Xuất bản thông tin

null Cải cách thủ tục hành chính ở Đồng Tháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Tin tức Công tác đào tạo

Cải cách thủ tục hành chính ở Đồng Tháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Nguyễn Thanh Tuấn

Khoa Nhà nước và Pháp luật

Là một tỉnh nằm ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, thuộc vùng Tây Nam Bộ, vốn là một tỉnh thuần nông, có đường biên giới giáp với Campuchia, trước đây Đồng Tháp được đánh giá là một khu vực “khuất nẻo”. Thế nhưng, vượt qua khó khăn về địa lý và tiềm lực hạn chế của địa phương, Đồng Tháp đã có những quyết sách, đề án làm thay đổi bộ mặt quê hương. Một trong những quyết sách, đề án tạo nên tên tuổi của Đồng Tháp không thể không kể đến đó là đề án cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Với 11 đơn vị hành chính cấp huyện, công tác CCHC luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện, xã. Năm 2019, công tác CCHC của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong khuôn khổ bài viết tác giả xin giới thiệu những thành công đáng ghi nhận trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Tỉnh trong năm qua.

  1. Công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2019

Đơn giản hóa TTHC là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong các nhiệm vụ CCHC của tỉnh nhà. Thực hiện chủ trương đó Tỉnh đã coi trọng từ khâu chỉ đạo cho tới tổ chức thực hiện và sơ, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm. Ngay từ đâu năm Tỉnh đã ban hành: Kế hoạch kiểm soát TTHC và truyền thông về hoạt động kiểm soát TTHC năm 2019; kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2019 trên địa bàn tỉnh; kế hoạch kiểm tra công tác kiểm soát TTHC và thành lập Đoàn kiểm tra công tác kiểm soát TTHC năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2019, đã thành lập đoàn công tác kiểm tra công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh, bao gồm: 08 sở, ngành tỉnh, 12/12 huyện, thị xã, thành phố và 60/144 xã, phường, thị trấn.

Việc công bố TTHC đã được thực hiện thông suốt từ Tỉnh đến tận xã, phường, thị trấn. Trong năm 2019, đã có 12 sở, ngành Tỉnh thực hiện với 1.804 TTHC được công bố, trong đó, thuộc thẩm quyền cấp tỉnh giải quyết là 1.371 TTHC; cấp huyện là 281 TTHC; cấp xã là 152 TTHC.

Bên cạnh đó, công tác rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC được tập trung thực hiện với kết quả như sau: tổng số TTHC kiến nghị đơn giản hóa: 421/1.801 thủ tục, đạt 23,37% tổng số TTHC của tỉnh. Tổng chi phí tiết kiệm sau rà soát (dự kiến): 52.856.371.500 đồng/năm.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được kiện toàn và khắc phục những hạn chế, thiếu sót qua các đợt kiểm tra CCHC và kiểm tra kiểm soát TTHC năm 2019. Tiếp tục ứng dụng phần mềm một cửa điện tử tại các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, kết nối hệ thống thông tin điện tử 03 cấp chính quyền và kết quả giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế một cửa liên thông đối với một số lĩnh vực; mở rộng danh mục TTHC thực hiện theo Mô hình hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân ở cấp tỉnh và cấp huyện; chỉ đạo tiếp tục xây dựng các video clip hướng dẫn về TTHC trên địa bàn tỉnh; rà soát, thống kê các TTHC có liên quan nhằm phối hợp giải quyết liên thông; ban hành Quyết định công bố danh sách cán bộ, công chức làm đầu mối kiểm soát TTHC tại Văn phòng UBND Tỉnh và các sở, ban, ngành thuộc UBND Tỉnh... Đặc biệt, từ ngày 01/8/2019, Đồng Tháp đã triển khai mô hình “04 tại chỗ trong 01 ngày làm việc” đối với việc giải quyết 23 TTHC về thành lập và hoạt động doanh nghiệp tại Trung tâm Kiểm soát TTHC và phục vụ hành chính.

 

Công dân giao dịch thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TPCL. ảnh Báo Đồng Tháp

UBND Tỉnh cũng đã sơ kết thực hiện giai đoạn 1, giai đoạn 2 và triển khai giai đoạn 3 (bắt đầu từ 01/8/2019) Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc thí điểm cho thấy những ưu điểm nổi bật của mô hình như: Tiết giảm chi phí đầu tư cơ sở vật chất và chi thường xuyên; giảm tải khối lượng công việc tại Bộ phận Một cửa và đơn vị chuyên môn; ý thức, thái độ phục vụ đối với tổ chức, công dân tốt hơn; tổ chức, công dân tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức khi thực hiện TTHC... Qua thực tiễn triển khai của Đồng Tháp, ngày 04/5/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản lấy ý kiến các địa phương về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án triển khai nhân rộng ở các địa phương khác. Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh, Đề án thí điểm đã được triển khai thực hiện tại 08 sở, 11/12 huyện, thị xã, thành phố và 29 xã, phường trên địa bàn tỉnh. Trong quý IV, Văn phòng UBND Tỉnh kịp thời chỉ đạo các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của mô hình.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải cách TTHC của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách TTHC ở một số sở ngành và địa phương chưa thực sự quyết liệt, một số nội dung đưa ra trong kế hoạch chưa sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình hoặc chậm so với thời gian quy định. Tình trạng giải quyết TTHC chưa đúng hạn vẫn còn diễn ra, người dân phải đi lại nhiều lần, gây phiền hà cho người dân làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện CCHC cũng như sự hài lòng của người dân.

  1. Một số giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Đồng Tháp

Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Thủ tướng chính phủ ban hành chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và Quyết định 305/QĐ-UBND-HC ngày 17/3/2016 ban hành kế hoạch CCHC tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 – 2020, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các ngành, các cấp trong CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng.

Người đứng đầu cơ quan hành chính các ngành, các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy CCHC tại cơ quan đơn vị mình đi vào chiều sâu và thiết thực hơn, gắn kết kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC với công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc để kịp thời phát hiện những sai phạm, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời xử lý những cán bộ, công chức có hành vi, thái độ sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền hoặc gây phiền hà đối với tổ chức và công dân nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm triển khai đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả các quy định của Trung ương trên địa bàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để kịp thời sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản hiện hành. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát TTHC; thường xuyên tổ chức lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức về thực hiện TTHC; tiến hành rà soát, đơn giản hóa TTHC đưa vào thực hiện tại Trung tâm tâm phục vụ hành chính công theo hướng tinh gọn, dễ thực hiện.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Cán bộ, công chức đóng vai trò quan trọng trong hoạt động công vụ, xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung được quyết định bởi phẩm chất, năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc thực hiện TTHC có hiệu quả cao hay không cũng là do đội ngũ làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính và các cán bộ, công chức liên quan đến quy trình thực hiện liên thông liên quan đến trách nhiệm của hai hay nhiều cơ quan khác nhau. Do đó, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đặc biệt là những kỹ năng nghiệp vụ hành chính, đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, sự năng động, trung thực, kỷ cương, gương mẫu, tận tâm phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội trong giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức...

Bốn là, tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong giải quyết TTHC.

Trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, cán bộ, công chức cần được trang bị những phương tiện, thiết bị tiên tiến cần thiết nhằm giúp cho hoạt động quản lý và phục vụ ngày càng hiệu quả hơn.   Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, coi đây là một đòi hỏi khách quan của công tác cải cách TTHC và cũng là một giải pháp hữu hiệu đảm bảo cho mọi hoạt động có hiệu quả. Công nghệ thông tin được coi là công cụ hỗ trợ đắc lực phục vụ cho cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, giúp công việc được giải quyết nhanh gọn, chính xác; giúp công tác kiểm tra, giám sát của lãnh đạo được thực hiện thuận lợi./.