Xuất bản thông tin

null Vai trò của lao động với con người trong triết học Mác

Bài viết Tin tức - Sự kiện

Vai trò của lao động với con người trong triết học Mác

 

Lê Thị Thanh Kiều

Khoa Lý luận cơ sở

          Trong triết học Mác, con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm, bởi con người là điểm xuất phát và giải phóng con người là mục đích cao nhất của triết học Mác hướng đến. Trong đó, triết học Mác khẳng định con người là chủ thể của lao động sản xuất vật chất, chủ thể của những sáng tạo toàn bộ đời sống lịch sử, xã hội. Thông qua lao động, con người đã hình thành nên bản thân mình và toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Các ông khẳng định: “lao động đã sáng tạo ra bản thân con người”[1]. Quan điểm này thể hiện:

          Lao động quyết định đối với việc hình thành con người: Ăng ghen đồng tình với quan điểm của Đác Uyn khi khẳng định con người có nguồn gốc từ loài vượn người. Nhờ lao động mà loài vượn người có sự biến đổi từ ngoại hình cho đến bản chất và hình thành nên cộng đồng xã hội loài người. Theo đó, ông cho rằng, trong quá trình lao động, loài vượn người sử dụng tay để leo trèo, cầm nắm, hái lượm, săn bắt. Chính vì vậy, đôi tay (chân trước) và đôi chân sau sử dụng thực hiện chức năng khác nhau. Theo thời gian, dần dần đôi tay tiến hóa linh hoạt hơn và trở nên đẹp hơn. Trãi qua hàng nghìn thế kỷ, đôi tay của con người mới có thể tiến hóa thành đôi tay của người hiện đại hiện nay.

Về dáng đứng thẳng, lúc đầu loài vượn người cũng như những loài vượn khác - di chuyển bằng 4 chân. Nhưng trong quá trình lao động, sự biến đổi của đôi tay, cộng với việc loài người bổ sung thêm thức ăn từ động vật. Nghĩa là vừa hái lượm, vừa săn bắt, cho nên khi hái những quả trên cao, vượn phải vươn thẳng người. Khi săn bắt, gặp những động vật cao to hơn, vượn người cũng đứng thẳng để tỏ ra to lớn hơn, đe dọa con mồi và có sự thay đổi sang dáng đứng. Tuy nhiên, Ăng ghen cho rằng, lúc đầu dáng đứng thẳng chỉ được loài vượn người thực hiện khi cần thiết, dáng đi lại rất xấu, kiểu như “một người què đi bằng nạng vậy”. Phải trãi qua thời gian tiến hóa lâu dài, vượn người mới có dáng đứng thẳng như hiện nay.

Về sự phát triển của não người: Chính nhờ trãi qua quá trình lao động, loài vượn người phát minh ra rìu để chặt nhỏ thức ăn, biết sử dụng lửa để đun mềm thức ăn, vì vậy, quai hàm tiến hóa nhỏ, gọn lại và đẹp hơn. Nhưng yếu tố quyết định nhất để hình thành nên bộ não người theo Ăng ghen: “là thức ăn bằng thịt đã tác động đến bộ óc, cung cấp rất nhiều hơn trước những chất cần thiết cho sự bồi dưỡng và phát triển của bộ óc, và nhờ đó mà từ thế hệ này sang thế hệ khác, bộ óc có thể phát triển nhanh chóng hơn và đầy đủ hơn”[2]. Như vậy, có thể khẳng định rằng chính trãi qua lao động, hình dáng người hiện đại dần được hình thành. Qua lao động, con người dần tách khỏi tự nhiên, biết tự trồng trọt, chăn nuôi và sáng tạo nghệ thuật để hình thành nên thế giới riêng của mình. Ngoài ra, khi lao động cùng nhau, loài vượn người thấy cần thiết “phải nói với nhau một cái gì đó”, vì vậy ngôn ngữ xuất hiện. Và cùng với sự phát triển của bộ não, ngôn ngữ cũng ngày càng hoàn thiện; hình thành quan hệ xã hội và chi phối lại hoạt động lao động của bản thân con người.

          Lao động giúp con người nhận thức rõ hơn về thiên nhiên: Mác và Ăng ghen đánh giá cao vai trò của lao động đối với sự phát triển của con người, giúp con người hiểu rõ vị trí của mình trong thế giới tự nhiên. Qua lao động, con người tác động vào thiên nhiên – các ông gọi là mẹ thiên nhiên; từ chỗ hoàn toàn lệ thuộc và sợ thiên nhiên, thì dần dần, con người đã chinh phục thiên nhiên, nắm quy luật và buộc thiên nhiên phục vụ trở lại bản thân con người. Tuy nhiên, các ông đưa ra dự đoán rằng: “chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta”[3], nghĩa là con người không nên tác động quá mức vào thiên nhiên. Bởi mỗi lần như vậy, con người phải gánh chịu hậu quả khôn lường. Dự đoán ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

          Lao động giúp con người xác lập các mối quan hệ xã hội và hoàn thiện chính bản thân con người. Quá trình lao động không chỉ giúp con người hoàn thiện bản thân cho đến khẳng định vị trí trong mối quan hệ với thiên nhiên mà còn xác lập được vị trí trong các quan hệ xã hội. Khi lao động, con người tham gia sâu vào các quan hệ xã hội, nhất là quan hệ sản xuất, nâng cao đời sống bản thân con người và xã hội nói chung. Do đó, con người càng đóng góp vai trò vào sự phát triển của xã hội thì càng được xã hội đánh giá cao, địa vị xã hội và quan hệ xã hội được khẳng định. Và qua quá trình đó, bản thân con người cũng dần hoàn thiện hơn.  Cho nên, để đánh giá tính tích cực của con người, một trong những tiêu chí cần phải lưu ý là sự tham gia sâu rộng của cá nhân đó vào các quan hệ xã hội.

          Vận dụng quan điểm triết học Mác về lao động đối với hình thành con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thực hiện được với “sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người”[4]. Trên cơ sở đó trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, Đảng ta chủ trương: phát huy sức sáng tạo trong lao động của mọi người dân Việt Nam. Mọi người dân, mọi thành phần kinh tế được Đảng và Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để đóng góp vai trò, công sức của mình vào công cuộc xây dựng đất nước “phồn vinh, hạnh phúc”. Đảng ta chỉ ra rằng để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, một mặt phải tranh thủ và tận dụng được sức mạnh thời đại, sức mạnh của khoa học công nghệ; nhưng mặt khác, quan trọng hơn và quyết định nhất, căn bản nhất  là phải “đổi mới năng lực sáng tạo của con người”[5] với vai trò là chủ thể của lao động, của sáng tạo để xây dựng đất nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa./

          Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 11.

2. Https://dangcongsan.vn

3. Mác – Ăng ghen (1994): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 20.


[1] Mác – Ăng ghen (1994): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 20, trang 641.

[2] Mác – Ăng ghen (1994): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 20, trang 649.

[3] Mác – Ăng ghen (1994): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 20, trang 654.

[4] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 11, trang 93.

[5] Https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/khoi-day-va-phat-huy-manh-me-dong-luc-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-viet-nam-581138.html