Xuất bản thông tin

null Vai trò lãnh đạo của Đảng ủy Trường Chính trị Đồng Tháp trong nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Vai trò lãnh đạo của Đảng ủy Trường Chính trị Đồng Tháp trong nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên

Nguyễn Quang Thành

Chi bộ Khoa LLCS và NNPL

              (Bài viết tham luận Đại hội Đảng bộ Trường nhiệm kỳ 2020-2025)

          Trong những năm qua, công tác giáo dục lý luận chính trị luôn được xem là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng; đồng thời, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị là yêu cầu vừa cấp bách, vừa thường xuyên của Đảng. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục công dân trong hệ thống các trường chính trị...”. Vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị được thể hiện thông qua nhiều khía cạnh, nhưng trước hết chính là nhằm mục tiêu từng bước nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ, đảng viên cấp cơ sở. Nhận thức được điều đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ủy Trường Chính trị Đồng Tháp luôn quan tâm sâu sát đến việc lãnh đạo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên nhà trường. Và bây giờ là lúc cần nhìn lại thành tựu đạt được cũng như nhìn nhận một cách thẳng thắn những hạn chế, bất cập và bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các Trường Chính trị nói chung và Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp nói riêng là đòi hỏi thiết thực trong giai đoạn hiện nay vì trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên là nhân tố then chốt, quyết định đến chất lượng đào tạo và là cơ sở để nâng cao uy tín, thương hiệu của nhà trường. Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, Đảng uỷ Trường đã thường xuyên lãnh đạo công tác cửgiảng viên tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính, Bộ Nội vụ tổ chức. Song song đó, trong nhiệm kỳ, công tác đưa giảng viên đi học tập để nâng cao trình độ luôn được Đảng ủy và Ban Giám hiệu quan tâm, từ đây, nhiều lượt đảng viên, giảng viên được tham gia các lớp nghiên cứu sinh, cao học, đại học văn bằng 2. Điều này đã góp phần to lớn vào việc xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu có chất lượng tham gia công tác giảng dạy của Trường. Đến nay,đội ngũ giảng viên nhà trường đã có 04 tiến sĩ, 02 nghiên cứu sinh,  22 thạc sĩ, 26 đảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị và tương đương.

Cùng với việc nâng cao năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu khoa học của mỗi giảng viên cũng được Đảng ủy thường xuyên quan tâm sâu sát. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ hội để giúp người giảng viên nghiên cứu sâu hơn những kiến thức chuyên môn và cập nhật những kiến thức thực tiễn giúp bài giảng phong phú, có chất lượng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị Đồng Tháp đạt được nhiều kết quả và có bước phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã và đang triển khai thực hiện nhiều đề tài khoa học (01 đề tài cấp tỉnh, 01 đề tài cấp Trường, 03 đề tài cấp Khoa); lãnh đạo tổ chức 10 cuộc Hội thảo, 12 cuộc Toạ đàm các cấp; giảng viên tích cực viết bài gửi Ban Biên tập Thông tin lý luận và thực tiễn; trang thông tin điện tử nhà trường và các báo, tạp chí địa phương và trung ương, trong đó có hơn 18 bài báo khoa học được đăng trên Tạp chí chuyên ngành có mã số ISSN.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc nâng cao năng lực giảng dạy và năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế. Trong đó, có cả những tác động của yếu tố khách quan và chủ quan:

Một là,đội ngũ giảng viên cơ hữu hiện có của Trường có những hạn chế cả về số lượng cũng như chất lượng so với yêu cầu. Những giảng viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy lần lượt về hưu, trong khi đó lớp giảng viên trẻ kế cận tuy có sức khỏe, có tâm huyết với nghề lại được đào tạo bài bản song còn hạn chế về kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy. Một số giảng viên chưa thật sự chuyên tâm đầu tư cho nghiên cứu, soạn giáo án và rèn luyện phương pháp sư phạm.

Hai là,phương pháp giảng dạy trong Trường tuy được Đảng ủy và Ban Giám hiệu yêu cầu tăng cường đổi mới, lấy người học làm trung tâm của quá trình giảng dạy, tuy nhiên vẫn còn nặng về thuyết trình, chưa áp dụng một cách thực sự hiệu quả phương pháp giảng tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên.

Ba là, việc tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa thực sự đồng đều, một số giảng viên vẫn chưa xem đây là hoạt động mang lại lợi ích, ý nghĩa thiết thực cho bản thân mà chỉ chú trọng sao cho đủ số lượng công trình khoa học của năm. Từ đó, dẫn đến chất lượng nghiên cứu khoa học còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu và thực tiễn của nhà trường cũng như địa phương.

Bốn là, mặc dù công tác đánh giá năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học được Đảng ủy, Ban Giám hiệu thường xuyên quan tâm thông qua nhiều hoạt động cụ thể như dự giờ, thao giảng, thi giảng viên dạy giỏi, cử giảng viên tham gia thi giảng viên dạy giỏi cấp Học viện, lấy ý kiến phản hồi từ phía người học... Tuy nhiên, nhìn chung kết quả của từng hoạt động này chưa mang lại hiệu quả thực sự như mong đợi.

Năm là, đội ngũ giảng viên của Trường trong nhiệm kỳ qua không được tăng thêm nhiều nhưng số lượng lớp đào tạo, bồi dưỡng và hình thức đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng theo yêu cầu của Tỉnh, số giờ lên lớp càng tăng nên phần nào ảnh hưởng đến việc đầu tư nâng cao chất lượng bài giảng, thời gian nghiên cứu khoa học.

Có thể nói, muốn nâng cao được chất lượng đào tạo thì việc quan trọng nhất phải nâng cao được năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ giảng dạy. Để tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy trường cần chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi bộ trực thuộc và của đảng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên vững mạnh về quản lý và chuyên môn, nghiệp vụnhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của nhà trường trong giai đoạn mới. Trong đó, để nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, thiết nghĩ Đảng ủy cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, lãnh đạo công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. Kế hoạch đào tạo giảng viên phải được thiết kế chi tiết, có lộ trình cụ thể (năm nào, giảng viên nào đi học, chuyên ngành gì, ở đâu...). Điều này là vô cùng cần thiết giúp cho cả Lãnh đạo Khoa chủ động trong bố trí nhân sự tham gia giảng dạy và giảng viên chủ động được kế hoạch, thời gian của bản thân. Bên cạnh đó, hoạt động bồi dưỡng nên tiếp tục tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng (ngắn hạn, dài hạn, tập trung, không tập trung...) tùy theo nội dung, chuyên đề cần bồi dưỡng.

Thứ hai, lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đồng bộ, có tính kế thừa. Từ thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, khi lực lượng giảng viên có nhiều kinh nghiệm về hưu, đội ngũ giảng viên kế cận khá hụt hẫng, phải mất nhiều thời gian để có thể thay thế vị trí đó. Chính vì vậy, người viết cho rằng, Đảng ủy cần phát huy hơn nữa mối liên hệ giữa công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch cán bộ. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, quản lý chuyên môn và bồi dưỡng về lý luận chính trị cho giảng viên trẻ, đội ngũ cán bộ trong diện quy hoạch, đảm bảo đồng bộ về cơ cấu đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đồng thời, phải xem đây là một giải pháp mang tính đột phá để xây dựng được đội ngũ giảng viên chất lượng cao, hướng đến Trường Chính trị chuẩn trong tương lai.

Thứ ba, tiếp tục lãnh đạo công tác xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên. Bất kỳ hoạt động kiểm tra, đánh giá nào cũng phải dựa trên một hệ thống tiêu chí nhất định nhằm tránh thực trạng cảm tính, chủ quan, nể nang... Bộ tiêu chí này cần phải mang tính khái quát, khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn và các quy định có liên quan để đảm bảo công tác đánh giá thực sự hiệu quả, góp phần thúc đẩy ý chí vươn lên, tự hoàn thiện mình của mỗi người giảng viên.

Thứ tư, lãnh đạo việc đổi mới công tác nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Nghiên cứu khoa học phụ thuộc vào khả năng của mỗi cá nhân, xét ở một khía cạnh nào đó, nó còn là niềm đam mê, hứng thú trong việc khám phá ra những điều mới mẻ trong khoa học. Chính vì vậy, việc đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học đôi khi khá nhiêu khê. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ các yêu cầu cụ thể đối với giảng viên trong việc thực hiện nghiêm quy chế nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đảng ủy cần khuyến khích, động viên tinh thần nghiên cứu của giảng viên, có định hướng, tư vấn để mỗi giảng viên có thể tìm được hướng nghiên cứu phù hợp với chuyên môn, sở thích và yêu cầu của nhà trường.

Thứ năm, Đảng ủy và Ban Giám hiệu cần tiếp tục khơi dậy niềm hứng khởi và tạo động lực hoàn thiện mình đối với đội ngũ giảng viên. Bên cạnh sự tự nỗ lực, tự cố gắng của bản thân mỗi người thì sự động viên, khuyến khích từ cấp trên, đồng chí, đồng nghiệp mang giá trị rất lớn đối với từng giảng viên. Có thể nói, môi trường làm việc thân thiện, sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau chính là giá trị tinh thần mà mỗi người cán bộ, giảng viên đều mong muốn có được. Để làm được điều  đó, Đảng ủy không chỉ là chủ thể dẫn dắt, đầu tàu mà hơn hết nên trở thành những người truyền cảm hứng, thúc đẩy sự đoàn kết trong nội bộ nhà trường để cùng đạt được mục tiêu chung.

Chỉ còn vài tháng nữa, chúng ta sẽ chào đón mốc kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp. Đó không chỉ là niềm tự hào về những năm tháng mà thế hệ trước đã dày công vun đắp nên hình hài ngôi trường này, mà còn là trách nhiệm, là sứ mệnh vẻ vang để tiếp nối truyền thống quý báu ấy. Trong thời đại mới, điều kiện lịch sử đã thay đổi nhanh chóng, chúng ta cần có cách thức tiếp cận và vận dụng sáng tạo hơn trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, phụng sự đắc lực cho sự nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính vì vậy, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tới đây,Đảng ủy Trường Chính trị Đồng Tháp cần tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, thể hiện được tinh thần kỷ cương, đoàn kết, đổi mới và sáng tạo trên mọi phương diện, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên nhà trường, để đây thực sự là lực lượng kế cận xứng đáng tiếp theo trong tương lai./.