Xuất bản thông tin

null “19 tháng 5” – Nhớ tấm gương học ngoại ngữ của Bác

Bài viết Tin tức - Sự kiện

“19 tháng 5” – Nhớ tấm gương học ngoại ngữ của Bác

Nguyễn Thanh Tuấn

Khoa Nhà nước và Pháp Luật

         

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già dân tộc, đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Mặc dù Người đã đi xa nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người mãi là ngọn đuốc soi đường cho thế hệ hôm nay và mai sau đi theo. Một trong những tấm gương quý báu đó, chính là tấm gương học ngoại ngữ của Người.

          Năm 1911, ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, Người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi ấy chỉ mới hai mươi mốt tuổi với một khát vọng mãnh liệt đó là tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đưa dân tộc thoát khỏi ách thống trị của thực dân, phong kiến. Chính khát vọng ấy đã tạo nên trong con người Người thanh niên đó một sức mạnh phi thường, một ý chí bền bỉ trong việc tự học, tự đào tạo để có đủ khả năng cứu dân, cứu nước. Chuyến hành trình này đưa Người đến nhiều nước trên thế giới, mang lại cho Người hiểu biết về các nền văn hóa trên thế giới cũng như cơ hội được chứng kiến nhiều cảnh đời khác nhau của các tầng lớp trong xã hội để từ đó Người có những nhận thức đúng đắn nhất để xác định được con đường đến với chân lý. Trong quá trình hoạt động gian khổ đó, một phương tiện vô cùng quan trọng và cần thiết mà Người luôn trau dồi và luôn giúp ích hỗ trợ cho Người trong giao tiếp và hoạt động chính trị đó chính là vốn ngoại ngữ của nhiều nước khác nhau, nơi Người đã từng sống và hoạt động. Bôn ba trên đất khách quê người, với vốn ngoại ngữ còn khiêm tốn, thời gian làm việc để kiếm tiền mưu sinh đã khó thì có đâu đến việc được đến trường, đến lớp mà học tập. Thế nhưng, điều đó không làm Bác chùn bước, dù mỗi ngày phải làm việc vất vả đến tận khuya mới xong, cơ thể mệt lừ, thay vì dành thời gian nghỉ ngơi, Bác lại tranh thủ tự học trong khi những người bạn làm chung nghỉ ngơi hoặc đánh bài. Chính sự chăm chỉ, cần cù đó, Bác đã biết được hơn mười thứ tiếng, trong đó đọc thông và viết thạo trên tám thứ tiếng.

Khi vừa đặt chân lên tàu để đến Pháp, mọi sinh hoạt hàng ngày và công việc phục vụ mục đích cứu nước của Bác đều phải sử dụng tiếng Pháp. Thế là, mục tiêu Bác đặt ra là quyết tâm “Nhất định phải học viết cho kỳ được”. Lúc rảnh rỗi là Bác tìm đến hai anh lính trẻ để mượn sách, nghe được câu gì là tranh thủ ghi chép lại và học thuộc. Bác vừa học vừa làm, có khi còn viết cả vào cánh tay, tối về chép lại ra giấy, được câu nào là thực hành ngay. Ban đầu là một vài từ, sau đó là ghép thành đoạn, dần dần là một bài dài. Về sau Người tìm đến các tờ báo của Pháp để xin được viết bài đăng báo, mỗi bài Người đều viết làm hai bản, một gửi đi, một giữ lại để có gì còn sửa. Từ người tham gia Bác đã trở thành chủ bút của tờ báo “Người cùng khổ” viết bằng 03 thứ tiếng: Tên báo bằng tiếng Pháp đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và bên phải là chữ Hán, tất cả đều do Bác viết. Nhiều bài báo khác do Bác viết được đăng trên nhiều tờ báo có giá trị lúc đương thời, trong đó nổi tiếng với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Những bài viết đó đã phản ánh khả năng lĩnh hội ưu việt ở Người về lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của nhân loại. Đặc biệt còn cho ta thấy về khả năng thống kê, sự nhạy cảm sâu sắc về tư duy và nhãn quan chính trị tuyệt vời ở Người. Đọc những tác phẩm ấy, không chỉ thuyết phục được những học giả uyên thâm bậc nhất lúc bấy giờ mà còn mãi giá trị cho đến tận ngày nay.

Không dừng lại ở việc khả năng tiếng Pháp của Bác rất thông thạo, qua quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tự trau dồi nhiều ngôn ngữ của các dân tộc khác, trong đó có tiếng Anh. Bác đã đến và sống tại nước Anh khoảng 4 năm, với một trong các mục đích được xác định rõ ngay từ đầu là học tiếng Anh. Tại đây, để có tiền trang trải cuộc sống và học tập, mỗi ngày Người phải làm việc từ 9 đến 10 tiếng đồng hồ bằng nhiều nghề cực nhọc như: quét tuyết, đốt lò, làm phụ bếp cho khách sạn Các-lơ-tơn. Trong điều kiện ăn mặc thiếu thốn nhưng Người vẫn dành một khoản tiền ít ỏi kiếm được để đi học tiếng Anh vào ngày nghỉ hàng tuần. Nhờ quá trình học tập kiên trì Người đã có thể sử dụng khá thành thục tiếng Anh và từ đó Người đã bắt đầu tiếp cận những tác phẩm văn hóa nổi tiếng viết bằng tiếng Anh, nghiên cứu lịch sử thế giới và suy nghĩ về tương lai của các dân tộc thuộc địa. Qua nhiều tư liệu cho thấy Bác nói giỏi tiếng Anh, thông thạo văn hóa và lịch sử Anh, Mỹ. Bác đã dịch nhiều đoạn, nhiều câu rút trong báo chí Anh, Mỹ và các nước khác để đưa vào tác phẩm của mình.

Năm 1923, Bác rời Pháp sang Nga. Liền sau đó, Người học tiếng Nga ngay lập tức. Người vừa học vừa làm. Tranh thủ mọi cơ hội để học, Người đã tiến bộ không ngừng. Giai đoạn ở Nga là giai đoạn Bác trau dồi tiếng Nga hơn cả. Bác vào học trường bổ túc các lãnh tụ do Quốc tế Cộng sản mở. Bác lấy tên là Linốp cho giống với tên gọi Nga. Khi viết bài bằng tiếng Pháp để gửi về nước, Bác lại lấy tên là Lin cho hợp với tên gọi Pháp. Bác Cũng làm việc ở Viện Nghiên cứu lịch sử phương Đông của Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản. Ở Nga, Bác đã đi nhiều nơi, đến đâu Bác cũng nói một ít tiếng Nga. Riêng đối với trường “Ngoại ngữ Hồ Chí Minh” ở Lếckut, Bác đã đến thăm mấy lần. Đây là một học viện dạy tiếng nước ngoài của Liên Xô mang tên Bác vào cuối năm 1969 và là trường kết nghĩa với Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Nhà trường còn giữ lại nhiều kỷ niệm đẹp về Bác. Các đồng chí Liên xô vẫn còn nhắc lại với lòng xúc động về những buổi gặp Bác xưa kia. Chính tiếng nước ngoài mà Bác đã sử dụng đã làm tăng thêm bầu không khí ấm cúng trong tình đoàn kết quốc tế đó.

Với tiếng Trung, từ khi còn nhỏ Bác đã được học chữ Hán ngay tại nhà, tại trường làng, sau này Bác vào Huế học vẫn tiếp tục học chữ Hán. Chữ Hán là một thứ chữ tượng hình rất khó học, nhưng với tư chất thông minh, lại chịu khó cần cù, được học trong nhiều năm nên Bác nắm rất chắc, có thể đọc hiểu các loại văn bản viết bằng chữ Hán. Nhờ biết chữ Hán, Bác đã học được tinh hoa của tư tưởng Nho học, của Phật giáo, của tư tưởng Việt Nam. Và đó cũng là một tiền đề thuận lợi cho Bác sau này khi tiếp cận, học và sử dụng khá thành thạo tiếng Trung.

Với các ngoại ngữ khác, trong cuộc đời làm cách mạng của Bác, vì mục đích giao tiếp, tiếp nhận và truyền bá thông tin. Đi đến nước nào Bác đều dành thời gian học tiếng. Qua Tây Ban Nha, Ả Rập, đến Ý, Đức Bác đều chú ý học tiếng nói và cảm nhận về tiếng nói của dân tộc đó. Thời kỳ sang Thái Lan, Bác học tiếng Thái để làm dân vận và để tuyên truyền cách mạng. Thời kỳ ở Anh Bác còn học cả quốc tế ngữ F.speranto. Những thứ tiếng Bác đã học có thể nói là rất nhiều. Ngay cả khi về nước hoạt động, Bác đã học và nói được nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam để sống hòa đồng, gắn bó, đoàn kết, gây dựng niềm tin yêu, phấn đấu vì một mục đích cách mạng cao cả và tương lai tươi sáng.

Sau này, dù đã ngoài 70 nhưng Bác vẫn học ngoại ngữ. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từng nói cả đời ông chưa thấy ai chăm học ngoại ngữ như Bác. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như ngày nay, khả năng sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ là yêu cầu gần như là bắt buộc đối với mỗi người, nhất là đối với tầng lớp thanh niên, học sinh, cán bộ, công chức, người lao động, bởi chúng ta sẽ không thể nào hội nhập được nếu không tự trang bị cho mình một phương tiện để giao tiếp với thế giới – đó là ngôn ngữ. Với sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại, ngày nay chúng ta có đầy đủ các điều kiện để học ngoại ngữ tốt, tuy nhiên đối với một số người thì việc học ngoại ngữ vẫn được xem là một việc khó khăn và họ thường đổ lỗi do mình không có đủ năng khiếu để ngụy biện cho sự thiếu quyết tâm, tính kiên nhẫn và một phương pháp học tập đúng đắn của mình. Tấm gương học ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nghị lực không mệt mỏi, tinh thần chủ động và phương pháp học hiệu quả là những điều chúng ta cần noi theo. Nếu như trước đây với mong muốn tìm ra con đường để cứu nước, cứu dân là động lực to lớn thôi thúc Bác vượt qua muôn ngàn trở ngại để học ngoại ngữ thành công thì thời đại ngày nay chúng ta biến động lực này thành quyết tâm học ngoại ngữ để phát triển đất nước, hội nhập với thế giới, đưa Việt Nam sánh ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Đây cũng chính là một hành động tích cực ủng hộ cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thiết thực góp phần thực hiện những điều mà Bác Hồ suốt cuộc đời hằng mong muốn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Kể chuyện Bác Hồ tập 2, Nxb. Giáo dục.

- Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về cuộc đời học tập của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, HN. 1990.

- http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/tam-guong-hoc-ngoai-ngu-cua-bac-ho-2826

- http://baoquankhu4.com.vn/dat-va-nguoi-quan-khu-4/bac-ho-tam-guong-hoc-va-su-dung-ngoai-ngu-suot-doi..html

- https://bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/11509-phuong-phap-hoc-ngoai-ngu-cua-bac-ho-va-tinh-than-tu-hoc.html