Xuất bản thông tin

null Quyết tâm học tập tấm gương ngời sáng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết Bài viết

Quyết tâm học tập tấm gương ngời sáng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

                                     

             ThS. Nguyễn Bích Ngọc

                                            Giảng viên - Khoa Xây dựng Đảng

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh dù đã đi xa (27/11/1929) gần một thế kỷ nhưng mỗi khi nhắc đến Người, chúng ta càng kính trọng, biết ơn một con người tài năng đức độ, tư tưởng tiến bộ, yêu nước, trọng dân, cần cù, hiếu học, chịu thương, chịu khó, là tấm gương ngời sáng để các thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo.

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh ra từ làng quê nghèo khó ở tại Làng Sen, xã Chung Cự (ngày nay gọi là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ngay từ năm 4 tuổi, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã mồ côi cha mẹ. Chính ở mảnh đất nghèo khó nhưng giàu truyền thống lịch sử này đã hun đúc nên một nhà nho yêu nước, thương dân tột cùng trong cảnh đất nước đang bị chìm đắm trong ách nô lệ của thực dân Pháp và cũng là lúc nhiều sĩ phu yêu nước trăn trở tìm con đường giải phóng dân tộc. Cụ Sắc đi lên từ tầng lớp nông dân nghèo khổ, đã bền chí phấn đấu khổ học cả nửa đời người quyết vươn tới đỉnh cao của tri thức. Sau khi đỗ đạt, Cụ không hề quay lưng với lớp người đồng cảnh ngộ lúc nghèo khó, mà sống hòa mình, hết lòng cưu mang, giúp đỡ họ. Cuộc đời Cụ là cuộc đời của một người giàu lòng yêu nước, thương dân, giàu nghị lực, sống thanh bạch, chịu đựng nhiều nỗi đau mất mát, truân chuyên. Chính nhân cách sống cao đẹp của Cụ đã định hình nhân cách cho những người con của mình, trong đó đặc biệt nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới.

Đức tính kiên trì, chịu thương, chịu khó đã được cụ Sắc thể hiện ngay từ nhỏ với hình ảnh cậu bé vừa chăn trâu, vừa học tập. Trước đó, do nhà của anh chị mình nghèo nên cụ Sắc không được đi học, Cụ tranh thủ những lúc làm việc nhà, những lúc đi chăn trâu để tự học. Vì quá ham học, cụ Sắc thường buộc trâu vào gốc tre để thập thò học lóm thầy Vương đang giảng bài. Và cũng chính đức tính tự học của Cụ đã làm cho mọi người cảm động, đặc biệt là nhà nho Hoàng Xuân Đường – người đã quyết định nhận Cụ về làm con nuôi năm Cụ được 16 tuổi. Nhà nho Hoàng Xuân Đường cho cụ Sắc ăn học, chẳng bao lâu sau Cụ trở thành một trong những người học giỏi nhất vùng. Tấm gương kiên trì, hiếu học của cụ Sắc đã truyền vào máu thịt của cậu bé Nguyễn Sinh Cung ngay từ nhỏ, tất cả đã làm nên tính cách của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành kiên trì học ngoại ngữ và miệt mài nghiên cứu tìm con đường giải phóng dân tộc khi bôn ba ở nước ngoài sau này.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng năm 1901 và được bổ nhiệm làm quan dưới triều Nguyễn. Đáng lẽ khi được làm quan như bao vị quan khác thời phong kiến, cụ Sắc có đủ điều kiện để được sống thảnh thơi, an nhàn với bổng lộc lớn của nhà vua,  nhưng lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến đã thôi thúc Cụ từ bỏ tất cả những vinh hoa, phú quý để đến với dân nghèo, dấn thân vào con đường cứu nước với câu nói khẳng khái: “Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ hựu nô lệ” tức “Quan trường là nô lệ, trong đám người nô lệ lại càng nô lệ hơn”. Trong hoàn cảnh ra làm quan do triều đình Huế bắt buộc, Cụ luôn tỏ ra là một ông quan thanh liêm,  khẳng khái, luôn đứng về phía dân nghèo và chống đối bọn cường hào ác bá nên Cụ làm quan được 4 năm thì bị cách chức. Chẳng một chút phiền lòng, Cụ quyết định đi dần vào các tỉnh ở phía Nam, những nơi Cụ đến thường là những ngôi chùa có những vị sư trụ trì yêu nước.

Chính lòng yêu nước, thương dân khôn cùng của cụ Phó bảng đã ươm mầm, chắp cánh cho nhà cách mạng vĩ đại Nguyễn Ái Quốc vượt qua bao gian nguy, thử thách để tìm ra con đường cứu dân, cứu nước. Nếu như ý chí bất khuất, không màng danh lợi, tư tưởng lo cho dân, cho nước đã đưa cụ Sắc lưu lạc gần 19 năm trời ở miền Nam, thì tinh thần yêu nước vô bờ bến được thừa hưởng từ người cha đã đưa anh thanh niên Nguyễn Tất Thành bôn ba tìm đường cứu nước ở nước ngoài với gần 30 năm trời đằng đẳng. Thế mới biết, sự hi sinh vì dân, vì nước của gia đình Nguyễn Sinh lớn đến mức nào. Điều này luôn khiến cho bao thế hệ thanh niên Việt Nam tự đặt câu hỏi “Mình đã làm được gì cho dân, cho nước?”, và luôn trăn trở “Mình sống và làm việc có xứng đáng với sự hi sinh của cha ông để mình có được niềm hạnh phúc sống trong một nước tự do, độc lập, hòa bình, thịnh vượng như hiện nay hay không ?”.

Sống trong đất nước hòa bình, phát triển như ngày nay, càng hiểu được giá trị công lao cụ Phó bảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân, với nước bao nhiêu, các thế hệ thanh niên Việt Nam càng phải thấy trách nhiệm của mình đối sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước lớn bấy nhiêu. Tấm gương ngời sáng về đức kiên trì, tinh thần hiếu học, lòng yêu dân, yêu nước vô bờ bến của cụ Sắc sẽ mãi soi rọi cho biết bao thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam nói chung và thanh thiếu niên Đồng Tháp nói riêng về việc lựa chọn lý tưởng sống cao đẹp – lý tưởng cách mạng vô sản. Thanh niên cần xem đó là những chuẩn mực của một người yêu nước chân chính, để từ đó cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện nhằm noi gương bậc tiền nhân – người đã có công sinh thành và dưỡng dục cho dân tộc Việt Nam một vị anh hùng kiệt xuất.

Chúng ta luôn cảm thấy tự hào vì đã được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất địa linh nhân kiệt – nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chọn làm nơi hoạt động cách mạng và là nơi yên nghỉ cuối đời. Càng tự hào bao nhiêu, chúng ta càng thấy trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước lớn bấy nhiêu. Nhớ lại những ngày còn làm Thuyết minh viên Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, ngày ngày kề bên mộ Cụ để tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân về chủ nghĩa yêu nước, đức tính thương dân, ý chí bất khuất, tinh thần hiếu học từ một bậc tiên liệt, bản thân tôi luôn xem đó là nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng và Nhà nước đã giao phó cho mình. Những câu thuyết minh đối với chúng tôi như những bài học đạo đức quý báu nhằm để tự răn mình, nhắc nhở mình sống sao cho xứng đáng với công lao của bậc tiền nhân, học tập, rèn luyện sao cho đủ đức, đủ tài để bảo vệ vững chắc thành quả mà bậc cha ông đã dày công vun đắp. Thời gian có trôi qua, dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, bản thân tôi sẽ không ngừng trau dồi lý luận để nâng cao nhận thức về chính trị theo đường lối mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ đắc lực hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Lời dạy của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với các con “Vật dĩ quan gia vi ngô phong dạng”, tức “Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình” đã luôn nhắc nhở chúng ta về phong cách phục vụ và ứng xử chuẩn mực của người cán bộ đối với nhân dân: Trong công việc phải tận tình, chu đáo; trong ứng xử phải gần gũi, lễ phép, ân cần; phải biết lắng nghe và học tập ở nhân dân, xem nhân dân là người thầy vĩ đại để học tập suốt đời. Mọi hành động, mọi việc làm đều phải nghĩ đến lợi ích của nhân dân trước tiên. Học tập theo tấm gương cao cả của cụ Sắc là học rèn ý chí, luyện tinh thần yêu nước, học thái độ phụng sự cho dân, tập cho mình tính cương cường để chiến thắng cái ác. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người con, người học trò vĩ đại của cụ Sắc, lớp lớp người trẻ chúng tôi cũng xin nguyện là người học trò nhỏ của Hồ Chủ tịch. Chúng tôi nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức cao vời của cụ Phó bảng, của Bác Hồ, để xứng đáng là người tiếp nối truyền thống yêu nước mà dòng họ Nguyễn Sinh đã để lại./.