Bài viết

null Ý thức người dân - một trong những nhân tố tạo sự thành công trong công tác phòng, chống dịch

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Ý thức người dân - một trong những nhân tố tạo sự thành công trong công tác phòng, chống dịch

 

  Nguyễn Thị Duyên

Nhìn lại chặng đường mà cả dân tộc đã cùng vượt qua trong khoảng thời gian gần 2 năm để ngăn chặn, để hạn chế, để đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng toàn dân trước một căn bệnh, một loại virut mang tính toàn cầu, không biên giới, với mức độ lây lan nhanh và biến chủng không ngừng xuất hiện thì đất nước ta, dân tộc ta đã đạt được những thành công đáng ghi nhận. Trong rất nhiều những nhân tố góp phần tạo sự thành công đó, vấn đề ý thức của mỗi người dân là một trong những nhân tố quan trọng.

Kể từ ngày 11/3/2020 (tối 11/3 theo giờ Việt Nam), khi Tổ chức Y tế thới giới (WHO) chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid – 19) do chủng mới của virus Corona (SARD-COV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu [1] thì đến nay thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARD-COV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chúng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, như biến thể Delta đang hoành hành tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ hay gần đây nhất là biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên tại một số quốc gia Nam Châu Phi như Nam Phi, Botswana…và hiện tại đã lan tới một số quốc gia ở Đông Nam Á. Sự lây lan của biến thể Omicron đang là mối lo ngại với nhiều quốc gia do chứa hơn 30 đột biến trên protein gai. Các nước tăng cường bao phủ vắcxin, tiêm mũi tăng cường nhằm hướng đến tạo sự miễn dịch cộng đồng, để người dân có thể chung sống an toàn với dịch bệnh, để các trẻ em được đến trường, được học tập, được vui chơi, được giao lưu, để cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Khoảng cách, khẩu trang, sát khuẩn là một trong những biện pháp phòng chống dịch và đây là vấn đề đòi hỏi ý thức tự giác cao của mỗi người. Chúng ta không còn quá lạ lẫm khi bắt gặp hình ảnh một người đi xe, đi bộ hay thậm chí di chuyển bằng các phương tiện trên sông, khẩu trang vẫn luôn hiện diện trên khuôn mặt, chiếc khẩu trang dường như trở thành vật bất li thân với mỗi người, điều mà trước đây chúng ta thấy phần lớn chỉ dành cho các chị em phụ nữ thì nay mang tính phổ quát – cộng đồng. Những hành động nhỏ đó, những việc làm tưởng chừng đơn giản đó nhưng sẽ khó thực hiện nếu người dân không chủ động, không ý thức, không thấy đó chính là quyền lợi và sự an toàn mà mình đang tự bảo vệ chính mình cũng như góp phần tạo nên sự an toàn cho gia đình và xã hội.

Nhìn lại kinh nghiệm phòng chống dịch từ các nước phát triển, chúng ta có thể thấy rõ, dù có lượng vắc xin dồi dào thậm chí dư thừa hỗ trợ đến các nước đang phát triển; Chính phủ quyết liệt trong công tác phòng chống dịch với hàng loạt các biện pháp được đưa ra như thực hiện giãn cách xã hội, cấm người dân tụ tập, mang khẩu trang khi ra ngoài và tham gia tiêm ngừa. Tuy nhiên, chính sự chủ quan của người dân, chính thái độ phản ứng với việc đeo khẩu trang của người dân trong giai đoạn đầu dịch bùng phát đã làm cho đất nước dù thuộc nhóm nước giàu nhất thế giới, dù có hệ thống y tế phát triển cao, dù lượng vắc xin dồi dào nhưng cũng đã phải hứng chịu những hậu quả kinh hoàng với lượng người nhiễm bệnh và người tử vong vì Covid luôn trên 3 con số.

Một câu nói của người phụ nữ trung niên vang lên khi xếp hàng chờ mua ít bó rau, vài gam thịt “sống hơn 40 năm bây giờ tui mới thấy cảnh này”, câu nói chỉ vỏn vẹn vài từ, chỉ là một câu nói thốt lên rất đỗi bình thường của một người đang sống – trải qua – chứng kiến thời Covid. Nhưng chúng ta có thể hiểu phần nào về sự “ý thức” của người dân, có lẽ thật sâu trong tâm khảm một bộ phận ít người nào đó cũng có đôi chút chưa hài lòng nhưng họ hiểu vì sao phải giữ khoảng cách, vì sao phải xếp hàng chờ đợi, nên tất cả đều chấp hành tốt.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ rằng trong công tác phòng, chống dịch, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tích cực tuyên truyền của các phương tiện truyền thông về thông điệp 5K – 5T mà Bộ Y tế khuyến cáo thì ý thức mỗi người dân là một trong những chiếc chìa khóa then chốt chiến thắng đại dịch.

 


[1] http://baochinhphu.vn/Quoc-te/WHO-tuyen-bo-COVID19-la-dai-dich-toan-cau/389702.vgp

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin