Bài viết

null Tư tưởng Hồ Chí Minh về “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Tư tưởng Hồ Chí Minh về “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”

ThS. Lê Thị Thanh Kiều

Khoa Lý luận cơ sở

Phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” [1] được Đảng ta khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII thể hiện sự cụ thể hóa quan điểm “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thực tế. Đồng thời là sự đúc kết của bài học lấy dân làm gốc trong lịch sử dân tộc cũng như trong thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tư tưởng “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân” của Hồ Chí Minh hình thành trên cơ sở kế thừa có chọn lọc tinh hoa văn hóa dân tộc, văn hóa phương Đông, phương Tây và nhất là quan niệm cách mạng là ngày hội của quần chúng, quần chúng nhân dân là chủ thể lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin. Tư tưởng này thể hiện ở một số luận điểm sau:

Trước hết, Hồ Chí Minh đánh giá cao về nhân dân và vai trò của nhân dân đối với cách mạng ở nước ta. Quan niệm về nhân dân được Người viết trong tác phẩm Thường thức chính trị: “Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước. Đó là nền tảng của quốc dân”[2]. Tuy nhiên, trong tư tưởng của Người, nhân dân là một khái niệm rất rộng bao gồm “mỗi một người con Rồng cháu Tiên”[3] và “tất cả mọi người Việt Nam tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ”[4]. Do đó, khi nói về nhân dân, ngoài khái niệm nhân dân, Người còn sử dụng một số khái niệm tương đồng như: dân, đồng bào, dân tộc Việt Nam, Nhân dân Việt Nam, người Việt Nam, …

Về vai trò nhân dân, theo Hồ Chí Minh, nhân dân là lực lượng quyết định đối với thắng lợi của cách mạng vô sản, Người trích lời của Lênin: Chủ nghĩa xã hội là do quần chúng nhân dân tự mình xây dựng nên, hoặc tuyên bố rằng “Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, điều đó chứng minh rằng trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, ở một nước thuộc địa nhỏ, với sự lãnh đạo của giai cấp vô sản và đảng của nó, dựa vào quần chúng nhân dân rộng rãi…”[5]

Thứ hai, trong tư tưởng và trong hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh luôn chú trọng thực hiện “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Đây là nội dung cốt lõi, xuyên suốt tư tưởng của Người. Phát huy tài dân, sức dân, của dân được Người xem là động lực to lớn của cách mạng, thể hiện sự nhận thức và hành động trên thực tế vai trò chủ thể cách mạng của nhân dân.

Phát huy tài dân nghĩa là phát huy tài trí, trí tuệ, sáng kiến, kinh nghiệm trong nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định, cách mạng cần phải có người tài, vì vậy, trong tư tưởng và hoạt động, Người chú trọng tìm kiếm nhân tài. Sau cách mạng tháng Tám, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người đã chú trọng Tìm người tài đức phục vụ cho đất nước, cho cách mạng. Chính hoạt động này cùng với quan điểm về sử dụng người tài đúng đắn đã đem lại cho cách mạng Việt Nam đội ngũ cán bộ vàng, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trước những kẻ thù hùng mạnh. Phát huy sức dân là phát huy sức lao động trong nhân dân. Đó là những hành động cụ thể của nhân dân tham gia lao động để sáng tạo, để xây dựng xã hội mới. Người khẳng định lao động tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, nhưng cần phải lao động cho đúng, phải lao động khoa học và thực hiện chữ cần. Nghĩa là lao động phải có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng, phân công cụ thể và chống lại kẻ địch “lười biếng”. Phát huy của dân là phát huy nguồn của cải vật chất trong nhân dân. Quan điểm đúng đắn này đã giúp nước ta vượt qua khó khăn trước tình hình thù trong giặc ngoài sau cách mạng tháng Tám. Nhân dân ta tích cực đóng góp tiền, đóng góp gạo và đóng góp các vật dụng, … giúp cách mạng vượt qua tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Chính quyền non trẻ được giữ vững. Từ đó, nhân dân ta giữ vững vị thế người chủ của đất nước và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để cách mạng bước vào giai đoạn mới – giai đoạn thực hiện kháng chiến, kiến quốc.

Tựu trung lại trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện “đem tài dân, sức dân, của dân” chỉ nhằm mục tiêu cao nhất là “làm lợi cho dân”. Nhân dân chính là chủ thể thụ hưởng thành quả sức lao động và đóng góp của mình. Với vai trò Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước bản thân Người luôn gương mẫu “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Vì vậy, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”[6] là điểm then chốt mà Người lưu ý, quan tâm căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ và thực hiện cho bằng được.

Thứ ba, để thực hiện có hiệu quả tư tưởng “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”, theo Hồ Chí Minh phải xuất phát từ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng. Từ vai trò tổ chức, tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn của Nhà nước, Mặt trận Dân tộc thống nhất nói riêng và hệ thống chính trị nói chung. Mặt khác, Người khẳng định: “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân” chỉ có thể được thực hiện trên thực tế khi mà nhân dân nhận thức và hành động đúng đắn với tư cách là chủ và làm chủ của mình.

Tóm lại, nhân dân là lực lượng có sức mạnh vô địch, “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân” trở thành tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh và là một trong những bài học kinh nghiệm hàng đầu của cách mạng. Tư tưởng đúng đắn này đã giúp nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy được vai trò làm chủ của mình. Giúp cho cách mạng Việt Nam liên tục giành được thắng lợi, kể cả trong cách mạng dân tộc dân chủ và trong công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay./

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

2. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 4, 5, 8, 10,12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.27.

[2] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 8, trang 264.

[3] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, trang 273.

[4] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 10, trang 468.

[5] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, trang 31-32.

[6] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, trang 51.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin