Xuất bản thông tin

null Những con người Việt Nam viết tiếp hành trình kết nối văn hóa của Nguyễn Ái Quốc

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Những con người Việt Nam viết tiếp hành trình kết nối văn hóa của Nguyễn Ái Quốc

TS. Nguyễn Quốc Trung

                                                                                 Khoa xây dựng Đảng

Văn hóa kết nối các dân tộc, kết nối nhân loại, văn hóa giúp mọi người trên thế giới vượt qua được sự ngăn cách bởi tiếng nói, màu da, chủng tộc; văn hóa giúp con người chiến thắng được những ham muốn vật chất tầm thường để xích lại gần nhau, cùng nhau vun đắp cho một tương lai mà ở đó sự tự do, bình đẳng, tình yêu thương ngự trị trong tư tưởng và hành động mỗi con người.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu và lựa chọn xuất phát điểm từ văn hóa, từ rất sớm Người đã được tiếp xúc những từ: “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” và được nghe về nền văn hóa của nước Pháp, “… và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy [1]. Nguyễn Tất Thành đã nảy ra một ý tưởng táo bạo là sang tận nơi để “xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta[2]. Ở đây, có thể thấy được, ngay từ đầu, Nguyễn Tất Thành đã có ấn tượng sâu sắc về văn hóa của nước Pháp và các giá trị văn hóa của thời đại. Để rồi, trong quá trình đi khắp thế giới, Người tìm hiểu, lựa chọn các giá trị tích cực, tiến bộ, để kết nối văn hóa, và làm nên một “nền văn hóa tương lai”.

Năm 1923, nhà báo, nhà thơ Xô viết Osip Mandelstam đã viết về Hồ Chí Minh: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu Châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai[3]. Trong cả cuộc đời hoạt động của mình, Nguyễn Ái Quốc đã xuất phát từ nền văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông, Người đã đi khắp thế giới để kết nối văn hóa, và cũng chính quá trình đó đã đưa Người đến được với chủ nghĩa Mác-Lênin - chấp cánh cho các giá trị văn hóa và quay trở lại, Người xác lập và hiện thực hóa các giá trị thời đại trên cơ sở thực tiễn Việt Nam.

Trong thời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua văn hóa, Người đã kết nối các dân tộc, kết nối thế giới, Người đã tạo ra được một mặt trận đoàn kết rộng khắp chưa từng có, không chỉ là sự đoàn kết thống nhất của cả dân tộc, mà còn là sự kết nối với hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân chủ tiến bộ và cả nhân dân các nước đế quốc đang xâm lược Việt Nam; bất cứ nơi nào Hồ Chí Minh đến trên khắp thế giới này, thì ở đó những vấn đề về xung đột lợi ích dân tộc, về sự khác biệt dân tộc,… bị đẩy lùi bởi sự ngự trị vĩnh hằng của tình yêu thương, của lòng bác ái, sự tôn trọng và của giá trị văn hóa.

Năm 1958, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Nehru đã gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Một vị lãnh tụ xuất sắc đồng thời là một chiến sỹ vĩ đại cho tự do”, ông nói: “Chúng ta được tiếp đón một con người, mà người đó là phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử. Do đó chúng ta không chỉ được nâng tầm tư tưởng, suy nghĩ mà còn được lớn lên ở bên Người. Được gặp Người chúng ta trở nên tốt đẹp hơn…Trong thế giới đầy biến động, xung đột và phân ly, thật sung sướng khi Người đến mang lòng tốt của con người và tình bạn, tình thân ái đã vượt lên tất cả"[4].

Giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại (chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược), đây không chỉ là thắng lợi cho dân tộc Việt Nam, mà đó còn là thắng lợi của lương tri, thắng lợi của chân lý, thắng lợi của giá trị tiến bộ. Trong những tác phẩm được viết bởi những người từ bên kia chuyến tuyến: “Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”[5]; “Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu”[6],…đã thể hiện rất rõ giá trị của mục tiêu mà Việt Nam đã lựa chọn. Có lẽ nhận xét của David Halberstam, một nhà nghiên cứu người Mỹ đã nói lên tất cả: “Cụ Hồ Chí Minh chẳng những đã giải phóng đất nước mình, đã thay đổi chiều hướng của chế độ thuộc địa ở châu Á lẫn châu Phi mà Cụ còn làm được một điều đáng chú ý hơn: dùng tới văn hoá và tâm hồn kẻ địch để chiến thắng[7].

