Bài viết

null Vài suy nghĩ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Vài suy nghĩ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

                                                                       ThS.Nguyễn Bích Ngọc

                                                                    Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

 

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng ta chú trọng thực hiện quyết liệt, liên tục kể từ ngày mới thành lập cho đến nay. Đây là yếu tố quyết định đến năng lực, sức mạnh toàn diện của Đảng, góp phần mang lại mọi thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Những khó khăn, thách thức ngày càng lớn của thời đại đang đặt ra cho Đảng nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, tăng cường các giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những điểm mới ở Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã phản ánh rõ nét điều này.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã có sự tổng kết hết sức sâu sắc về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng ở Đại hội XII, phân tích, đánh giá những thành tựu to lớn về nhiệm vụ chính trị quan trọng này ở những năm qua, trong đó khẳng định Trung ương và cấp uỷ các cấp đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả to lớn đó, Đảng ta cũng đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ qua và hệ quả do những tồn tại này mang lại cho toàn xã hội, từ đó đề ra những nhiệm vụ có tính chiến lược ở Đại hội XIII. Những hạn chế, yếu kém được chỉ rõ ở nhiều lĩnh vực như: Công tác xây dựng Đảng về chính trị; công tác xây dựng Đảng về tư tưởng; công tác xây dựng Đảng về đạo đức; công tác xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; công tác dân vận và tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Song song với việc căn cứ vào những hạn chế, yếu kém đã rút ra, việc đề ra cương lĩnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Đại hội XIII còn xuất phát từ bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như: Sự đấu tranh gay gắt tiếp diễn giữa các hệ tư tưởng, sự phổ biến của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa dân túy, sự tranh giành ảnh hưởng địa chính trị giữa các nước lớn đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, sự mất ổn định ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhất là về vấn đề Biển Đông. Nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với các vấn đề an ninh phi truyền thống như: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng, dịch bệnh Covid-19 ... tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước và trên thế giới. Sự nghiệp đổi mới đất nước tiếp tục được đẩy mạnh, nền kinh tế xã hội liên tục phát triển tạo được lòng tin to lớn của người dân đối với Đảng, với chế độ. Tuy nhiên, sự chống phá của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động ngày càng nguy hiểm hơn; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ và tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... vẫn còn diễn biến phức tạp; đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề nền kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nhiều đến tốc độ phát triển của đất nước.

Nhưng, vượt lên tất cả những khó khăn, thử thách của thời đại, chính từ sự kiên định theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, căn cứ vào cơ sở thực tiễn và bằng trí tuệ, ý chí của toàn Đảng, ở Đại hội XIII Đảng ta đã sáng suốt bổ sung một số điểm mới vào nhiệm vụ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là sự khẳng định chắc chắn về quyết tâm xây dựng sức mạnh vô địch của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời đại mới. Những điểm mới so với Đại hội XII thể hiện ở những thành tố sau đây:

 Chủ đề Đại hội XIII đã phát triển nhiệm vụ "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh" của Đại hội XII lên thành "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". Như vậy, việc bổ sung "xây dựng hệ thống chính trị" cùng với nhiệm vụ xây dựng và cả chỉnh đốn Đảng là sự phát triển tất yếu của yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng. Chúng ta biết rằng, Đảng là một bộ phận trong hệ thống chính trị và đồng thời cũng là bộ phận lãnh đạo hệ thống chính trị, vì vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng có mối quan hệ hữu cơ với việc xây dựng, chỉnh đốn các tổ chức trong hệ thống chính trị và hoạt động của toàn bộ hệ thống. Việc bổ sung thành tố mới này đánh dấu sự tiếp tục phát triển tư duy lãnh đạo của Đảng xuất phát từ sự tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của những năm qua.

 Về quan điểm chỉ đạo, Đảng ta khẳng định: "Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". So với Đại hội XII, Đại hội XIII đã bổ sung quan điểm "kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng". Ta thấy đó là bước phát triển nhận thức của Đảng ta, thể hiện ý chí chính trị quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xem đây là nhiệm vụ sống còn, Đảng có vững mạnh thì mới đủ sức lãnh đạo đất nước, bảo vệ được sự tồn vong của chế độ. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”.

 Về mục tiêu xây dựng Đảng, Đại hội XII có nêu: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Ở Đại hội XIII, Đảng xác định: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện". Điểm mới của Đại hội XIII là bổ sung cả "năng lực cầm quyền", không chỉ "xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh", mà cả "hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện". Đây chính là quyết tâm xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh về mọi mặt, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh lãnh đạo, điều hành đất nước trước nhiều thách thức to lớn, liên tục của thời đại, dù khó khăn, trở ngại tới đâu thì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định với con đường đã chọn và tiếp tục tiến lên theo nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự cường.

 Trong định hướng phát triển đất nước 10 năm 2021-2030, so với Đại hội XII, Đại hội XIII xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, nêu yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Như vậy, ở đây, Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh xây dựng Đảng về cán bộ. Đây là bước tiếp tục phát triển về nhận thức của Đảng ta, đồng thời xác định rõ "Công tác cán bộ phải thực sự là "then chốt của then chốt", tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cán bộ, đảng viên phải thực hiện trách nhiệm nêu gương theo phương châm “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng".

Có thể khẳng định, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Đảng ta ưu tiên đề cao trong Nghị quyết Đại hội XIII, xem đây là quyết tố quyết định đến sự thành công trong việc lãnh đạo, điều hành đất nước. Rõ ràng nhận thấy nhiều quan điểm, nhiệm vụ mới được hình thành trên cơ sở kế thừa những thành tựu từ Đại hội XII của Đảng, cùng với sự đúc kết sâu sắc kinh nghiệm thực tiễn. Thực tế nhiều năm qua, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã phát động nhiều cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng dựa trên các nghị quyết: Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII Về một số nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng (1992); Nghị quyết Trung ương 6 khóa VIII Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay (1999); Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay (2012); Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (2016). Các cuộc vận động này thực sự mang lại những kết quả tích cực, góp phần củng cố sức mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục là bệ phóng đưa Đảng Cộng sản Việt Nam vươn lên tầm cao mới, có đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh, lãnh đạo xây dựng đất nước thành một nước phát triển giàu mạnh, có vị thế cao trên trường quốc tế, đóng góp quan trọng vào nền hòa bình thế giới, sẵn sàng vượt qua mọi thách thức của thời đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, bài viết đăng trên trang điện tử Báo Nhân dân ngày 20/10/2020

2. Hoa Hiền, Những điểm mới và những nhiệm vụ trọng tâm công tác xây dựng Đảng, bài viết trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 28/3/2021

3. TS. Nguyễn Bình, TS. Phạm Hồng Kiên, Một số nội dung về các cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng (1986-2016), Tạp chí Lịch sử Đảng số 342 (5/2019), Tr.53

4. TS.Nguyễn Duy Phương, TS.Ngô Thị Thu Ngà, Quan điểm về xây dựng Đảng qua Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Lịch sử Đảng số 348 (11/2019), Tr.23

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin