Xuất bản thông tin

null 19 tháng 5 - Nhớ tinh thần tự học của Bác

Tin tức Tin tức - Sự kiện

19 tháng 5 - Nhớ tinh thần tự học của Bác

Nguyễn Thanh Tuấn

Khoa Nhà nước và Pháp Luật

          Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già dân tộc, đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Mặc dù Người đã đi xa nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người mãi là ngọn đuốc soi đường cho thế hệ hôm nay và mai sau đi theo. Một trong những tấm gương quý báu đó, chính là tấm gương tự học của Người.

            Học tập là quá trình tiếp thu tri thức của con người, trong quá trình học tập ấy, ngoài việc học tập ở trường, lớp cần có sự kết hợp của việc tự học. Tư học là một quá trình, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của người học. Để việc tự học được thành công đòi hỏi người học phải xây dựng cho mình được kế hoạch, lộ trình học tập cụ thể, rõ ràng và phải kiên trì thực hiện đến cùng.

            Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy Người là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ về mọi mặt.  Năm 1947, trong tác phẩm sửa đổi lối làm việc, Bác đã viết: “Lấy tự học làm cốt”. Tại buổi nói chuyện với lớp nghiên cứu chính trị khóa I, ở trường Đại học Nhân dân Việt Nam, vào ngày 21/7/1956, Bác đã ân cần căn dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.

            Năm 1911, ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, Người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi ấy chỉ mới hai mươi mốt tuổi với một khát vọng mãnh liệt đó là tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Chính khát vọng ấy đã tạo nên trong con người Người thanh niên đó một sức mạnh phi thường, một ý chí bền bỉ trong việc tự học, tự đào tạo để có đủ khả năng cứu dân, cứu nước. Bôn ba trên đất khách quê người, với vốn ngoại ngữ còn khiêm tốn, thời gian làm việc để kiếm tiền mưu sinh đã khó thì có đâu đến việc được đến trường, đến lớp mà học tập. Thế nhưng, điều đó không làm Bác chùn bước, dù mỗi ngày phải làm việc vất vả đến tận khuya mới xong, cơ thể mệt lừ, thay vì dành thời gian nghỉ ngơi, Bác lại tranh thủ tự học trong khi những người bạn làm chung nghỉ ngơi hoặc đánh bài. Chính sự chăm chỉ, cần cù đó, Bác đã biết được hơn mười thứ tiếng, trong đó đọc thông và viết thạo trên tám thứ tiếng.

Khi nói về tập thơ “Nhật ký trong tù” bằng chữ Hán của Bác, nhà Việt Nam học N.Phêđôrencô (Liên Xô) nhận xét: Học chữ Hán cực khó nắm vững nó, làm được thơ là một hiện tượng lạ, hiếm thấy. Trong lịch sử văn học có một số nhà thơ Nhật bản gần như sống cả đời ở Trung Quốc cũng chỉ có thể làm được một số bài có tính chất khuôn sáo mà thôi. Ấy vậy mà “Nhật ký trong tù” – thực sự là một thi phẩm có nội dung sâu sắc, ngôn từ, nhịp điệu phong cách rất riêng…”

Trong thời gian ở Pháp, Bác đã tham gia viết rất nhiều bài báo được đăng trên nhiều tờ báo có giá trị lúc đương thời, trong đó nổi tiếng với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Những bài viết đó đã phản ánh khả năng lĩnh hội ưu việt ở Người về lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của nhân loại. Đặc biệt còn cho ta thấy về khả năng thống kê, sự nhạy cảm sâu sắc về tư duy và nhãn quan chính trị tuyệt vời ở Người. Đọc những tác phẩm ấy, không chỉ thuyết phục được những học giả uyên thâm bậc nhất lúc bấy giờ mà còn mãi giá trị cho đến tận ngày nay.

Sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt nam, mặc dù bộn bề nhiều công việc, đời sống khó khăn, Người vẫn lạc quan và không ngừng tự bổ sung kiến thức. Không dừng lại ở việc tự học của bản thân, Bác còn quan tâm và truyền cảm hứng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Người dạy: “Không chỉ có ở nhà trường, có lên lớp mới học tập… Trong mọi hoạt động cách mạng chúng ta đều phải học tập!”. Người nói với cán bộ, chiến sĩ: “Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong quân đội cách mạng thì từ trên đến dưới, các cấp đều phải nghiên cứu học tập, luôn luôn cầu tiến bộ”.

Khi nói về mục đích và phương pháp học tập, Bác đã chỉ ra rằng: “Học để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy cần phải học”; Học thì có thể “Học ở trường, học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học nhân dân”. Quá trình lao động làm việc là quá trình tự học tập, tích lũy, bổ sung kinh nghiệm và đúc rút kiến thức từ thực tiễn. Bác đã nhấn mạnh: “Phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm”.

Những lời dạy, những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nghị quyết số 04-NQ/TW về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, đã chỉ rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của người đảng viên là:“Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Do vậy, là một đảng viên, tôi tự nhận thức rằng, học tập là yêu cầu bắt buộc đối với mình, tùy lúc, tùy nơi phải không ngừng tự học tập để nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt, và coi tự học là nhu cầu, thói quen, hành vi hằng ngày, là một tiêu chuẩn, một giá trị đạo đức của người cán bộ, đảng viên để từ đó hoàn thiện bản thân và góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó./.