Với xuất phát điểm từ những giá trị văn hóa tốt đẹp đã đưa Hồ Chí Minh đến với các nền văn hóa, tiếp cận, tiếp nhận, kết nối và đã tạo ra được một sức mạnh vô cùng to lớn để thúc đẩy cuộc cách mạng Việt Nam phát triển và đi đến thắng lợi. Đồng thời, Hồ Chí Minh còn đặt nền móng, tạo tiền đề cho Đảng, Chính phủ và các thế hệ con người Việt Nam tiếp tục hành trình kết nối văn hóa, kết nối các dân tộc, thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển.

Trong nhiều năm qua, với chính sách đối ngoại đa phương rộng mở và phù hợp, với những nguyên tắc cơ bản được xác định và được hiện thực hóa, Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế với quan điểm rõ ràng và trách nhiệm cao; Việt Nam ký hầu hết các nghị định thư của các tổ chức quốc tế với nhiều những giá trị tích cực, đóng góp chung cho sự phát triển của nhân loại.

Không những thế, Việt Nam đã tích cực đóng góp và cử quân nhân tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc. Từ tháng 6-2014 đến tháng 12-2020, Việt Nam đã cử 179 lượt sĩ quan đi làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình Liên hiệp quốc tại các Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Hoạt động Hòa bình tại trụ sở Liên hiệp quốc. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả hai bệnh viện dã chiến cấp 2 được chỉ huy Phái bộ ở Nam Sudan và Liên hiệp quốc, cũng như chính quyền nước sở tại đánh giá rất cao. Liên hiệp quốc đặc biệt đánh giá cao lực lượng giữ gìn hòa bình của Việt Nam. Hiện Việt Nam đang chuẩn bị Đội Công binh gồm 295 người để sẵn sàng triển khai tham gia sứ mệnh giữ gìn hòa bình Liên hiệp quốc trong thời gian tới [8]. Thành công của lực lượng giữ gìn hòa bình Liêp hiệp quốc chính là vì Việt Nam đã mang văn hóa đến để kết nối văn hóa, Việt Nam mang đến cho nhân dân Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi niềm tin, niềm hy vọng, mang đến cho họ một thông điệp về một thế giới tốt đẹp, về tình thương, về lòng bác ái, về sự tôn trọng về những giá trị văn hóa mà cốt lõi là giá trị của con người.

Hơn thế nữa, với tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng thế giới, trong khi thực hiện nhiệm vụ trong các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã có nhiều đề xuất rất tích cực, chủ yếu là nhằm phục vụ cho sự gắn kết của thế giới, trách nhiệm của các nước đối với các vấn đề thiên niên kỷ và đã được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao các sáng kiến.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong lĩnh vực kinh tế, Tập đoàn Viettel của Việt Nam đã thực hiện chiến lược đầu tư ra bên ngoài, trong nhiều năm qua, Tập đoàn Viettel đã tiến hành đầu tư mạng viễn thông ở Lào, Campuchia, Philippines, Haiti, Mozambique,…việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế là một chuyện rất bình thường và vấn đề lợi nhuận luôn là ưu tiên hàng đầu của các đơn vị. Nhưng nhìn lại những thị trường mà Tập đoàn Viettel của Việt Nam đầu tư mới thấy rõ giá trị, đó là những thị trường mà nếu đem yếu tố lợi nhuận đặt lên bàn cân thì sẽ thấy không khả thi, chính vì thế, các tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới của các nước lớn trên thế giới đã không tham gia, vì ở đó các lợi ích kinh tế và sự ảnh hưởng của chính trị đều không có lợi cho các nước. Với những thị trường đó, Viettel chắc chắn hiểu rõ ý nghĩa của vấn đề lợi nhuận, tuy nhiên, với Viettel mang ánh sáng tri thức, kết nối văn hóa các dân tộc có ý nghĩa lớn hơn nhiều vấn đề lợi nhuận.

Gần đây, trên diễn đàn mạng xã hội, rất nhiều người quan tâm đến Quang Linh Vlogs là một YouTuber nổi tiếng trên mạng xã hội. Kênh YouTube của anh có nội dung xoay quanh cuộc sống ở châu Phi với nhiều việc làm ý nghĩa giúp đỡ người dân bản địa đã thu hút hơn 2,5 triệu người theo dõi. Hành trình lao động, sáng tạo, sẻ chia và kết nối để đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam gần gũi hơn với bạn bè quốc tế của Quang Linh Vlogs khiến nhiều người cảm phục.

Kênh YouTube của Quang Linh Vlogs cũng giống như bao kênh YouTube khác và sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như chúng ta không thấy được ý nghĩa to lớn, thậm chí có thể gọi đó là những việc làm vĩ đại từ những việc rất đỗi bình thường, nó khác biệt với những việc làm rất vĩ đại của các tỷ phú nổi tiếng thế giới, như Bill Gates, Warren Buffett,..thông qua các quỹ từ thiện đã đổ hàng tỷ đôla để giúp đỡ những người dân nghèo Châu Phi, nhưng kết quả thu lại thì “nghèo vẫn hoàn nghèo”, “đói vẫn hoàn đói”. Thông qua những việc làm của mình ở Angola, các bạn trẻ Việt Nam trong nhóm Quang Linh Vlogs đã làm được những điều hết sức có ý nghĩa cho người dân Angola: các bạn đã mang ánh sang tri thức đến cho những người dân nghèo (chương trình 5000 bạn trẻ đến trường); các bạn đã mang cơ hội được chăm sóc sức khỏe đến cho người dân (xây dựng các trạm ý tế miến phí); các bạn đã mang điện và nước sạch đến cho người dân (lắp điện mặt trời và khoan giếng nước sạch); các bạn đã mang đến cho người dân kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi (chương trình giúp người dân khai hoang trồng, chăm sóc ngô, rau,…và chăn nuôi lợn, dê,…); các bạn đã mang đến cơ hội chỗ ở cho những người già neo đơn, những trẻ em mồ côi; các bạn đã nhiệt tình kêu gọi hỗ trợ để trực tiếp cứu trợ cho người dân khi tình trạng thiếu đói kéo dài,…chỉ có 4 bạn trẻ Việt Nam và cùng đồng hành có 5 người bạn Angola, do điều kiện hạn chế và những việc làm của các bạn quy mô không lớn nhưng các bạn đã làm được điều rất quan trọng đó là thắp sáng niền tin cho những người dân yếu thế ở những bản làng xa xôi ở Angola, giúp họ tự tin đứng dậy và tự tin thay đổi chính mình, tự lực trong sản xuất để tự nuôi bản thân và gia đình, đồng thời còn biết liên kết để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong khó khăn.

Trong toàn bộ những việc làm của các bạn, mọi người trong chúng ta đều thấy rõ giá trị của tình yêu thương, lòng bác ái, sự tôn trọng, những người Việt Nam rất tự hào vì những việc làm hết sức có ý nghĩa của các bạn. Các bạn đã viết tiếp hành trình kết nối văn hóa đã được Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đặt nền móng và nó vẫn mãi là dòng chảy xuyên suốt trong mỗi con người, quốc gia dân tộc Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử thế giới. Chỉ có tình yêu thương, lòng bác ái, sự tôn trọng mới có thể kết nối được nhân loại, kết nối văn hóa sẽ đẩy lùi chiến tranh, đẩy lùi sự khốn cùng và thúc đẩy thế giới tiến bộ và phát triển – điều làm nên giá trị và bản chất người trong mỗi con người./.

-----------------------

Tài liệu tham khảo:

1/- Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tập 1.

2/- Hồ Chí Minh - Nhà văn hoá kiệt xuất, Nxb CTQG, Hà Nội, 1999 (David Halberstam - Hồ - Random house, New york, 1970)

3/- Hồ Chí Minh - Một người châu Á của mọi thời đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

4/- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Bác Hồ với Ấn Độ, Nxb Thông Tấn, Hà Nội, 2003.

5/- Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb CTQG, Hà Nội, 1994.

6/- Robert S. Mc Namara: “Nhìn lại quá khứ-tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, (1995), Nxb CTQG, Hà Nội.

7/- Trần Trọng Trung: “Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu”, (2004), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 

8/- Mỹ Hạnh: Việt Nam tham gia hiệu quả vào sứ mệnh giữ gìn hòa bình Liên hiệp quốc, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 7/1/2021 https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/viet-nam-tham-gia-hieu-qua-vao-su-menh-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc


[1] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tập 1, tr 22

[2] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb CTQG, Hà Nội, 1994, tr 13

[3] Hồ Chí Minh - Một người châu Á của mọi thời đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.278.

[4] Bảo tàng Hồ Chí Minh: Bác Hồ với Ấn Độ, Nxb Thông Tấn, Hà Nội, 2003.

[5] Robert S. Mc Namara: “Nhìn lại quá khứ-tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, (1995), Nxb CTQG, Hà Nội.

[6] Trần Trọng Trung: “Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu”, (2004), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

[7] Hồ Chí Minh - Nhà văn hoá kiệt xuất, Nxb CTQG, Hà Nội, 1999, tr. 123 (David Halberstam - Hồ - Random house, New york, 1970)

[8] Mỹ Hạnh, Việt Nam tham gia hiệu quả vào sứ mệnh giữ gìn hòa bình Liên hiệp quốc, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 7/1/2021 https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/viet-nam-tham-gia-hieu-qua-vao-su-menh-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc