Xuất bản thông tin

null Vai trò của Đảng ta trong xây dựng chế độ chính trị xã hội mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Vai trò của Đảng ta trong xây dựng chế độ chính trị xã hội mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 

ThS. Nguyễn Văn Hiền, Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

Đất nước ta trải qua hơn 35 năm đổi mới, công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã và đang đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, cho phép ta khẳng định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta là đúng đắn, phù hợp với đặc điểm Việt Nam và xu thế phát triển chung của nhân loại.

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội Đảng ta đã không ngừng kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện thực tiễn ngày nay để phát triển đất nước. Trong đó, Đảng lãnh đạo xây dựng chế độ chính trị xã hội mới, phát huy quyền làm chủ người dân là một nhiệm vụ quan trong trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Tuy nhiên, thực tiễn về mục tiêu con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội luôn bị các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ định, chống phá. Từ đó, Đảng ta xác định kiên định mục tiêu là độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, đồng thời kiên quyết phê phán các luận điệu thù địch tấn công, xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội. Trước những biến động to lớn của lịch sử, trước những âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, trước những diễn biến tình hình thế giới hiện nay, đã khẳng định chân lý tất thắng của chủ nghĩa xã hội, việc thấm nhuần và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng phát triển đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Theo Hồ Chí Minh, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng chế độ chính trị xã hội mới phải là do nhân dân lao động làm chủ. Người nói: “Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”[1]. Trong Nhà nước đó, mọi người dân có quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan nhà nước, có quyền kiểm soát đối với đại biểu của mình, “có quyền bãi miễn đại biểu quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”[2]. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình chủ yếu bằng Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, do đó Người đòi hỏi: “Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội”[3].

Trong nhà nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân thì Chính phủ là gì? Người trả lời: “Là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ... Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”[4]. Vì vậy, Hồ Chí Minh đòi hỏi người cầm quyền phải không ngừng tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm liêm, chính, chí công vô tư, phải “sửa đổi lối làm việc” chống tham ô lãng phí, quan liêu. v.v...

Một mặt, Hồ Chí Minh yêu cầu đảng viên, cán bộ, các cơ quan công quyền phải làm tròn trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân, thì bên cạnh đó Người cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa quyền làm chủ với nghĩa vụ và tinh thần, trách nhiệm của người làm chủ. “Đã là người chủ Nhà nước thì phải chăm lo việc nước như việc nhà... Đã là người chủ thì phải biết tự mình lo toan gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ”[5].  Mọi người công dân trong xã hội đều có nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng và chấp hành pháp luật, tôn trọng và bảo vệ của công, đồng thời có nghĩa vụ học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt để “xứng đáng vai trò của người chủ”.

Trong xây dựng chế độ xã hội mới - xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người cũng xác định trước hết đó là chế độ do nhân dân lao động làm chủ do Đảng cộng sản lãnh đạo và do Nhà nước quản lý. Điều đó cũng chính là Người đã chỉ ra những yêu cầu đảm bảo xây dựng chế độ chính trị của xã hội mới thành công. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết bao giờ cũng đề cập đến sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” khi đặt vấn đề để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội Hồ Chí Minh đã viết: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì” và Người đã khẳng định: cách mạng “trước hết phải có Đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức quần chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy” [6]. Thực tiễn, từ khi có sự lãnh đạo của Đảng, Đảng ta dẫn dắt đưa cả dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và sự nghiệp đổi mới đất nước ta qua hơn 35 năm đổi mới, đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta.

Trong điều kiện mới hiện nay khi chúng ta tiến hành hội nhập quốc tế, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng khó khăn hơn, to lớn hơn, phức tạp hơn để xứng đáng vai trò lãnh đạo của mình. Trước hết, Đảng phải làm tốt công tác cán bộ, phân công bố trí cán bộ, đảng viên của Đảng một cách phù hợp ở các cơ quan Nhà nước để tham gia các lĩnh vực đời sống xã hội, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là một vấn đề hết sức quan trọng trong việc xây dựng chế độ mới, Người nói: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng bị tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể được thực hiện”[7]. Cách mạng là sự nghiệp khó khăn, lâu dài, gian khổ, đòi hỏi cần có sự lãnh đạo của một Đảng chân chính cách mạng, bao gồm trong đó đảng viên, những con người tiên tiến dám hy sinh vì sự nghiệp cách mạng và có năng lực hoàn thành các nhiệm vụ mà lịch sử đặt ra. Chính vì vậy, từ khi ra đời đến nay, lúc nào Đảng ta cũng coi trọng công tác cán bộ. Nhờ đó, Đảng đã xây dựng được các thế hệ cán bộ hùng hậu kế tiếp nhau qua các chặng đường cách mạng. Nhìn chung đội ngũ cán bộ đó đã được tôi luyện, trưởng thành, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, hết lòng phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Trong xây dựng chế độ chính trị xã hội mới, bên cạnh phát huy vai trò làm chủ của người dân, Đảng còn phải chăm lo đầy đủ đến mọi mặt của đời sống nhân dân, từ việc nhỏ đến việc lớn. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Bác đã chỉ rõ mục tiêu của Nhà nước: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.  Chúng ta phải thực hiện ngay:  1. Làm cho dân có ăn.  2. Làm cho dân có mặc.  3. Làm cho dân có chỗ ở.  4. Làm cho dân có học hành”[8]. Đảng phải làm nhiều việc như xây dựng nhà máy, phải làm cho người nông dân, công nhân ăn no mặc ấm, làm cho nước càng ngày càng mạnh, dân càng ngày càng giàu… Bác cũng chỉ ra chính trong lúc này, để thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội thì Đảng cầm quyền phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận, phẩm chất đạo đức ngang tầm với nhiệm vụ đặt ra. Bác khẳng định: “Trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đảng phải mạnh dạn hơn bao giờ hết… muốn thế phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, phải tổ chức học tập lý luận trong Đảng; trước hết trong cán bộ cốt cán của Đảng”[9]. Vì vậy, trong xây dựng chế độ xã hội mới cần phải có “Người tốt, việc tốt”, Người chỉ ra những nguy cơ của cán bộ dễ mắc phải những sai lầm sau chiến thắng: “Một dân tộc, một đảng, và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[10]. Do vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn gắn với quá trình phát triển liên tục của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trước diễn biến của điều kiện khách quan, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc. Vì vậy, việc xây dựng chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng,  đạo đức, tổ chức và cán bộ phải được làm thường xuyên, liên tục để làm sao cho mỗi người cán bộ, đảng viên của ta dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải xác định mình là người lãnh đạo, người phục vụ, người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân, Bác nhấn mạnh: Làm đày tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân”[11]. Chính “cái chất” của gười đảng viên là động lực to lớn thúc đẩy cho tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta vững chắc. Để tạo niềm tin của Nhân dân và phát huy vai trò của Nhân dân trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ, đảng viên như: văn hoá, pháp luật, nghiệp vụ, và quan trọng nhất là phải có đạo đức cách mạng trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để xứng đáng là công bộc của nhân dân.

Xây dựng chế độ chính trị xã hội mới tốt đẹp – xã hội xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là một mục tiêu lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì như thế mới phát huy được sức mạnh của người dân để tiến lên thực hiện các mục tiêu khác của chủ nghĩa xã hội. Chính những niềm tin, động lực, sức mạnh to lớn từ Nhân dân đã góp phần làm nên những chiến thắng, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Qua hơn 35 đổi mới đất nước, Đảng tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới là nhân tố quyết định sự thắng lợi xây dựng chế độ chính trị xã hội mới trong sự nghiệp cách mạng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội nước ta, đưa đất nước vượt qua nguy cơ, nắm lấy vận hội, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội 2011, t.12, tr.370

[2] Sđd, t.12, tr. 375

[3] Sđd, t.12, tr. 374

[4] Sđd, t.5, tr. 75

[5] Sđd, t.13, tr. 67

[6] Sđd, t. 2, tr. 289

[7] Sđd, t. 5, tr. 68

[8] Sđd, t. 4, tr. 175

[9] Sđd,  t. 11, tr. 93

[10] Sđ d, t. 15, tr. 672

[11] Sđd, t. 15, tr. 292