Xuất bản thông tin

null Tư tưởng Hồ Chí Minh và bài học đối với thanh niên hiện nay

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Tư tưởng Hồ Chí Minh và bài học đối với thanh niên hiện nay

Lưu Thúy Hiền

 Cách đây hơn 60 năm. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp tết Nguyên đán năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[1]Trước lúc đi xa, trong Di Chúc Bác lại ân cần dặn dò “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”[2], bao nhiêu đó cũng đủ để cảm nhận được tình cảm của Bác dành cho thế hệ thanh niên.

Người khẳng định “Bồi dưỡng cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”[3], trong bất kỳ thời kỳ nào, giai đoạn nào của cách mạng, thanh niên luôn là lực lượng quan trọng của một dân tộc. Thanh niên Việt Nam luôn là lực lượng tiên phong, nòng cốt, tham gia tích cực vào phong trào thi đua phát triển đất nước, chủ động tiếp cận khoa học công nghệ, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Học tập từ Bác, thế hệ thanh niên hôm nay luôn ra sức phấn đấu xứng đáng với niềm tin của người. Từ Bác, mỗi người thanh niên rút ra được cho mình những bài học quý giá biết bao, không phải là học những gì cao xa, khó hiểu mà ngay từ những điều bình dị nhất. Có thể khái quát thành những bài học chủ yếu sau:

Biến tư duy thành hành động, ý chí và nghị lực phi thường

Ngược dòng lịch sử chúng ta thấy, Nguyễn Tất Thành không phải là người đầu tiên tìm đường cứu nước. Trước Người, tìm ra con đường cứu nước đem lại hạnh phúc cho nhân dân là ý chí của lớp lớp thanh niên yêu nước. Câu chuyện giữa thanh niên Văn Ba và người bạn tên Lê trước khi lên đường cho thấy quyết tâm cao độ ra đi tìm đường cứu nước của Bác. Ý chí nuôi dưỡng niềm tin, giúp người thanh niên Văn Ba vượt qua những khó khăn gian khổ để đạt được mục tiêu.

“Tôi muốn ra đi nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta. Nhưng nếu đi một mình thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như đau ốm...Anh muốn đi với tôi không?

- Nhưng bạn ơi chúng ta lấy tiền đâu để đi?

  - Đây tiền đây...Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và đi. Nguyễn Tất Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay của mình, một cách tự tin và kiên quyết”[4]

suy nghĩ ấy đã thành hành động, ngày 5/6/1911, con tàu Đô đốc Latouche Tréville rời cảng Sài Gòn mang theo người thanh niên Văn Ba với công việc là phụ bếp. Trên hành trình vĩ đại ấy, Bác đã làm đủ nghề lao động chân tay để sống và đi, để học tập, để tìm tòi ra chân lý. Sau 9 năm bôn ba, giờ phút tiếp xúc với Luận cương về dân tộc của Lênin “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên: Hi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[5]. Người thanh niên ấy đã tìm ra con đường giải phóng đất nước, người thanh niên ấy trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Ngay lúc ấy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã chọn con đường theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường mà người Việt Nam lúc ấy chưa ai biết, với niềm tin mãnh liệt vào sức sống của và sức mạnh trường tồn của dân tộc. Một sự lựa chọn dũng cảm, nhiệt thành và trí tuệ. Bài học thực tiễn sinh động ấy dạy cho thanh niên hôm nay về sự quyết tâm “quyết chí ắt làm nên”.

Với thế hệ thanh niên hôm nay, Bác là hình mẫu lý tưởng về lý tưởng và hoài bão, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh dân tộc để biến hoài bão thành hiện thực. Tình yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào, Tổ quốc. Lấy tư duy biến thành hành động, dựa vào bản thân để vượt qua khó khăn, đoàn kết với người cùng chí hướng nhưng không ỷ lại. Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay, đó là bài học vô cùng quan trọng đối với thanh niên. Khi đất nước cần phải biết xung phong, đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết.

Rèn luyện đạo đức cách mạng

Người chỉ rõ: “Thanh niên phải luôn rèn luyện đạo đức cách mạng, Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điểm:

- Trung thành: trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.

- Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm” “gian khổ đi trước, hưởng thụ sau mọi người”

- Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ”[6]

Hiện nay, khi đất nước chúng ta bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế với những thời cơ xem lẫn thách thức. Là thanh niên, chủ nhân tương lai của đất nước phải ra sức học tập, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học công nghệ, tiến bộ của nhân loại. Người dạy “Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người”[7]. Học tập lời dạy đó thanh niên phải vừa rèn đức luyện tài để tiến kịp với sự phát triển hôm nay.

Tự học và cầu tiến

Trong lý lịch khai gửi Đại hội V Quốc tế Cộng sản năm 1935, Người ghi trong trình độ học vấn là Tự học. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 01/9/1961 người chia sẻ “năm nay tôi 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau[8]. chưa khi nào ngơi nghỉ cuộc đời Bác học ở trường, học trong sách vỡ, học lẫn nhau và học dân.

Trong quá trình lao động kiếm sống và hoạt động người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tận dụng triệt để mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện, mọi hình thức để tự học. Bác học tiếng Pháp khi còn làm phụ bếp trên tàu bằng cách “Bác quyết tâm mỗi ngày phải biết thêm 10 chữ, không cần nhiều hơn, nhưng không được kém. Bác viết 10 chữ ấy vào tay áo, vừa làm, Bác vừa học thuộc lòng”[9] rồi Bác học thêm tiếng Anh.

Bài học cho thanh niên hôm nay về sự tự học. Trí tuệ và bản lĩnh giúp cho thanh niên vững vàng trước mọi thách thức. Thanh niên phải biết lắng nghe, tiếp thu, học hỏi, biết sự thiếu thốn của bản thân mình để phấn đấu và luôn luôn cầu tiến. Người nhấn mạnh “phải ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật”[10]. Việc học sẽ giúp cho thanh niên mở rộng tầm nhìn, mở rộng kiến thức về mọi mặt. Nếu không học tập, không tự học, tự rèn luyện thì sẽ tụt hậu với mọi người.

Lợi thế của thanh niên là sức trẻ, trẻ thì không ngại khó, chỉ sợ lòng người ngại khó, ngại khổ mà thôi. Bác dạy “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?[11]. Khi đất nước có ngoại xâm thì lớp lớp thanh niên cầm súng chiến đấu. Khi đất nước hòa bình, lớp lớp thanh niên nối tiếp những trang sử hào hùng của cha ông vươn lên trong học tập, lao động, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”

Giáo dục thể chất và nếp sống văn hóa

Thế hệ thanh niên quyết định thành công đối với cách mạng Việt Nam, vì vậy Bác chủ trương phải giáo dục toàn diện, khuyến kích rèn luyện Đức, Trí, Thể Mỹ để phát triển toàn diện. Bác là tấm gương về tinh thần tự giác rèn luyện sức khỏe một cách tích cực. Cuối tháng 3/1946 tự tay Bác viết lời kêu gọi toàn dân thể dục. Lời kêu gọi này lần đầu tiên được đăng trên báo Cứu Quốc số ra ngày 27/3/1946. Trong lời kêu gọi Bác căn dặn “Mỗi ngày ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập, khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe....tự tôi ngày nào cũng tập”.

Vui chơi lành mạnh, thể thao lành mạnh, văn hóa lành mạnh” là điều không thể thiếu đối với lứa tuổi thanh niên. Vui chơi để có thêm sức khỏe, niềm tin, ý chí trong học tập. Bác không quên nhắc nhở thanh niên “trong vui chơi cũng cần có giáo dục. Cần có những thú vui chơi văn hóa, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng”[12]. Thanh niên người chủ tương lai của đất nước Bác luôn căn dặn phải giáo dục toàn diện “Nhà nước chú trọng đặc biệt giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục và thể dục” Thanh niên phải được trang bị đầy đủ “gương mẫu về đạo đức”, có thể chất “cường tráng và mạnh mẻ”.

Năm 21 tuổi, lứa tuổi thanh xuân người thanh niên Nguyễn Tất Thành ri bến Nhà Rồng mang theo một khát khao độc lập cho đồng bào tôi, tự do cho Tổ quốc tôi, năm 30 tuổi, trở thành người Đảng viên cộng sản Việt Nam đầu tiên. Người thanh niên ấy đã làm rạng rỡ non sông Việt Nam, với lòng biết ơn chân thành - thế hệ thanh niên hôm nay không bao giờ quên công ơn vĩ đại đó. Xứng đáng với những gì Bác dặn dò trước lúc đi xa, mỗi thanh niên Việt Nam càng phải tận dụng cơ hội để học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, phẩn chất, trí tuệ và năng lực sẵn sàng viết tiếp những trang sử hào hùng của cha ông. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào người thanh niên cũng phải sống xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Bác Hồ đã đặt niềm tin vào thanh niên, vào tuổi trẻ. Vận mệnh nước nhà, tương lai đất nước nằm trong tay thanh niên. Sức mạnh của thanh niên, của tuổi trẻ là sức mạnh đất nước. Bởi, đây là lực lượng lao động năng động nhất, sáng tạo nhất và luôn đạt kết quả cao nhất./.

 


[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.4, tr. 194.

[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.15, tr. 612.

[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.15, tr. 612.

[4]Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.14-15

[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.10, tr.127.

[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.13, tr.471.

[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.11, tr.339.

[8]Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.13, tr.273.

[9]Trần Dương, Ánh mắt Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, 2007, tr.88

[10]Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, H.1980, tr.417

[11]Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.9, tr.265.

[12]Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.9, tr.266.