Bài viết

null Tích xưa, chuyện nay - Bài học thiết thực về “vượt qua cám dỗ”

Trang chủ Bài viết

Tích xưa, chuyện nay - Bài học thiết thực về “vượt qua cám dỗ”

                                                                                          TS. Nguyễn Quốc Trung

                                                                                          Khoa Xây dựng Đảng

Tóm tắt, trong thực tiễn cuộc sống có rất nhiều những cám dỗ, không phải ai và lúc nào con người cũng có thể vượt qua được, vượt qua và chiến thắng được sự cám dỗ sẽ làm nên giá trị của con người, là thể hiện của sự giàu có cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Trong thực tiễn cuộc sống hiện nay, khi đọc lại những điển tích xưa kia, mỗi con người chúng ta đều sẽ cảm nhận được những giá trị to lớn từ những bài học lịch sử. Một câu chuyện hay về sự cám dỗ và việc vượt qua sự cám dỗ của người Trung Quốc để lại cho ta nhiều điều suy nghĩ.

“Ngày xưa ở Trung Quốc có một vị lương y tên là Hà Trừng. Ông Hà rất nổi tiếng nhờ tài năng y thuật của mình. Có một người tên là Tôn Miễn Chi lâm bệnh và ốm yếu đã lâu. Khi nghe tới vị lương y họ Hà, ông Tôn đã nhờ vợ đi mời ông Hà về nhà.

Vị thầy thuốc tới nhà ông Tôn, người vợ liền đưa ông tới mật thất của căn nhà và nói với ông: Chồng tôi bệnh từ rất lâu rồi, cả nhà đã bán hết mọi thứ để thuốc thang cho ông ấy. Chúng tôi chẳng còn gì để trả cho ông. Tôi sẵn sàng trao thân mình cho ông để cứu lấy chồng tôi.

Ông Hà trả lời rất trịnh trọng: Sao bà phải nói như thế? Bà không cần lo lắng gì hết đâu; tôi sẽ gắng hết sức để chữa chạy cho chồng bà. Nếu tôi đồng ý những lời bà nói, tôi sẽ thành tiểu nhân suốt đời, bà cũng sẽ mất đi đức hạnh của mình. Thậm chí nếu không ai lên án chuyện đó, thì lương tâm của tôi cũng sẽ không yên, thì làm sao tôi tránh được sự trừng phạt của đất trời!  Vợ ông Tôn rất xấu hổ và lặng lẽ rời phòng. Sau này vị lương y họ Hà đã chữa khỏi bệnh cho ông Tôn.

Vào một đêm nọ, ông Hà có một giấc mơ, trong đó ông cảm thấy mình như được một vị thần tiên dẫn tới công đường. Một vị quan đã nói với ông Hà: Ta nghe ông đã cứu chữa cho ông Tôn, lại không tư tâm lợi dụng vợ người; vì việc đó nên ông sẽ được ban thưởng. Ngay sau đó, thái tử bị bệnh. Hoàng thượng cho mời ông Hà vào hoàng cung để chữa chạy cho thái tử. Chỉ với một đơn thuốc, ông đã chữa hết bệnh cho thái tử. Hoàng thượng rất hài lòng và ban cho ông Hà tước quan rất cao.

Kỳ thực, mọi chuyện xảy ra với ông Hà đúng như những gì ông mơ thấy trước đó. Có một câu nói của người Trung Quốc xưa rằng: “Vạn ác dâm vi thủ.”[1]. Vượt qua sự cám dỗ đó chính là sự khẳng định của lòng tự trọng, tự tôn, là một con người có nhân cách, có phẩm giá, có đạo đức, là thể hiện của sự giàu có cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Qua cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người Việt Nam đều cảm nhận rằng: Bác là một hình mẫu tiêu biểu về sự chiến thắng đối với những cám dỗ. Với cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Chính phủ (Thủ tướng) và trên thực tế, Nhà nước có những qui định cụ thể về chế độ đãi ngộ đối với nguyên thủ quốc gia, nhưng từ việc ăn, mặt, ở, đi lại,…chúng ta đều thấy ở Bác sự giản dị, tiết kiệm, bình dị,…nhưng không vì thế mà  khiến chúng ta cảm thấy như là một giản đơn, không những thế qua tất cả các sự việc đó còn làm toát lên giá trị to lớn về việc vượt qua sự cám dỗ, sự giàu có trong tư tưởng, trong nhận thức và trong hành động.

Không chỉ riêng Bác, trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, với sự trải nghiệm từ thực tiễn cách mạng, sự thấu hiểu giá trị cuộc sống và lý tưởng cách mạng, sự thấu hiểu nổi thống khổ của dân tộc, nhân dân dưới ách thống trị bạo tàn của đế quốc, thực dân, phong kiến,…lý tưởng cách mạng, đạo đức cách mạng, lòng tự trọng, nhân cách con người đã được chui rèn từ thực tiễn và đã làm nên “thép đã tôi thế đấy” của những cán bộ lão thành cách mạng, những người đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, với những công trạng lớn lao đã được ghi tạc vào lịch sử, họ xứng đáng và phải được Nhà nước ghi nhận và cụ thể bằng những giá trị vật chất. Đã có những cán bộ lão thành cách mạng đã được Nhà nước cấp đất, cấp nhà,… nhưng họ đều khướt từ và dành những suất đất, suất nhà đó cho những người khác, những người khó khăn hơn. Ở đây, chúng ta thấy được, với họ đứng trước sự cám dỗ của quyền lực, của của cải vật chất, của danh vọng,.. những thứ mà con người khó có thể vượt qua, nhưng với họ, những con người đã cống hiến trọn đời cho lý tưởng, sự nghiệp cách mạng, được rèn dũa về đạo đức cách mạng, họ luôn biết suy nghĩ về người khác, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc nhân dân lên trên hết, trước hết, họ đã thể hiện rất rõ của sự chiến thắng đối với cám dỗ, vượt qua cám dỗ để hoàn thiện mình, ở họ lòng tự tôn, tự trọng, nhân cách,…đã chiến thắng sự ham muốn vật chất thấp hèn, dục vọng, tham vọng thấp hèn,…sự giàu có về nhân cách đã chiến thắng tất cả.

Trong công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay, trước một bộ phận cán bộ đảng viên có những sai phạm, có những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, làm tổn thất tài nguyên, tiền bạc của nhân dân, của đất nước, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại luận điểm: Trong cuộc đời con người, vật chất, danh vọng, quyền lực,…tất cả rồi cũng sẽ mất đi, chỉ có danh dự là cái duy nhất còn tồn tại mãi với thời gian. Danh dự con người được quyết định bởi rất nhiều yếu tố, như: lòng tự trọng, sự tự tôn, lý tưởng cao đẹp, lối sống giản dị, thái độ chân thành, mục đích trong sáng, sự tôn trọng mọi người,…tất các các yếu tố đó sẽ giúp cho mỗi người chúng ta luôn có lối suy nghĩ tích cực, thái độ lạc quan, lối sống “biết cho đi”, biết suy nghĩ cho người khác,…hội đủ các điều kiện đó sẽ  giúp cho mỗi người chúng ta thật sự giàu có về nhân cách, tâm hồn và lối sống – sống có ích, sống có trách nhiệm.

Qua công cuộc phòng chống tham nhũng và thực tiễn sai phạm của nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, rất dễ dàng để nhận ra một thực tế là tất cả các cán bộ đảng viên sai phạm đó đều có một mẫu số chung là không vượt qua được sự cám dỗ, đó là sự cám dỗ của quyền lực (sự tha hóa trong quyền lực), sự cám dỗ về danh vọng (lối sống ích kỷ, hẹp hòi, chủ nghĩa cá nhân), sự cám dỗ về vật chất (lối sống chạy theo đồng tiền, bị đồng tiền khống chế, kiểm soát). Trong số những cán bộ đảng viên sai phạm, có những người là sai phạm mang tính hệ thống, nhưng cũng có những người là sai phạm mang tính nhất thời. Nguyên nhân của sự sa ngã của bộ phận cán bộ đảng viên trước sự cám dỗ của quyền lực, danh vọng, vật chất có rất nhiều nguyên nhân, nhưng xét đến cuối cùng thì cũng chỉ tập trung vào một số vấn đề cụ thể.

Trước hết, đó là sự “ngộ nhận” về quyền lực, danh vọng, vật chất. Bản thân quyền lực, danh vọng hay các gái trị vật chất tự thân nó không mang ý nghĩa của sự tiêu cực, quyền lực được sử dụng hợp lý, hài hòa tạo ra giá trị con người, nâng cao giá trị của con người. Chính sự kém cỏi trong nhận thức đã dẫn đến sự ngộ nhận về quyền lực, sử dụng quyền lực, chạy theo danh vọng, bị chi phối bởi giá trị vật chất, tất cả các yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đa phần những sai phạm của cán bộ đảng viên là “tự cho mình có quyền” và “tự do sử dụng quyền” bất chấp các qui định của luật pháp hiện hành và luân lý của xã hội. Cán bộ đảng viên không có bất cứ quyền lực nào, quyền lực có được là do dân ủy thác cho, nếu nhận thức được điều này thì trong thực thi quyền lực sẽ không dẫn đến ngộ nhận để rồi mắc sai phạm, nếu trong thực thi công vụ lợi ích nhân dân, đất nước được đặt lên trên hết, trước hết thì giá trị nhân cách người cán bộ đảng viên sẽ được mọi người thừa nhận và nâng tầm, đó là sự danh giá.

Một vấn đề khác, đó là một thế hệ cán bộ đảng viên hiện nay được sinh ra trong môi trường hòa bình và có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, trong môi trường và điều kiện đó, đáng lẽ ra họ phải nhận được sự giáo dục và truyền thụ những giá trị tích cực, thay vào đó họ được tiếp nhận một số quan điểm không mấy tích cực về sự tôn trọng giá trị sức lao động, về sự tôn trọng người khác,…không những thế, gia đình và tổ chức đôi khi mở ra cho họ môi trường thuận lợi, vô cùng thuận lợi để thăng tiến rất nhanh trong xã hội. Điều này đi ngược lại quy luật hình thành nhận thức và nhân cách của con người, sự trải nghiệm thực tiễn là chân lý để kiểm nghiệm các giá trị, chính vì thế, họ tự cho mình cái quyền được xem thường, được đứng trên cả tổ chức và pháp luật và tất yếu sẽ dẫn đến những sai phạm. Đây là hệ quả tất yếu của một quá trình và nó có nguồn gốc bắt đầu từ chính những người cán bộ đảng viên có vị trí trong xã hội, kể cả tổ chức của Đảng và Nhà nước.

Cuối cùng, đó là ý thức rèn luyện và khả năng kiểm soát chính mình trước cám dỗ của thực tiễn. Môi trường xã hội là điều kiện là cơ sở hình thành và hoàn thiện nhận thức nhân cách của con người, nhưng không phải lúc nào cũng mang tính tuyệt đối. Quá trình rèn luyện của con người, khả năng kiểm soát suy nghĩ, nhận thức, hành động,…của mỗi người có một vai trò nhất định. Một bộ phận cán bộ đảng viên đã được thừa hưởng những điều kiện thuận lợi từ gia đình, tổ chức và cả xã hội, chính những điều kiện đó đã làm cho họ ngộ nhận về tài năng, về địa vị, về đặc quyền, đặc lợi mà họ đang được thừa hưởng, nếu không được rèn luyện, không được trải nghiệm một cách thiết thực từ thực tiễn, họ sẽ dễ dàng sa ngã, sai phạm.

Vượt qua và chiến thắng được cám dỗ thật khó đối với mỗi con người, nhưng không phải là không thể. Bài học từ lịch sử, từ tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ các cán bộ lão thành cách mạng, từ rất nhiều cán bộ đảng viên đang ngày đêm dấng thân cho sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân có thể dẫn dắt và chỉ ra cho mỗi chúng ta con đường sáng để rèn luyện. Sự trải nghiệm sâu sắc từ cuộc sống, sống có lý tưởng, có mục đích trong sáng, sống biết trân trọng giá trị sức lao động, tôn trọng con ngươi,… là một số trong những cách để giúp mỗi người trong chúng ta định hình nhận thức và hành động, không ngừng rèn luyện bản thân để “chiến thắng sự cám dỗ”./.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin