Bài viết

null Đồng Tháp Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh đến năm 2030

Trang chủ Bài viết

Đồng Tháp Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh đến năm 2030

Mai Quang Khả

Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

I. Đặt vấn đề: Với mục tiêu Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam với tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp; tạo nền tảng vững chắc để xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo; từng bước hình thành xã hội hạnh phúc và động lực cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Tỉnh. Uỷ ban nhân dân Tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch Số: 77 /KH-UBND Đồng Tháp, ngày 08 tháng 3 năm 2022 về thực hiện Chiến lược phát triển gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030.

II. Các chỉ tiêu cụ thể Phấn đấu đến năm 2030 của Tỉnh là:

(1) 100% gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đặc biệt quan tâm hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số.

(2) 100% gia đình được tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị tốt đẹp của gia đình hiện đại.

(3) 100% địa phương có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở.

(4) 100% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào Quy ước khóm, ấp.

(5) 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.

(6.1) Hàng năm 90% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật.

(6.2) 100% người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu.

(6.3) 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em.

Trong đó chú trọng các giải pháp chủ yếu để thực hiện chiến lược gồm:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị gia đình trong tình hình mới

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình; phát huy vai trò của mọi cá nhân và cộng đồng đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình trong quá trình phát triển và hội nhập. Triển khai Chương trình truyền thông quốc gia về xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ.

- Vận động các gia đình tham gia xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, tích cực đóng góp trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Tăng cường hoạt động sáng tác, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình nhằm hỗ trợ công tác xây dựng gia đình ngày càng đạt hiệu quả thiết thực, bền vững.

- Hàng năm, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Tháng hành động Quốc gia PCBLGĐ và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” và “Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” (25/11) với các hình thức đa đạng, thiết thực tạo được hiệu ứng xã hội nhằm tôn vinh các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

2. Thực hiện tốt các chính sách đối với công tác gia đình và xây dựng gia đình phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới

- Thực hiện tốt các chính sách đối với công tác gia đình, đặc biệt là các chính sách nhằm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thực tiễn đời sống nhân dân trong tình hình mới.

- Triển khai các chính sách, cơ chế đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

3. Xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc, tạo điều kiện cho mọi thành viên được phát triển toàn diện và thụ hưởng thành quả phát triển

- Xây dựng gia đình trở thành môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Gia đình là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách con người từ đạo đức, lối sống; phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình đảm bảo gia đình phát triển bền vững.

- Thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” và các mô hình tiêu biểu như: “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”… tạo sự gắn kết giữa các thành viên gia đình.

4. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về gia đình

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền đối với công tác gia đình; thực hiện các chỉ tiêu về gia đình phù hợp với đặc điểm tình hình xã hội tại địa phương.

- Kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và trang bị kỹ năng trong thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở.

- Triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới phù hợp, thiết thực gắn với thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 và theo từng giai đoạn.

- Tiếp tục lồng ghép công tác gia đình vào Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước khác. Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa (tập trung vào danh hiệu “Gia đình tiêu biểu”) đảm bảo thực chất, phản ánh đúng tình hình đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.

5. Tăng cường các nguồn lực đầu tư, huy động xã hội hóa, phát triển lĩnh vực gia đình

- Quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí công tác gia đình từ ngân sách nhà nước; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học; sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.

- Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm hộ nghèo, cận nghèo, các gia đình vùng nông thôn, biên giới. Chăm lo, bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đảm bảo cho sự phát triển của thế hệ trẻ. Tạo điều kiện cho người dân, hộ gia đình được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ xã hội công bằng, bình đẳng và thuận lợi.

III. Kết luận: Công tác gia đình đã và đang tác động trực tiếp trong xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho con người theo các chuẩn mực văn minh, tiến bộ. Các vấn đề liên quan đến gia đình ngày càng được quan tâm, đóng góp quan trọng vào việc giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống Nhân dân. Kế hoạch thực hiện chiến lược gia đình của Tỉnh nếu được triển khai đồng bộ, hiệu quả sẽ mang lại những lợi ích thiết thực trong xây dựng văn hoá, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh nhà ngày càng bền vững./.

Tài liệu tham khảo:

Kế hoạch Số: 77 /KH-UBND, ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Đồng Tháp về thực hiện Chiến lược phát triển gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin