọng và chạm nổi, đạt đến trình độ tinh xảo với sự sống động trong từng chi tiết nhỏ.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1962, đình là nơi diễn ra nhiều cuộc hội họp, che chở cho cán bộ, chiến sĩ du kích tham gia đấu tranh ở địa phương. Dựa vào nơi trú ẩn kín đáo bên trong và xung quanh đình Hội An Đông, nhiều lần du kích về đây bám trụ, đứng chân hoạt động cách mạng. Năm 1968, tại đình đã xảy ra trận đụng độ giữa lực lượng du kích xã với địch làm cho 5 chiến sĩ hi sinh, thi thể được chôn cạnh đình.

Quang cảnh đình Hội An Đông

Đến nay, đình Hội An Đông vẫn duy trì đều đặn hai lệ cúng chánh hằng năm là lễ cúng Kỳ Yên Hạ điền vào ngày 18-19 tháng 6 âm lịch và lễ cúng Kỳ Yên Thượng điền vào ngày 17-18 tháng 12 âm lịch, thu hút đông đảo bà con nhân dân trong và ngoài địa phương đến tham dự.

2. Đình Long Hưng A

Đình Long Hưng A tọa lạc tại ấp Hưng Quới 1, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Đình được xây dựng và tồn tại nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công lao khai phá, tạo lập đình, phò trợ cho cuộc sống của nhân dân được an cư lạc nghiệp. Ngoài ra đình còn là nơi lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đình từng là cơ quan bí mật đầu tiên của phong trào Cách mạng xã Long Hưng năm 1945. Năm 1946, đình được dùng làm nơi làm việc của Nhà thương Sa Đéc để chữa bệnh cho nhân dân và du kích trong thời gian chờ xây dựng Trạm xá. Từ năm 1946 đến năm 1947, Ban Giáo dục xã Long Hưng mượn ngôi vỏ ca của đình Long Hưng A (đình Long Hưng cũ) để mở lớp Tiểu học kháng chiến đầu tiên của xã Long Hưng cho du kích.

Trong những năm 1952 – 1953, Ban Quân lương mượn đình Long Hưng A để chứa lương thực nuôi quân phục vụ cuộc kháng chiến. Năm 1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng xã Long Hưng được thành lập tại đình. Năm 1969, quân địch biết đình Long Hưng A là cơ sở hoạt động cách mạng quân Mĩ dùng máy bay B.52 Mỹ ném hai quả bom làm sập ngôi vỏ ca.

Quan cảnh mặt trước đình Long Hưng A

Phù điêu Hoa sen (đắp nỗi trên vách trong tường rào)

Hằng năm, đình Long Hưng A diễn ra hai lệ cúng: lễ cúng Kỳ Yên Hạ điền diễn ra ngày 10 - 11 tháng 3 âm lịch và lễ cúng Kỳ Yên Thượng điền diễn ra vào ngày 10 - 11 tháng 11 âm lịch, thu hút hàng nghìn người dân đến cúng bái và tham gia lễ hội.

Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 101 di tích được xếp hạng, trong đó có: 1 di tích Quốc gia đặc biệt, 17 di tích Quốc gia và 83 di tích cấp tỉnh.

Tin, ảnh: Kim Tuyến