Bài viết

null Giá trị của đình làng trong đời sống người dân Đồng Tháp trong giai đoạn hiện nay

Trang chủ Bài viết

Giá trị của đình làng trong đời sống người dân Đồng Tháp trong giai đoạn hiện nay

Nguyễn Phước Tài, Khoa Lý luận cơ sở

Tống Hoàng Huân, Khoa Xây dựng Đảng

1. Đặt vấn đề

Từ xa xưa ngôi đình đã trở thành một biểu tượng về tín ngưỡng, văn hóa tinh thần của người Việt. Đình là một biểu tượng của tính cộng đồng trong làng xã nước ta và là nơi diễn ra các hoạt động chủ yếu của văn hóa cộng đồng. “Đình làng” như một kho tàng quan trọng để hiểu hơn về văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc ta trong suốt dòng chảy của lịch sử đã qua. Trong quá trình tiến vào vùng đất phương Nam mở cõi, ông cha ta đã mang theo truyền thống văn hóa của quê hương từ miền Bắc, miền Trung vào Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng, phong tục ấy vẫn được người Việt lưu giữ và luôn dành cho đình những tình cảm tốt đẹp. Theo dọc chiều đài đất nước, ở đâu chúng ta cũng có thể gặp những ngôi đình được thờ phụng rất trang nghiêm, luôn có người coi sóc hay đến cúng tế, gắn bó mật thiết với người dân quanh vùng và ngôi đình đã trở thành một thiết chế văn hóa xã hội không thể thiếu của người Việt.

Xét về điều kiện kinh tế xã hội thì tỉnh Đồng Tháp hiện nay đang là một vùng đất chuyển mình đi lên từ nông nghiệp và từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa hòa chung vào xu thế của cả nước. Những đặc điểm đó đã tác động không nhỏ vào đời sống, suy nghĩ, nhận thức của người dân Đồng Tháp. Trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, kinh tế và văn hóa gắn liền với nhau hết sức chặt chẽ, kinh tế không tự mình phát triển nếu thiếu nền tảng văn hóa và văn hóa không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế. Có thể nói, kinh tế quy định và quyết định văn hóa vì xét đến cùng, kinh tế là nền tảng vật chất của văn hóa. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm biến đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế xã hội, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng so với nông nghiệp và sản xuất thủ công, dân số đô thị, nguồn lao động công nghiệp tăng so với nông thôn và nông nghiệp. Điều đó đã làm biến đổi sâu sắc đời sống xã hội và cùng với nó là sự biến đổi trong lối sống, nhận thức của người dân và văn hóa truyền thống cũng chịu sự ảnh hưởng của quy luật này.

Chính vì điều đó, ngày 14/4/2021 UBND Tỉnh Đồng Tháp đã bán hành Đề án số 453/QĐ-UBND-HC về Phát huy giá trị đình làng tỉnh Đồng Tháp giải đoạn 2021-2025 để bảo tồn, khôi phục những giá trị văn hoá đình làng. Trong Đề án này phát huy tốt 03 chức năng chính của đình làng: Tín ngưỡng dân gian, hành chính, sinh hoạt văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương, tập trung nhất là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian.

Qua tìm hiểu trên địa bàn toàn tỉnh có 96 ngôi đình. Trong số những ngôi đình này ta thấy có nhiều điều đáng suy nghĩ những giá trị tích cực và một số hạn chế trong sinh hoạt tín ngưỡng đình làng của người dân Đồng Tháp hiện nay

2. Ý nghĩa của những biến đổi sinh hoạt tín ngưỡng ở đình làng trong đời sống văn hóa của người dân tỉnh Đồng Tháp 

Những tác động tích cực từ sinh hoạt tín ngưỡng ở đình làng trong đời sống văn hóa của người dân tỉnh Đồng Tháp

Một là, giá trị giáo dục và hướng về cội nguồn

Các lễ Kỳ yên ở đình làng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều gắn với việc thờ cúng một vị thần, một nhân vật lịch sử có công khai hoang lập làng hay một anh hùng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ cộng đồng dân cư. Nghi lễ thờ cúng Thành hoàng là bày tỏ lòng tôn kính đối với những công lao to lớn của các vị thần đó, đồng thời cũng làm thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh của con người nên thông qua lễ hội, giá trị giáo dục truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” được thể hiện đậm nét đối với nhiều thế hệ người dân ở Đồng Tháp. Ngoài ra, sinh hoạt tín ngưỡng ở đình làng ở Đồng Tháp còn có giá trị bảo đảm tính kế tục lịch sử.

Tổ chức tốt lễ hội truyền thống sẽ để lại ấn tượng, hiệu quả không chỉ bảo tồn văn hóa, bản sắc mà còn góp phần phát triển du lịch mang lại nguồn thu nhập cho nhân dân địa phương, góp phần giới thiệu những giá trị văn hóa, vùng đất và con người Đồng Tháp đến với bạn bè gần xa.

Hai là, giá trị đoàn kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng

Lễ hội đình làng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là môi trường góp phần quan trọng tạo nên sự cộng mệnh và cộng cảm của cộng đồng. Các lễ Kỳ yên diễn ra theo chu kỳ thời gian là dịp tập trung, gặp gỡ, giao hòa giữa con người với con người, sợi dây liên hệ về mặt tinh thần luôn luôn được bền chắc. Giá trị cố kết cộng đồng là một giá trị hết sức cơ bản của lễ hội đình làng, khi mỗi con người đều có chung một nhận thức, một niềm tin, có cùng một tình cảm trước biểu tượng thiêng liêng chung tay tham gia vào trình diễn lễ hội, giao hòa tinh thần giữa người với người, giữa thế giới thực tại và thế giới thần linh.

 Sinh hoạt tín ngưỡng đình làng ở Đồng Tháp có vai trò quan trọng trong việc liên kết xã hội, qua lễ hội ở đình, người dân đã thể hiện thái độ và hành động trân trọng đối với những gì mà địa phương mình có và thể hiện mối quan hệ giao lưu giữa địa phương này với địa phương khác (mời Ban quí tế đình, miếu bạn đến cúng đình làng mình).

Ba là, giá trị cân bằng đời sống tâm linh và hưởng thụ văn hóa

Đời sống tâm linh thể hiện rõ nét qua sinh hoạt tín ngưỡng ở đình, bên cạnh đời sống vật chất, đời sống tinh thần, tư tưởng trong con người còn hiện hữu đời sống tâm linh. Đó là đời sống của con người hướng về cái cao cả thiêng liêng chân - thiện - mỹ, cái mà con người ngưỡng mộ, ước vọng, tôn thờ, trong đó có niềm tin tôn giáo tín ngưỡng. Chính tín ngưỡng, các nghi lễ, lễ hội đã góp phần làm thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh, đó là “cuộc đời thứ hai”. Về mặt cấu trúc, lễ hội ở đình thuộc về phạm trù cái thiêng liêng của đời sống tâm linh, đối lập và cân bằng với cái trần tục của đời sống hiện thực.

Bốn là, giá trị bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

Lễ hội đình làng ở Đồng Tháp không chỉ là tấm gương phản chiếu những nét văn hóa cổ truyền mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy truyền thống văn hóa của địa phương. Hàng năm khi đình mở hội, một “bảo tàng sống” về văn hóa dân tộc được hồi sinh, sáng tạo và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Về mặt tâm lý, trong mỗi tâm hồn cá nhân, các lễ cúng đình luôn luôn là một ký ức đẹp. Ông cha ta có câu “Lá rụng về cội” là vậy, thông qua đó việc giáo dục cho cho thế hệ kế tiếp về lòng yêu quê hương, tôn trọng những giá trị văn hóa cổ truyền của tổ tiên. Hơn ai hết thế hệ trẻ là người nắm giữ trọng trách duy trì, phát triển văn hóa truyền thống này trong thời đại mới. Làng xã là cái nôi hình thành, bảo tồn, sản sinh văn hóa truyền thống, nhất là trong hoàn cảnh bị xâm lược và đồng hóa. Trong các làng xã, những ngôi đình và cùng với nó là lễ hội chính là tâm điểm của cái nôi văn hóa đó. Cho nên trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống là việc làm cấp thiết.

Một số mặt hạn chế gặp phải từ sinh hoạt tín ngưỡng ở đình làng trong đời sống văn hóa của người dân tỉnh Đồng Tháp

Cùng với sự phát triển nhanh của đời sống kinh tế xã hội, hiện nay lễ hội đình làng ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã bị biến tướng và phát sinh một số hạn chế và tiêu cực, cụ thể như:

Thứ nhất, đơn điệu hóa và xu hướng thế tục hóa lễ hội: Ngày xưa, lễ cúng đình diễn ra có nề nếp thứ tự, còn ngày nay dường như người ta càng ngày càng kéo nhau đi cầu xin đông hơn khiến ý nghĩa và mục đích tổ chức lễ cúng Kỳ yên tốt đẹp đang trở nên xa vời. Người dân đang đến với lễ hội bằng một suy nghĩ trần tục với tâm thức trần sao âm vậy, họ cầu xin tiền tài danh lợi, họ đưa suy nghĩ của mình áp đặt vào đời sống tâm linh, bỏ tiền ra cúng để “hối lộ” thần thánh. Chính tâm lý của người dân đang làm dung tục hóa các lễ hội ở đình.

Thứ hai là, tâm lý của người tham dự sinh hoạt tín ngưỡng đình làng: Có một bộ phận người dân đi cầu may, có người đi thưởng ngoạn và có một số khách đến với lễ hội đình theo trào lưu chứ chưa hiểu được hết giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội mà mình tham gia. Mặc khác, một bộ phận người dân xem lễ hội ở đình là nơi ăn chơi, chưng diện, tiêu tiền lãng phí. Họ đã nhầm lẫn rằng đến lễ cúng đình là chỉ có vui chơi mà quên đi phần lễ rất trang nghiêm, cung kính và căn nguyên của những hiện tượng này là do sự giáo dục từ gia đình và xã hội.

3. Một số giải pháp góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đình làng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Từ thực tế nêu ở phần trên, chúng tôi xin nêu một số giải pháp góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đình làng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay.

Trước tiên là việc kiện toàn cơ cấu bộ máy tổ chức lễ hội ở đình, đây là một việc làm rất quan trọng. Vai trò quản lý điều hành của các Ban quí tế ở các đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay còn ít nhiều hạn chế trong việc tổ chức cũng như tuyên truyền về truyền thống, giá trị lịch sử của ngôi đình, công tích của Thành hoàng ở địa phương đến với người dân. Cần tăng cường quản lý lễ hội bằng các biện pháp tuyền truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đối với các thành viên trong cộng đồng về văn hóa truyền thống cũng như những quy định của pháp luật có liên quan là việc cần phải làm để kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc. Đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện nếp sống văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng ở đình làng, đặc biệt là việc giáo dục đối với giới trẻ, trên cơ sở đó giúp mọi người nâng cao hiểu biết, xây dựng ý thức trách nhiệm và cách ứng xử có văn hóa mỗi khi họ tham gia. Tổ chức lễ hội ở đình hàng năm cần giữ được các nguyên tắc thẩm mỹ phù hợp với nếp sống văn hóa mới và những nghi thức, tục lệ không còn phù hợp với đời sống hiện đại thì phải loại bỏ.

Thứ hai là công tác bảo quản, tu bổ các ngôi đình trên địa bàn Đồng Tháp cần có sự quy hoạch tổng thể trong việc bảo tồn giá trị lịch sử của đình, làm cho đình làng trở thành trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong giai đoạn mới hiện nay. Chính quyền các cấp cần phải quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra chỉ đạo bảo đảm an ninh, trật tự công cộng, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực. Phối hợp chặt chẽ với với Ban quí tế tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ phục vụ các lễ hội ở đình như sắp xếp các cửa hàng, niêm yết công khai giá hàng hóa, giải quyết triệt để hiện tượng tranh giành, tăng giá, hướng dẫn người dân bảo vệ môi trường, cảnh vật trong không gian đình làng trong mỗi dịp lễ Kỳ yên góp phần bảo đảm mỹ quan. Ngoài ra cần huy động đầu tư bằng nhiều nguồn từ các tổ chức, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, sự đóng góp của nhân dân để trùng tu, tôn tạo, xây dựng lại các ngôi đình, Ban quí tế cần phải bảo đảm việc quản lý sử dụng các nguồn thu chặt chẽ, hiệu quả./.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin