Bài viết

null Vài nét khái quát về tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Vài nét khái quát về tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh

Nguyễn Thị Duyên

Tư tưởng ngoại giao là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Hơn 70 năm qua, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm ra chân lý: “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Người chỉ rõ cách mạng thuộc địa là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới và cuộc cách mạng ấy có thể thành công trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Để bảo đảm cho cách mạng giải phóng dân tộc giành được thắng lợi triệt để thì phải có sự lãnh đạo của đảng vô sản của giai cấp công nhân và phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là một phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và có đảng tiền phong của giải cấp công nhân được vũ trang bằng học thuyết Mác – Lênin lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là những luận điểm trung tâm của chủ tịch Hồ Chí Minh về đường lối cách mạng ở một nước thuộc địa. Nó đã chỉ đạo nhận thức và hành động trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các chặng đường lịch sử.

Độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. Người đã vận dụng học thuyết Mác – Lênin vạch ra đường lối đối nội, đối ngoại phù hợp với điều kiện lịch sử Việt Nam và tình hình thế giới. Người xác định “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”. Tư tưởng độc lập tự chủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho “là cái gốc, điểm mấu chốt của mọi vấn đề”. Trong khi Liên Xô và Trung Quốc bất đồng sâu sắc, Việt Nam với tinh thần độc lập tự chủ, với ý thức đoàn kết và hợp tác quốc tế nên vẫn tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của cả Trung Quốc và Liên Xô. Đường lối độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ hoạt động quốc tế và ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam được tổng hợp từ nhiều nhân tố: địa lý, chính trị, văn hóa, ngoại giao…Đó là sức mạnh vật chất và tinh thần, sức mạnh của truyền thống và hiện đại. Sức mạnh đó được nhân lên khi kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại.

Sức mạnh thời đại luôn mang nội dung mới phù hợp với thực tế cách mạng thế giới và nhân loại. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương “thêm bạn, bớt thù” với phương châm ngoại giao “làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết”. Do vậy “Ai làm cách mạng trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả” và “phải kiếm bạn đồng minh dẫu rằng tạm thời bấp bênh có điều kiện”. Phát huy sức mạnh dân tộc tạo điều kiện để tranh thủ được sức mạnh thời đại, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc, cô lập các thế lực thù địch.

Coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước láng giềng. Ngay từ khi cách mạng Việt Nam còn đang trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, Hồ Chí Minh đã quan tâm xây dựng quan hệ đoàn kết với các lực lượng tiến bộ và cách mạng Trung Quốc, tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của họ đối với cách mạng Việt Nam. Còn với ba nước Đông Dương, Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện chính sách dân tộc tự quyết, hợp tác đấu tranh chống kẻ thù chung. Người nêu cao tư tưởng “…giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”.

Coi trọng xử lý đúng đắn quan hệ với các nước. Từ khi cách mạng Việt Nam mới thành công, Hồ Chí Minh đã khéo léo “hòa Tưởng, chống Pháp” rồi “hòa Pháp, gạt Tưởng” để giữ vững thành quả cách mạng Việt Nam. Với các nước lớn đối lập về ý thức hệ, Hồ Chí Minh rất chú ý tránh đối đầu chừng nào có thể được, theo phương châm “dàn xếp sao cho đại sự thì thành tiểu sự và tiểu sự thì thành vô sự”, cố gắng “không gây thù oán với một ai”. Trong điều kiện cho phép, Người luôn tận dụng cơ hội để giải quyết bằng thương lượng hòa bình.

Ngoại giao là một mật trận. Ngay từ khi giành lại độc lập – đầu thế kỷ XX, ngoại giao Việt Nam đã trở thành một mật trận. Trong điều kiện hiện đại ngoại giao luôn phối hợp nhịp nhàng với đấu tranh chính trị, quân sự, thực hiện “vừa đánh vừa đàm”, đánh địch mọi nơi, mọi lúc. Hiệu quả của ngoại giao phụ thuộc vào sức mạnh tổng hợp của quốc gia, Hồ Chí Minh nói “thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngoại giao luôn thể hiện vai trò quan trọng. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có sự đóng góp to lớn của mặt trận ngoại giao.

Thực tiễn đã chứng minh tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là di sản vô giá, là nền tảng sức mạnh và là chìa khóa để triển khai thắng lợi, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng qua các giai đoạn cách mạng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia. H.2011.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2000, tập 8.
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tập 2.
  4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tập 5.
  5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tập 8.
  6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tập 12.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin