Xuất bản thông tin

null Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ trong công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp hiện nay

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ trong công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp hiện nay

Lê Minh Sơn – Khoa Xây dựng Đảng

Phụ nữ luôn có một vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế thì vị trí, vai trò của người phụ nữ lại càng được nâng lên ở một tầm cao mới. Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đang phát triển mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, có rất nhiều dự án khởi nghiệp thành công đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, không ít những dự án đó là do phụ nữ làm chủ. Để phong trào khởi nghiệp của phụ nữ đất Sen Hồng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng Đồng Tháp trở thành địa phương khởi nghiệp cần sự chung tay, góp sức của của nhiều cá nhân, tập thể, ban ngành, doanh nghiệp. Trong đó, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ (LHPN) tỉnh Đồng Tháp, cơ quan chịu trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác Hội và phong trào phụ nữ trong tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng.

Phong trào khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh Đồng Tháp thời gian qua

Phụ nữ đất Sen Hồng với truyền thống anh hùng cách mạng, ý tự lực vươn lên, đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, ham học hỏi đã mạnh dạn bước ra “góc bếp, vườn nhà” tham gia vào các hoạt động cộng đồng, xã hội, thực hiện các mô hình kinh doanh, khởi nghiệp. Theo kết quả thống kê, từ năm 2017 đến 2019, Hội LHPN các cấp ở Đồng Tháp đã hỗ trợ được 411 phụ nữ khởi sự kinh doanh (vượt chỉ tiêu hơn 210% Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Đồng Tháp); tổ chức 222 lớp dạy về kinh doanh, phát triển nghề cho 6.125 phụ nữ trong các lĩnh vực may công nghiệp, sản xuất làm nhang xuất khẩu, đan ghế nhựa, thuê rua, đan lục bình…; duy trì hỗ trợ 287 sản phẩm khởi nghiệp, hỗ trợ mới 144 sản phẩm (về thẩm định, nắm nhu cầu, tiếp cận sản phẩm, đăng ký giấy phép kinh doanh, phiếu kết quả thử nghiệm sản phẩm, hướng dẫn tiếp cận vốn…). Hiện toàn tỉnh hỗ trợ được 431 sản phẩm. Tham gia 6 đợt trưng bày, giới thiệu và bán hàng, mỗi đợt từ 40-100 sản phẩm khởi nghiệp.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Tôn Hoàng trao bằng khen cho các tấm gương phụ nữ tiêu biểu, điển hình. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

        Không chỉ biến ý tưởng thành sản phẩm, nhiều dự án khởi nghiệp của các Chị đã tạo dựng được thương hiệu và đang phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Nhiều tấm gương phụ nữ sen hồng khởi nghiệp đã được vinh danh tại các cuộc thi, diễn đàn lớn trong nước. Có thể kể đến: dự án “Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm handmade (làm bằng tay) ứng dụng từ chất liệu vải dệt của làng nghề dệt khăn choàng Long Khánh A, huyện Hồng Ngự” của cô gái trẻ Huỳnh Ngọc Như (SN 1994) góp phần giữ gìn và phát triển làng nghề dệt khăn choàng trăm tuổi; Đoàn Ngọc Minh Thùy (28 tuổi) Giám đốc Công ty TNHH tinh dầu Hương Đồng Tháp đã chưng cất tinh dầu từ các phụ phẩm nông nghiệp như lá xả, bưởi, sen góp phần đưa “Hương Đồng Tháp” bay xa. Không chỉ có người trẻ khởi nghiệp, Đồng Tháp còn có nhiều phụ nữ tuy đã lớn tuổi, còn nhiều khó khăn về điều kiện gia đình, kinh tế, trình độ nhưng vẫn mạnh dạn khởi nghiệp và thành công như Cô Lê Thị Rớt (SN 1967) thị trấn Lấp Vò, Cô Trần Thị Lan (SN 1971) huyện Hồng Ngự với Mô hình sản xuất kinh doanh khô từ các loại cá truyền thống đã vượt qua khó nghèo, vươn lên khá giả.

Vai trò của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Đồng Tháp trong công tác hỗ trợ phụ nữ  khởi nghiệp

Hội LHPN Tỉnh Đồng Tháp vừa là cơ quan tổ chức, thực hiện các phong trào thi đua khởi nghiệp cho phụ nữ vừa là đối tượng thụ hưởng những thành quả mà khởi nghiệp mang lại cho các Chị em. Hội LHPN Tỉnh Đồng Tháp thời gian qua đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm khơi gợi, thúc đẩy, biến ý tưởng khởi nghiệp của Chị em thành hiện thực. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội LHPN tỉnh đã thống nhất thực hiện chỉ tiêu: “phấn đấu đến năm 2021, toàn tỉnh hỗ trợ ít nhất 500 Phụ nữ khởi nghiệp hoặc khởi sự kinh doanh và xác định “Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp” là khâu đột phá trong công tác Hội. Vai trò của Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp trong công tác hỗ trợ phụ nữ  khởi nghiệp được thể hiện ở 3 khâu chủ yếu:

Một là, tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Hai là, trang bị kỹ năng, hỗ trợ phụ nữ kinh doanh và  khởi nghiệp, biến những  ý tưởng thành hiện thực.

Ba là, tham mưu và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong khởi sự  kinh doanh và khởi nghiệp cho phụ nữ.

Một số giải pháp phát huy vai trò của Hội LHPN trong công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp hiện nay

Một là, cần phải đổi mới và sáng tạo đối với công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ khởi nghiệp.

Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động phụ nữ khởi nghiệp. Tuyên truyền, vận động không chỉ là thuyết trình, truyền thanh, báo đài hay gặp gỡ trực tiếp mà có thể tổ chức qua các cách thức, mô hình sinh hoạt mang tính gắn kết như câu lạc bộ, phiên chợ xanh, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, hội chợ, ngày hội khởi nghiệp, tổ chức giao lưu giữa các cơ sở khởi nghiệp…

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến Binh, Hội Nữ Doanh nghiệp...trong công tác vận động phụ nữ khởi nghiệp. Vì các tổ chức này có mối quan hệ mật thiết, giúp đỡ, bổ sung cho nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Thường xuyên biểu dương, khen thưởng các tấm gương khởi nghiệp thành công. Qua đó, kích thích ý chí, tinh thần khởi nghiệp của Chị em phụ nữ, giúp họ tự tin, vượt qua khó khăn, thử thách, mạnh dạn tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội.

Thường xuên theo dõi, chăm lo, động viên các cá nhân, tập thể phụ nữ đang trong quá trình khởi nghiệp nhưng còn chưa thành công để hun đúc tinh thần, kịp thời hỗ trợ khi cần thiết.

Hai là, tăng cường công tác trang bị kỹ năng, hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ bằng những hành động cụ thể.

Để khởi nghiệp thành công, người khởi nghiệp nói chung, phụ nữ khởi nghiệp nói riêng cần được trang bị đầy đủ các kiến thức thức về chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến khởi nghiệp; kinh nghiệm thực tiễn từ những người khởi nghiệp đi trước, các mô hình, cách làm hay; cũng như tạo dựng mối quan hệ kết nối trong “hệ sinh thái khởi nghiệp”. Một số cách làm hay đã, đang và sẽ thực hiện cần tiếp tục phát huy như: tổ chức phiên chợ xanh; tổ chức ngày Ngày Phụ nữ “sáng tạo, khởi nghiệp”; hỗ trợ và tổ chức các dự án, cuộc thi khởi nghiệp; thành lập các tổ tư vấn, hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ; tổ chức các Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, Nông nghiệp sạch, trưng bày và giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước như tham gia Hội chợ quốc tế…

Ba là, tích cực và chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào phụ nữ khởi nghiệp trong tỉnh.

Trong công tác tham mưu, đề xuất các hoạt động, chính sách cho phong trào phụ nữ khởi nghiệp phải tích cực, chủ động và gắn với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, nội lực và tiềm tăng của địa phương, của những nhà nữ khởi nghiệp. Để làm tốt công tác này, các cấp Hội Phụ nữ trước hết phải nắm vững các chủ trương, chính sách, quy định, chương trình, dự án, kế hoạch liên quan đến khởi nghiệp từ trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó, phải tăng cường đi thực tế để nghiên cứu thực tiễn các hình thức, mô hình khởi nghiệp thành công và thất bại ở các địa phương để có những đề xuất sát thực, phù hợp với điều kiện của tỉnh nhà.

Phụ nữ cả nước nói chung, phụ nữ Đồng Tháp nói riêng đã và đang có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.  Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác vận động phụ nữ khởi nghiệp chính là thực hiện tốt kế hoạch số 57/KH-UBND của UBND tỉnh Đồng Tháp về “triển khai thực hiện quyết định số 939/QĐ-TTG ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”, kế hoạch số 06/KH – BCH của Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp về “Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp” giai đoạn 2016 – 2021, để Phụ nữ đất Sen Hồng “tự tin khởi nghiệp, tự lực vươn lên” góp phần xây dựng Đồng Tháp thành một địa phương khởi nghiệp trong tương lai./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ts. Trần Thị Mai Thanh, Ths. Vũ Kim Yến (2017), Bác Hồ với Phụ nữ, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

2. Kế hoạch số 57/KH-UBND của UBND tỉnh Đồng Tháp ngày 08/3/2018 về “triển khai thực hiện quyết định số 939/QĐ-TTG ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”

3. Kế hoạch số 06/KH – BCH của Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp ngày 09/12/2016 về “Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp” giai đoạn 2016 – 2021.

4. Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2016 – 2021).

5. Bài viết: Sức sống mới từ phong trào Phụ nữ Khởi nghiệp (http://www.baodongthap.vn/newsdetails/1D3FE18EA1B/Suc_song_moi_tu_phong_trao_phu_nu_khoi_nghiep.aspx)

6. https://phunuvietnam.vn/hon-400-phu-nu-dong-thap-duoc-ho-tro-kinh-doanh-khoi-nghiep-63335.htm