Bài viết

null Công tác cán bộ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trang chủ Bài viết

Công tác cán bộ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ths. Nguyễn Thị Duyên

                                                                 Trường Chính trị Đồng Tháp

1. Đặt vấn đề

Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “cán bộ là gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Bên cạnh đó, Người cũng cho rằng “cán bộ là cái dây chuyền của nhà máy, nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Xuất phát từ quan điểm đó trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, Người đã đặt công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ lên hàng đầu. và trong tác phẩm được Người viết vào năm 1947 “Sửa đổi lối làm việc” vấn đề cán bộ cũng được đề cập.

Tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng to lớn:

  • Lý luận về xây dựng Đảng khá toàn diện và sâu sắc
  • Giải đáp một cách khoa học mối quan hệ giữa các khâu trong công tác xây dựng Đảng: rèn luyện đạo đức của đảng viên, biện pháp điều hành quản lý, nguyên tắc đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân, thể chế dân chủ, chống lạm dụng quyền lực.
  • Thiết thực bổ ích trong việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến kiến quốc.
  • Quần chúng phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đem hết sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Sau hơn 70 năm, tác phẩm vẫn là một trong những văn kiện quan trọng của công cuộc đổi mới, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu tham nhũng của một bộ phận cán bộ đảng viên hiện nay, góp phần xây dựng Đảng trong điều kiện đảng cầm quyền “là đạo đức là văn minh” như mong muốn của Bác.

2. Nội dung

2.1. Vấn đề công tác cán bộ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung bàn về 6 vấn đề chính: Phê bình và sửa chữa; Mấy điều kinh nghiệm; Tư cách và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo; Chống thói ba hoa. Trong 6 vấn đề đó, vấn đề cán bộ có thể xem là vấn đề được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quan tâm. Theo quan điểm của Bác

Về huấn luyện cán bộ: Hồ Chí Minh cho rằng: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Muốn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì điều quan trọng nhất là Đảng phải làm tốt công tác huấn luyện cán bộ về: nghề nghiệp, chính trị, văn hóa và lý luận cho cán bộ. Theo Người: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng” [1, 309]. Vì vậy, việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ là rất quan trọng. Vì cán bộ là cái “gốc” của mọi công việc, do đó, huấn luyện cán bộ là công việc “gốc” của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, huấn luyện nghề nghiệp cho cán bộ là khâu đầu tiên. Vì rằng, cán bộ làm nghề nào, ngành nào cũng phải học cho thành thạo công việc ở ngành, nghề ấy. Người nói: “Huấn luyện lý luận cho những cán bộ cao cấp, đến nay hoặc chưa làm, hoặc làm không đúng, lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy theo cách học thuộc lòng” [6,75]. Đồng thời, phải nghiên cứu những chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ; học tập những kinh nghiệm thành công và thất bại; học tập lịch sử truyền thống cách mạng và sự phát triển trong từng thời kỳ… Theo đó, việc huấn luyện phải sắp xếp cách dạy và học, kiểm tra kết quả, sao cho cán bộ dần dần đi đến thành thạo công việc; huấn luyện chính trị, môn nào cũng phải có nhưng cần coi trọng nâng cao kiến thức văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ là người phải có đủ năng lực đảm đương công việc dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Do đó, trước hết phải có ý thức trách nhiệm, người dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám phê bình, dám thừa nhận và sửa chữa khuyết điểm, v.v.. Cùng đó, để có đủ năng lực, cán bộ cần phải có sáng kiến và “bất kỳ việc to việc nhỏ, thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản suất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó là điều sáng kiến”.

 Một nhân tố khác cũng tác động rất mạnh đến năng lực của cán bộ, đó là trình độ nhận thức, lý luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác đào tạo, huấn luyện để nâng cao trình độ nhận thức, lý luận cho cán bộ. Người đã nêu lên 3 điều tệ hại liên quan đến trình độ nhận thức, lý luận của cán bộ đó là: kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông. Để khắc phục, cần phải luôn tuân thủ nguyên tắc: thống nhất giữa lý luận và thực tế, vì “lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông” [1,274].

Về đánh giá cán bộ: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải biết rõ cán bộ, cất nhắc cán bộ cho đúng, khéo dùng cán bộ, phân phối cán bộ cho hợp lý, giúp cán bộ cho đúng, giữ gìn cán bộ. Theo Hồ Chí Minh muốn sử dụng cán bộ phải đánh giá đúng cán bộ, đánh giá đúng phẩm chất và năng lực của cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ không chỉ nhằm phát hiện cái hay của họ để khuyến khích, phát huy, mà còn thấy cái dở của họ để tìm cách giúp đỡ, khắc phục, vì: “Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu của họ”. Để đánh giá đúng cán bộ, Người yêu cầu phải có quan điểm biện chứng vì cần phải nhìn mọi sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ không ngừng biến đổi và phát triển. Cán bộ cũng như vậy, “có người khi trước theo cách mạng mà nay phản cách mạng. Có người khi trước không cách mạng mà nay lại tham gia cách mạng. Thậm chí có người nay đang theo cách mạng, nhưng sau này có thể phản cách mạng... [1,317] Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”[1,318] . Vì thế, khi xem xét, đánh giá cán bộ cần phải có cái nhìn toàn diện để đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, khách quan và công tâm.

Về lựa chọn, sử dụng cán bộ: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn lựa chọn đúng cán bộ phải hiểu biết cán bộ, hiểu biết cán bộ thì sẽ giúp cho việc lựa chọn đúng cán bộ để sử dụng đúng cán bộ. Khi giao việc cho cán bộ phải phù hợp với khả năng, năng lực của cán bộ để phát huy được năng lực và dẫn đến thành công; đồng thời tránh được lãng phí của cán bộ và còn có tác dụng tích cực, làm cho cán bộ làm việc có hiệu quả cao ngày càng nhiều. Theo Người: “Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có. Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ” [1,320]. Vì vậy, sử dụng cán bộ tuy đơn giản, song thực tế có không ít trường hợp việc sử dụng cán bộ lại mắc phải những căn bệnh như ham dùng người bà con, thân quen, ham dùng người nịnh hót, v.v.. Những căn bệnh ấy không chỉ gây hại cho Đảng, Nhà nước, mà còn làm ảnh hưởng đến chính những cán bộ không có năng lực khi được sử dụng, tạo điều kiện cho cái xấu của cán bộ phát triển, làm cho cái tốt của cán bộ khó có điều kiện phát huy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu những người làm công tác cán bộ phải có lòng “độ lượng vĩ đại” thì mới có thể đánh giá và sử dụng cán bộ một cách khách quan, công tâm; phải có “tinh thần rộng rãi” thì mới có thể sử dụng những cán bộ mình không ưa; phải có “tính chịu khó dạy bảo” thì mới có thể nâng đỡ những cán bộ còn kém, giúp cho cán bộ tiến bộ; phải “sáng suốt” thì mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt; “phải có thái độ vui vẻ, thân mật” thì các đồng chí mới vui lòng gần gũi mình; phải xác định rõ mục đích của sử dụng cán bộ là “để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ”. Phải tạo điều kiện để cán bộ phát huy năng lực của họ và để có được điều đó, trước hết phải tạo môi trường dân chủ để “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”. Khi đã trao quyền, giao việc, phải có niềm tin đối với cán bộ, vì tin tưởng và giao việc vừa là một cách đào tạo cán bộ, vừa là cách tạo động lực hành động cho cán bộ. Đồng thời, việc “cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy” [1,321]. Điều đó có nghĩa là việc cất nhắc cán bộ phải xuất phát từ hiệu quả công tác thực tế của cán bộ, và phải có tác dụng khuyến khích các cán bộ khác phấn đấu vươn lên, cố gắng để tiến bộ; phải tránh tình trạng trước khi cất nhắc thì không xem xét kỹ. Khi đã cất nhắc thì không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. “Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời” [1,322]. Theo Hồ Chí Minh, cách cất nhắc cán bộ cũng như cách đánh giá hiệu quả công tác của cán bộ có tác động trực tiếp đến “lòng tự tin, tự trọng” của cán bộ. Vì thế, người cán bộ lãnh đạo phải biết “tôn trọng”, “vun trồng” lòng tự tin, tự trọng của cán bộ; phải thường xuyên quan tâm, động viên, giúp đỡ và kịp thời nhắc nhở, uốn nắn sai lầm và khuyết điểm của cán bộ. Không nên để đến khi sai lầm và khuyết điểm đã trở nên nặng nề, “rồi mới đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập”, mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hóa thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng”.

2.2. Về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Học tập và làm theo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ trong "Sửa đổi lối làm việc" là rất quan trọng và cần thiết. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm công tác xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên; xác định rõ đây là khâu then chốt, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh đối với công tác cán bộ, vận dụng tư tưởng đó vào trong công tác nhân sự, dùng người một cách có hiệu quả nhất và đúng đắn nhất, Đảng ta thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng chỉ rõ: Đổi mới cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Đổi mới cán bộ và công tác cán bộ để đảm bảo sự nghiệp đổi mới và kế tục sự nghiệp lâu dài của Đảng là một nhiệm vụ quan trọng. Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII nhấn mạnh: Cán bộ có vai trò cực kỳ quan trọng hoặc thúc đẩy hoặc kìm hãm tiến trình đổi mới. Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã khẳng định vai trò cán bộ có tính chất đặc biệt quan trọng, cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng. Tiếp đó, Đại hội IX của Đảng yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ mà trước hết là cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, trọng dụng những người có đức, có tài,v.v.. . Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định sự chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; gắn với xây dựng người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị.

Luôn coi công tác cán bộ là khâu then chốt trong toàn bộ hoạt động, là nguyên nhân thành, bại của cách mạng, Đảng ta đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ vững mạnh. Theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, đội ngũ này phải thật sự là những người hội đủ cả đức lẫn tài, phải vừa có tâm vừa có tầm; phải biết nhìn xa, trông rộng, phải hiểu biết về con người, thực sự quan tâm và yêu thương cán bộ, phải thật sự vô tư trong sáng, phải có tư chất của người làm công tác tổ chức cán bộ và nhất là phải được đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ ở lĩnh vực này, bảo đảm cho người làm công tác cán bộ phải nhìn ra được những cán bộ có tài thật, đức thật và những con người tài giả, đức giả để gạt bỏ hay trọng dụng, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ hiện nay.

Trên tinh thần đó, thấu triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ, nhất là những chỉ dẫn của Người trong "Sửa đổi lối làm việc", các cấp ủy Đảng và chính quyền đã tăng cường vai trò lãnh đạo tập thể của cấp ủy và tổ chức đảng, đồng thời xác định rõ quyền hạn, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và cơ quan tham mưu trong công tác tổ chức cán bộ. Coi trọng việc bố trí người đứng đầu tổ chức, cơ quan có đủ đức, tài; có tính Đảng cao, tinh thần trách nhiệm cao; gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, rèn luyện đạo đức, lối sống, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nói đi đôi với làm... Đặc biệt, việc đổi mới mạnh mẽ, triển khai đồng bộ các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, xây dựng và thực hiện chính sách cán bộ đã đem lại hiệu quả thiết thực.

3. Kết luận

Sự phát triển, hưng thịnh của một quốc gia, một dân tộc, một Đảng thì yếu tố con người là một trong những thành tố quan trọng. Việc tranh thủ những thời cơ, tận dụng những thời cơ đồng thời hạn chế, khắc phục những thách thức, phần quan trọng đều do nhân tố con người. Con người ở đây không phải là con người chung chung mà là những người có tài, có đức, có lý tưởng, có kỷ luật, có sáng kiến,…Theo đó, thấy rằng việc lựa chọn cán bộ là một vấn đề vô cùng quan trọng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” cũng đã nhấn mạnh, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt phải thật sự có đức, có tài, đại diện cho sức mạnh, trí tuệ, đạo đức của Đảng Cộng sản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
  3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.
  4. Song Thành, Hồ Chí Minh – Nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb Lý luận chính trị, H.2005.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021.
  6. X.Y.Z, “Sửa đối lối làm việc”, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội- 2017

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin